Khẩn cấp: Bão số 16 giật cấp 12 sẽ vào TPHCM

Ngày 23/12/2017 13:32 PM (GMT+7)

Theo dự báo, bão Tembin (bão số 16) vào TPHCM trong đầu tuần tới. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 12.

“Trước đó, mới chỉ là giông lốc mà Quận 9, Thủ Đức hàng loạt cây to ngã đè sập nhà dân, nhà tốc mái bay đi, đó chỉ giông lốc chứ chưa phải bão, lần này theo dư báo bão sẽ vào trực tiếp. Đây là cơn bão cực kì nguy hiểm, vào thời điểm đặc biệt, khu vực đặc biệt, phải chủ động dứt khoát ứng phó. Tuyệt đối không được lơ là”.

Ông Lê Thanh Liêm Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm nhấn mạnh như vậy trong cuộc họp khẩn cấp ứng phó bão Tembin, cơn bão số 16 trong năm. Cuộc họp vừa diễn ra sáng nay, 23-12, tại UBND TP.HCM.

Khẩn cấp: Bão số 16 giật cấp 12 sẽ vào TPHCM - 1

Đường đi và vị trí cơn bão Tembin. Ảnh: nguồn trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Tại đây, lãnh đạo các quận huyện tham gia vào Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão với đầu cầu Hà Nội, do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường chủ trì.

Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong 24-48 tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển 20-25km/ giờ và tiếp tục mạnh lên. Vào 16 giờ chiều mai (24-12), vị trí tâm bão cách đảo Trường Sa lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 giật cấp 14. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Ông Nguyễn Xuân Cường lưu ý đây là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, đổ bộ vào đất liền trong thời điểm cuối năm, vào vùng ít gặp bão. Bão càng vào biển Đông tốc độ càng nhanh, hướng, tốc độ thay đổi liên tục, nếu không chủ động tập trung quyết liệt đối phó, hậu quả sẽ vô cùng lớn. Theo dự báo, bão có phạm vi ảnh hưởng lớn từ Quảng Ngãi tới Cà Mai, nơi tập trung những ngư trường phát triển rầm rộ nhất, số lượng tàu thuyền lưu thông và tập trung huyện đảo, xã đảo lớn.

Bộ trưởng yêu cầu các Bộ ngành và các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh từ Tp. Hồ Chí Minh đến Cà Mau thường xuyên cập nhật diễn biến của bão, thông tin kịp thời cho nhân dân biết; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, quản lý chặt chẽ việc ra khơi, tổ chức neo đậu an toàn.  Có phương án bảo đảm an toàn cho người dân, chỉ đạo, hướng dẫn người dân chặt tỉa cây, chằng chống bảo vệ nhà cửa, bảo vệ sản xuất, có phương án chống ngập do mưa lớn cộng thêm triều cường; huy động sẵn sàng lực lượng cứu nạn, cứu hộ…

“Thời gian chuẩn bị còn rất ngắn. Thứ 2 bão vào tới nơi rồi”, ông Cường nhấn mạnh.

Khẩn cấp: Bão số 16 giật cấp 12 sẽ vào TPHCM - 2

TP.HCM họp khẩn ứng phó bão số 16. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, chỉ đạo các sở ban ngành, quận huyện không được chủ quan, lơ là, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động trong công tác phòng tránh, ứng phó với mọi tình huống.

Phải sử dụng tất cả phương tiện truyền thông để thông báo cho các chủ phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển, tốc độ kêu gọi tàu thuyền thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Ông giao Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP tùy theo diễn biến của bão để quyết định thông báo cấm tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản , đò ngang, đò dọc, tàu du lịch…

Các khu vực có nguy cơ sạt lở cao (Huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức, Bình Thạnh, Quận 2…) tổ chức lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để chủ động quyết định sơ tán, di dời dân đến các điểm tạm cư kiên cố, chắc chắn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân…

Họp khẩn ứng phó bão số 16 nhưng nhiều quận huyện cử không đúng thành phần đi dự họp. Cụ thể như Quận 4, Quận 7, quận 9, quận Tân Bình, huyện Củ Chi.

Theo Nguyễn Trà
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức TP.HCM