Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải: Những điều khó lý giải

Ngày 07/12/2019 12:15 PM (GMT+7)

Đầu tháng 12/2019, khi Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao đã có kháng nghị Giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao...

Bị cáo Hồ Duy Hải được các cơ quan tố tụng kết luận là thủ phạm vụ án giết hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, Long An) tối 13/1/2008. Qua hai cấp xét xử, Hồ Duy Hải bị kết án tử hình. Sau 8 năm chờ đợi, lệnh thi hành án tử hình Hồ Duy Hải được thực hiện vào ngày 5/12/2014. Nhưng, thật bất ngờ, đúng 12 giờ ngày 4/12/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có quyết định hoãn thi hành án đối với Hồ Duy Hải.

Sau 5 năm đằng đẵng sống trong tâm trạng khắc khoải và lo lắng kể từ ngày Chủ tịch nước ký lệnh hoãn thi hành án đến đầu tháng 12/2019, khi Viện KSND Tối cao có kháng nghị Giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên bị án Hồ Duy Hải tử hình vì tội giết người cướp của, để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật, một lần nữa, hy vọng sống lại đến với tử tù này.

Cho dù năm 2011, Viện trưởng Viện KSND Tối cao cũng từng quyết định không kháng nghị vụ án. Năm 2013, Chủ tịch nước cũng đã bác đơn xin ân xá của bị án.

Nhưng chữ “may” vẫn đến với Hồ Duy Hải. Lẽ ra Hồ Duy Hải đã bị tuyên án tử hình năm 2009, tuy nhiên trong suốt từ năm 2009 đến thời điểm Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng có 2 lần đề nghị các cơ quan tố tụng báo cáo vụ án Hồ Duy Hải. Rồi vụ án lại rơi vào đúng thời điểm chuyển đổi hình thức tử hình từ xử bắn sang tiêm thuốc độc nên lại bị lùi lại.

 Bản án tuyên Hồ Duy Hải (áo trắng) tử hình về tội “giết người”, “cướp tài sản”, vừa bị Viện KSND TC kháng nghị do những thiếu sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng. (Ảnh do người nhà cung cấp)

Bản án tuyên Hồ Duy Hải (áo trắng) tử hình về tội “giết người”, “cướp tài sản”, vừa bị Viện KSND TC kháng nghị do những thiếu sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng. (Ảnh do người nhà cung cấp)

Niềm tin vụ án Hồ Duy Hải có dấu hiệu oan sai ngày càng được củng cố bởi những chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án đều “chống lại” những lời buộc tội của cơ quan tố tụng. Đặc biệt, ngoài những chứng cứ được các luật sư bảo vệ Hồ Duy Hải (luật sư Nguyễn Văn Đạt, Trần Hồng Phong và Trần Văn Tạo) nêu ra tại các phiên tòa, các bản kiến nghị cũng như kết luận của đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào cuộc ngay sau khi có lệnh hoãn thi hành án tử hình cho thấy có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng.

Liệu Hồ Duy Hải có bị oan hay không, chúng ta phải chờ kết quả cuối cùng từ TAND Tối cao sau kháng nghị của VKSND Tối cao.

Tuy nhiên, có chi tiết đáng chú ý: Sau khi Hồ Duy Hải bị bắt, luật sư Võ Thành Quyết (Đoàn Luật sư Long An) được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An chỉ định bào chữa cho Hồ Duy Hải. Ông Quyết từng là Thủ trưởng cơ quan điều tra công an tỉnh, Trưởng Công an huyện Thủ Thừa - địa bàn xảy ra vụ án mạng. 

Trong khi cơ quan điều tra nhiều lần đến nhà Hải để khám xét, đào bới cả nền nhà, phòng riêng, tủ riêng của em gái Hải. Ngay cả chiếc nhẫn của em gái Hải có giấy mua bán cũng bị thu… là tang vật cướp của. Trong khi bị cáo Hồng được gia đình xác nhận là có chiếc lắc vàng chứ không phải nhẫn…

Khi có người giới thiệu luật sư Võ Thành Quyết (ông Quyết cũng từng là sếp cũ của ông Phạm Tiến, người đang phụ trách điều tra vụ án Hồ Duy Hải), gia đình đã ký hợp đồng với luật sư Quyết. Như vậy luật sư Võ Thành Quyết vừa là luật sư chỉ định lại là luật sư ký hợp đồng với gia đình bị can Hồ Duy Hải.

