Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải: Nỗi đau chưa bao giờ nguôi của gia đình 2 nữ nhân viên

Ngày 04/12/2019 08:06 AM (GMT+7)

12 năm, vụ án "Bưu cục Cầu Voi" của tử tù Hồ Duy Hải được kháng nghị giám đốc thẩm. 12 năm, là hành trình kêu oan của người thân tử tù, là nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai của gia đình nạn nhân.

Ngày 5/12/2014, vụ án trên có thể đã khép lại khi tử tù Hồ Duy Hải bị thi hành án. Thế nhưng "phút 89",  Văn phòng Chủ tịch nước đã gửi công văn cho TAND Tối cao, VKSND Tối cao, yêu cầu tạm hoạn thi hành án, để xem xét lại vụ án nếu có dấu hiệu oan sai. Bởi trước giờ thi hành án, gia đình tử tù đã có đơn kêu oan. Và mới đây nhất, VKSND Tối cao vừa kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM nơi tuyên Hồ Duy Hải án tử hình về tội "Giết người", "Cướp tài sản".

Từng ấy năm, cho rằng con bị oan, bà Nguyễn Thị Loan (SN 1965, mẹ của Hồ Duy Hải) đằng đẵng đi kêu oan, chạy đua với thời gian, giành giật sự sống mong manh cho Hải. Kinh tế kiệt quệ, thân mang bạo bệnh, thứ mà bà Loan còn duy nhất là niềm tin con bà vô tội. Nhưng ở phía bên kia, gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) vẫn mang nỗi đau tận cùng, chẳng biết đến bao giờ mới ngôi ngoai trong lòng họ. Đến giờ họ không còn biết là Hồ Duy Hải hay ai đã sát hại con họ.

Đứa con gái hiếu thảo

"Cha mẹ Vân, từ ngày con gái xảy chuyện, đã đóng cửa đi biền biệt. Nghe đâu, họ làm lúa ở mãi mạn Đồng Tháp Mười, cuối năm Tết đến cũng chẳng thấy về nhà. Hình như, vợ chồng ông ấy sợ đối mặt với hiện thực là con gái đã chết. Hai đứa nó cũng mất vào một chiều gần cuối năm. Còn cha mẹ cái Hồng thì vẫn ở đó, nhưng lam lũ, khắc khổ, cũng héo mòn vì nhớ thương con cái. Bà Sáu Mừng (mẹ nạn nhân Hồng) từng kể với tôi: "Em luôn nghĩ con bé nó đi đâu xa thôi"", bà Hoa, người hàng xóm của 2 nạn nhân cho biết, khi phóng viên tìm đến.

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải: Nỗi đau chưa bao giờ nguôi của gia đình 2 nữ nhân viên - 1

Số phận tử tù Hồ Duy Hải sẽ ra sao khi vụ án "Bưu cục Cầu Voi" được điều tra lại?

Trong ký ức người hàng xóm, gia đình Hồng và Vân vẫn nhớ như in buổi sáng đau thương ấy. Cái chết oan khuất, tức tưởi của hai cô gái khiến xóm nghèo phủ một mầu u ám. Trước thông tin vụ án có thể được điều tra lại, dư luận lại dậy sóng, giống như cái hồi Hải được hoãn thi hành án. 

"Hồng và Vân là hai chị em họ, nhà kế bên. Cả hai đứa hiền lành ngoan ngoãn, bị người ta giết thảm thương như vậy, ai mà không đau lòng", bà Hoa nói tiếp.

Đây cũng không phải là lần đầu chúng tôi tìm đến nhà bà Sáu Mừng. So với 5 năm trước, bà Sáu Mừng đã héo hon đi nhiều. Nước mắt ngắn dài bà kể: "Con cái đứt ruột đẻ ra, cha mẹ nào mà không đau xót. Đằng này, một đứa là con, một đứa là cháu. Kẻ ác nhân thì phải đến tội, chừng nào hung thủ chưa trả giá thì ngày ấy chúng tôi còn chưa được thanh thản. Người ta bảo thằng Hải bị oan, điều này tôi không quan tâm, hãy để cho cơ quan chức năng làm rõ. Còn tôi và gia đình chỉ oán hận kẻ nào đã gây ra cái chết cho con gái mình mà thôi".

Nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng là con đầu lòng, hiếu thảo của vợ chồng bà Sáu Mừng. Bên dưới Hồng có 3 đứa em, một đứa thì từ lúc sinh ra đã bị liệt nằm đến tận bây giờ. Ông Sáu Mười lại bị bệnh tim, một mình bà gánh vác cả gia đình. Khi Hồng lớn, biết lo nghĩ thì bà cũng đỡ vất vả hơn.

"Hồng là đứa chịu nhiều thiệt thòi. Lúc ấy, nếu không có con bé ấy thì tôi cũng chẳng biết sẽ như thế nào. Khi đã đỡ khổ hơn thì nó lại ra đi. Nếu như con gái tôi chết vì tai nạn giao thông ở ngoài đường thì đã chẳng đến nỗi như vậy. Đằng này… mà nó đâu có tội tình gì", người mẹ già nén tiếng thở dài.

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải: Nỗi đau chưa bao giờ nguôi của gia đình 2 nữ nhân viên - 2

Nỗi đau mất con với gia đình nhà bà Sáu Mừng (mẹ nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng) chưa bao giờ nguôi ngoai

Dù Hồng không còn nữa, nhưng những ký ức đẹp về người con gái này vẫn vẹn nguyên trong lòng bà. Bà nhớ lại, gia cảnh nhà mình khó khăn nhưng cũng cho con cái ăn học đàng hoàng, ngoài người con bị liệt thì Hồng và hai em đều học rất giỏi. Bà nhớ nhất là năm Hồng học lớp 12, ông Sáu Mười bị bệnh nặng, nhưng không có tiền cho đi bệnh viện. Chồng bà nằm ở nhà, thở những hơi tàn, từng chừng như không qua khỏi. Bà thì ngược lên tận mạn Mộc Hóa, cách nhà hơn 100km làm mướn, Hồng thay mẹ chăm lo cho cha, và các em.

Đến mùa đăng ký thi đại học, Hồng xin mẹ tiền để mua bộ hồ sơ dự thi. Đâu chỉ có 15 nghìn gì đó, nhưng số tiền ấy cũng quá lớn với người mẹ. Bà Sáu Mừng ngập ngừng nói với Hồng: "Mẹ có thể mượn người ta tiền cho con mua bộ hồ sơ, nhưng mai mốt con thi đỗ, mẹ không có tiền nuôi con ăn học. Lúc ấy, con lại oán mẹ. Giá như em không đau, cha con không bệnh nặng thì mẹ chẳng ngại điều gì. Kể cả bán cái nhà này đi cho con ăn học"…. "Nói đến đấy Hồng cũng khóc theo, nó ôm lấy tôi thật chặt. Cả đời tôi luôn day dứt, hối hận vì đã không làm hết trách nhiệm với con bé", người mẹ tội nghiệp nói tiếp.

Sau hôm ấy, Hồng không còn nhắc đến chuyện thi đại học nữa. Nhưng bà Sáu Mừng biết, trong lòng con gái mình rất buồn. Hết lớp 12, Hồng đi làm công nhân gần nhà. Như có một phép mầu, ông Sáu Mừng bệnh tình cũng thuyên giảm. "Con gái đi làm công nhân vất vả nên vợ chồng tôi nhờ người quen trên huyện xin cho Hồng làm nhân viên của Bưu cục Cầu Voi. Nó với con Vân làm ở đó được hơn 1 năm thì xảy ra chuyện", bà nhớ lại những ngày đau thương.

Hàng trăm người bật khóc bên thi thể nữ sinh lớp 11 để lại thư tuyệt mệnh rồi nhảy cầu
Sau ba ngày tìm kiếm, chiều nay, 2/12, thi thể nữ sinh Nguyễn Thị Thu Tr. (SN 2003, trú tại xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) được tìm thấy....
Theo Lê Nguyễn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự