Đội cứu hộ Indonesia đang tiến hành trục vớt thân máy bay QZ8501 của hãng AirAsia từ đáy biển, tuy nhiên họ vẫn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.
AFP dẫn lời người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn quốc gia Indonesia Suryadi Bambang Supriyadi cho biết hôm nay (24.1) lực lượng cứu hộ bắt đầu mở chiến dịch trục vớt phần thân máy chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia gặp nạn đâm đầu xuống biển Java hôm 28.12 năm ngoái. Họ đang tìm cách sử dụng những quả bóng hơi khổng lồ để nhấc phần thân chính của máy bay ra khỏi lớp bùn dưới đáy biển nhưng vẫn chưa thành công.
Chiếc dịch này được thực hiện một ngày sau khi các thợ lặn đã vào được bên trong thân máy bay lần đầu tiên kể từ khi tìm thấy phần xác máy bay này hồi tuần trước và đã đưa 4 thi thể nạn nhân khỏi thân máy bay. Nhưng họ không thể tiến sâu thêm do bị nhiều dây dợ và ghế ngồi trôi nổi bên trong cản trở.
Ban đầu chiến dịch trục vớt diễn ra khá thuận lợi nhưng sau đó, chiến dịch trục vớt gặp khó khăn khi sợi cáp nối với một quả bóng hơi bị đứt.
Ảnh chụp thân máy bay QZ8501 chìm dưới biển Java (ảnh: Channel News Asia)
Quan chức cứu hộ Indonesia, ông S.B. Supriyadi, nói với AFP: "Hôm nay, chúng tôi đã không thành công. Các dây đeo bị đứt, nên thân máy bay lại rơi xuống đáy biển”. Các hoạt động nhằm nâng thân máy bay lên sẽ được tiếp tục vào ngày mai (25.1).
Các quan chức cơ quan cứu hộ cũng cho biết một máy quét còn phát hiện một vật thể "nghi ngờ là buồng lái" của máy bay cách phần thân khoảng 500m. Tuy nhiên, đội cứu hộ sẽ tiến hành trục vớt thân máy bay trước sau đó mới tiến hành xác minh xem đó có phải là buồng lái của QZ8501 hay không.
Sáng nay, đội cứu hộ đã vớt thêm được 4 thi thể, nâng tổng số nạn nhân được vớt lên khỏi mặt nước là 69. Lực lượng cứu hộ hi vọng sẽ tìm thấy những thi thể còn lại trong phần thân máy bay.
Chiếc máy bay Airbus A320-200 của hãng hàng không AirAsia chở 162 hành khách và phi hành đoàn, bị rơi xuống biển Java vào ngày 28/12/2014 khi đang trên đường từ thành phố Surabaya của Indonesia tới Singapore.
Hộp đen của chiếc máy bay được coi là chìa khóa để giải mã nguyên nhân chiếc máy bay gặp nạn
Khoảng 1 phút trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar, cơ trưởng đã yêu cầu nâng độ cao để tránh bão. Tuy nhiên yêu cầu này bị từ chối bởi tại thời điểm đó, mật độ giao thông khá dày đặc ở khu vực này.
Trước đó, ông Ignasius Jonan, Bộ trưởng bộ Giao thông Indonesia, khẳng định chiếc máy bay của Hãng hàng không AirAsia đã tăng tốc quá nhanh trước khi gặp nạn. Tại phiên điều trần của quốc hội trước đó, ông Jonan thông báo dữ liệu radar cho thấy chiếc máy bay này đã có thời điểm ăng độ cao với tốc độ hơn 1,83km/phút trước tai nạn. Có một số máy bay khác trong khu vực tại thời điểm đó.
Ông Nurcahyo Utomo, một điều tra viên của Ủy ban An toàn Giao thông Indonesia tiết lộ các nhà điều tra đang xem xét khả năng yếu tố con người dẫn tới vụ tai nạn hàng không thảm khốc khiến 162 người thiệt mạng.