Việc luật sư Võ Thành Quyết vừa là luật sư chỉ định lại ký hợp đồng với gia đình Hồ Duy Hải là không phù hợp Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự, vi phạm Thông tư liên tịch số 66/2007 của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp. 

Từ khi luật sư Quyết tham gia bảo vệ, Hồ Duy Hải thay đổi thái độ, từ chỗ luôn kêu oan lại quay ra nhận tội. Hồ sơ vụ án cũng đã thể hiện rõ qua các bản cung. Tuy nhiên, trong khi tư vấn cho gia đình bị can, luật sư Quyết cũng thúc giục gia đình Hải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân “xem như khắc phục hậu quả để giảm nhẹ hình phạt”.

Gia đình Hồ Duy Hải khi đó băn khoăn vì nếu làm theo lời luật sư khác gì thừa nhận Hải là thủ phạm giết hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi. Vì vậy, gia đình đã tìm đến luật sư Nguyễn Văn Đạt (TP.HCM) để mời bào chữa, bảo vệ cho Hồ Duy Hải.

Có điều lạ là, luật sư Nguyễn Văn Đạt không được tham gia hỏi cung Hải mà chỉ có luật sư Quyết được tham gia. Nghiên cứu hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải, ông Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng thấy có điều đáng nghi ngờ trong các lời khai của Hải.

“Những cái đáng nhẽ không nhớ Hải lại nhớ rất chi tiết, những cái cần nhớ mãi sau này mới thấy có hướng lái cho phù hợp với biên bản hiện trường... khiến chúng tôi buộc phải xem lại các biên bản hỏi cung Hồ Duy Hải”, ông Hiến nói.

Khi luật sư Quyết chưa tham gia bào chữa, Hải khai rất lẫn lộn về hành vi đập đầu nạn nhân Hồng. Chỉ mỗi tiếng kêu á á, lúc Hải nói là của nạn nhân Hồng, lúc lại khai là của nạn nhân Vân. Ông Hiến nhấn mạnh: "Chỉ mỗi tiếng kêu á á mà khai đã khác nhau một trời một vực".

Nhưng khi luật sư Quyết tham gia bỗng nhiên Hải nhớ ra tất cả các chi tiết rất nhỏ dù vụ án đã xảy ra từ 6 tháng trước. Bản cung đầu tiên Hải khai đập đầu Hồng ở la bô nước, 6 tháng sau khai là đập bằng thớt. Thớt - tang vật vụ án cơ quan điều tra không thu giữ được mà lại nhờ người quen của hai nạn nhân ra chợ mua để làm tang vật gây án…

Việc Hải “đính chính” lại lời khai tại biên bản ngày 11/7/2008 được đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp (Quốc hội) đánh giá là có hướng lái phù hợp với biên bản hiện trường. Và đặc biệt là Hồ Duy Hải một mực phủ nhận lời khai trước đây và chỉ khẳng định rằng, lời khai kể từ ngày 11/7/2008 về sau là đúng và chính xác. 

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Hồ Duy Hải có hai luật sư bào chữa là luật sư Võ Thành Quyết và luật sư Nguyễn Văn Đạt. Trong khi luật sư Nguyễn Văn Đạt nêu tới 41 điểm, tình tiết chứng minh Hồ Duy Hải có dấu hiệu vô tộ thì luật sư Võ Thành Quyết lại “buộc” Hải tội giết người và chỉ xin giảm án xuống chung thân.

Bản án sơ thẩm nhận định: Luật sư Võ Thành Quyết cho rằng, mặc dù về thủ tục trình tự tố tụng do cơ quan điều tra tiến hành có một số điểm chưa đúng, song quá trình được chỉ định ở cơ quan điều tra, chính Hồ Duy Hải cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội, mô tả chi tiết hành vi như dung hung khí là thớt tròn, ghế xếp và dung dao Thái Lan gây án, chiếm đoạt tài sản nữ trang của hai nạn nhân, tiền, điện thoại, simcard của bưu điện và nhận dạng tài sản đều trùng khớp với nhau, có sự chứng kiến và tham gia của luật sư…

Cũng tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư Nguyễn Văn Đạt viện dẫn 41 điểm, tình tiết chứng minh Hồ Duy Hải có dấu hiệu vô tội và những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng.

(Còn nữa)

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải: Nỗi đau chưa bao giờ nguôi của gia đình 2 nữ nhân viên
12 năm, vụ án "Bưu cục Cầu Voi" của tử tù Hồ Duy Hải được kháng nghị giám đốc thẩm. 12 năm, là hành trình kêu oan của người thân tử tù, là nỗi đau...
Theo Linh Trần
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h