Các chuyên gia và bác sĩ đều thừa nhận, Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng thông tin ô nhiễm nhất nhì thế giới là không chính xác.
Đó chỉ là số đo trong một thời điểm
Ngày 5/10, trên các trang mạng xã hội rầm rộ chia sẻ thông tin cho rằng bụi PM 2.5 (bụi có đường kính khí động học nhỏ hơn hoặc bằng 2.5µm (micromet)) trong không khí đang rất đáng báo động với chỉ số cao ngất ngưởng là 295.
Theo đánh giá khoa học, nếu chỉ số PM 2.5 ở mức 201-300 là mức ô nhiễm cần phải cảnh báo tình trạng sức khỏe khẩn cấp. Tất cả mọi người đều cần hạn chế hoạt động ở bên ngoài lâu, người có vấn đề về hô hấp cần tránh ở bên ngoài.
Những chia sẻ trên ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhiều người cho rằng, tình trạng tắc đường, khí thải động cơ, cùng với việc khu vực ngoại thành đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch nên dẫn đến tình trạng này.
Chỉ số PM 2.5 do ĐSQ Mỹ đo ở Hà Nội vào sáng 5/10.
Trước thực trạng trên, TS Hoàng Dương Tùng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, chỉ số trên chưa thể khẳng định toàn Thành phố Hà Nội ô nhiễm, vì chỉ số có thể tăng giảm theo giờ.
"Với số liệu đo từ một địa điểm trên thì không thể khẳng định không khí Hà Nội ô nhiễm nhất nhì thế giới", ông Tùng khẳng định.
Trả lời báo chí liên quan đến vấn đề này, GS Phạm Ngọc Đăng (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho rằng, cách đánh giá mức ô nhiễm không khí ở Hà Nội như trên là chưa chính xác, thiếu cơ sở khoa học và thực tế.
Vì trị số nồng độ bụi PM2,5 đo được nêu trên chỉ là trị số cực hạn đột xuất ở thời điểm bất thường. Còn muốn đánh giá mức độ ô nhiễm của một địa phương thì phải trị số trung bình đo của 24 giờ liên tục ngày đó làm đại diện.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội xuất hiện tình trạng bụi PM 2.5 dày đặc trong không khí như vậy, hồi đầu năm 2016 cũng đã rộ lên thông tin trị số quan trắc bụi PM2,5 tại Hà Nội vào giờ cao điểm (8-9 giờ sáng) là 383µg/m3.
Bụi PM 2.5 rất nguy hiểm
Về phương diện sức khỏe, trao đổi với chúng tôi, BS Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho rằng, ô nhiễm môi trường đặc biệt là các loại khí bụi ngoài đường đều ảnh hưởng đến con người nhất là hệ hô hấp từ mũi họng hầu, cho đến phổi phế quản ...đều chịu ảnh hưởng trực tiếp.
BS Thành cho biết, khi hít phải các chất độc hại này, sau một thời gian tích tụ lâu dài, sẽ gây ra những bệnh mãn tính về đường hô hấp, hoặc tích tụ lâu dài các bụi hữu cơ thì các hóa chất đó tích tụ gây nên những bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, có thể là yếu tố gây nên bệnh ung thư...
BS Vũ Văn Thành cho rằng, bụi PM 2.5 rất nguy hiểm.
Đối với bụi PM 2.5, BS Thành cho rằng, những hạt (hạt bụi) có kích thước PM dưới 2,5 micromet thì nó có thể vào sâu bên trong phế quản và phế nang, đó là điều hết sức nguy hiểm.
Đáng nói hơn, những hạt trong không khí có rất nhiều loại khác nhau, có nhiều thành phần hóa học khác nhau, khi vào trong cơ thể thì có hai vấn đề xảy ra.
Nếu những hạt này có kích thước trung bình thì nó sẽ bị giữ lại ở niêm mạc, đó còn gọi là lớp thảm nhầy nhung mao.
“Chúng ta có thể hình dung nó như là một cái thảm, trên bề mặt có những chất nhầy, khi các hạt vào, thảm này có chức năng bắt giữ hạt đó lại và theo nhu động ngược chiều thì nó lại đẩy từ dưới lên trên, qua phản xạ ho thì các hạt này sẽ đẩy ra ngoài và không bị hấp thu vào trong”, BS Thành phân tích.
Theo BS Thành, đây là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể con người. Điều đó có thể lý giải nhiều người tuy hít phải bụi trong không khí, nhưng không phải ai cũng mắc bệnh.
Tuy nhiên, điều mà BS Thành lo ngại nhất đó chính là những hạt có kích thước nhỏ dưới 2,5 micromet thì “cái thảm” trên sẽ không chặn được và sẽ bị lọt vào phế nang.
Sau khi lọt vào phế nang sẽ tích lũy dần dần đến khi đủ lượng nhất định nó sẽ gây nên bệnh cho con người. Đó là lý do vì sao người ta nói hạt bụi PM dưới 2,5 nó nguy hiểm là như vậy.