Ký ức của cô gái trẻ mong ước đổi đời bằng con đường làm dâu xứ người

Ngày 31/01/2017 09:04 AM (GMT+7)

Tuổi 18, Hương đã rời bỏ Hải Phòng để cuốn theo giấc mộng đổi đời tại Đài Loan. Sau 10 năm lưu lạc xứ người đầy nước mắt, đắng cay và tủi hờn Hương hiểu rằng đó là cơn "Ác mộng cuộc đời" mà cô mãi chẳng thể nào quên được.

Sau những gì đã trải qua, Hương quyết định gửi câu chuyện lưu lạc xứ người của mình cho PV với hy vọng, câu chuyện của mình sẽ là bài học cho nhiều chị em suy nghĩ kỹ trước cất bước theo chồng chỉ vì mong ước làm giàu nơi xứ người...

Cuộc ngã giá tuổi 18

Tôi sinh ra trong một gia đình không mấy làm dư dả tại Tam Hưng (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng), nơi mà đến bây giờ phong trào lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc… vẫn là giấc mộng đổi đời của không ít cô gái trẻ nơi đây.

Tuổi 18, tôi có mái tóc dài chấm đến ngang lưng, khuôn mặt dễ thương, toát lên vẻ mặn mà của người con gái Thuỷ Nguyên. Người Hải Phòng chúng tôi vẫn có câu: “Trai An Hải, gái Thuỷ Nguyên”, tới tuần cập kê, nhiều trai làng cũng đã ướm hỏi nhưng lúc đó, tôi chưa có ý định lấy chồng khi tuổi còn quá trẻ.

Số phận làm dâu xứ người của tôi được bắt mối từ một người bà con chuyên làm ăn lớn. Ý định lấy chồng Đài Loan đã được chị ta tiêm nhiễm vào đầu mẹ tôi. Ban đầu tôi giãy nảy lên, cãi cự với mẹ vô cùng gay gắt. Xin nói thêm trước đó tôi đã từng bỏ nhà đi vì cha mẹ ép lấy chồng Đài Loan.

Người đàn bà giới thiệu mối cho tôi vẫn đều đặn đến nhà tôi thuyết phục mẹ. Qua câu chuyện, tôi biết người chồng tương lai của mình là một kỹ sư, là trai tân chưa vợ, nhà chỉ có 3 mẹ con, có hai nhà, một nhà cho mẹ và em gái anh ta ở, một mình anh ta ở trong căn nhà giữa thành phố Đài Trung, do tuổi đã lớn lên muốn tìm vợ Việt Nam. Chị ta khẳng định đây là một mối rất hời, biết hoàn cảnh gia đình tôi nên mới nhiệt tình mai mối.

Chị ta cũng không quên hứa hẹn, nếu làm vợ người này, tôi chỉ việc nội trợ và sinh con cho anh ta bởi mẹ anh ấy muốn có cháu nội. Nghe những lời của bà chị, cùng với lời thuyết phục của mẹ, cuối cùng tôi cũng nhắm mắt đồng ý.

Ngay cả đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao cũng không biết “ma xui, quỷ khiến” thế nào cũng đã xuôi thuận theo ý mẹ và người đàn bà kia, nhất là sau lần xem mặt qua webcam với người chồng sắp cưới của mình. Cuộc ngã giá hình thành và số tiền cuối cùng gia đình tôi được nhận là 35 triệu đồng. Nhà trai sẽ đứng ra lo toàn bộ tiệc cưới còn tiền mừng nhà gái sẽ thu toàn bộ. Trước ngày cưới chúng tôi chỉ có 2 lần gặp nhau.

Ký ức của cô gái trẻ mong ước đổi đời bằng con đường làm dâu xứ người - 1

Ngày Hương chính thức được nhập tịch Đài Loan.

Ấn tượng đầu tiên khi gặp người chồng khiến tôi bị sốc: “Anh ta quá già so với ảnh nhìn qua webcam, thân hình to con, mặt mũi thì nhăn nheo, anh ta nói anh ta 36 tuổi nhưng có lẽ anh ấy phải trên 50 tuổi". Đám cưới được tổ chức với đầy đủ thủ tục, cũng có đông đủ anh em, bà con ngõ xóm. Thế nhưng, những người đến đám cưới vui với tôi thì ít, ái ngại với tôi thì nhiều bởi chú rể còn già hơn cả người sinh thành ra tôi. Mặc dù được mẹ động viên, cố gắng sang ở với người ta, dần dần sẽ có tình cảm, chịu khó làm ăn, rồi có tiền gửi về nuôi mẹ và hai em ăn học, song trong suy nghĩ của mình, tôi bắt đầu có linh cảm điều gì đó bất ổn trong cách kiếm tìm hạnh phúc và sự giàu có của bản thân mình.

Sau một hành trình dài, hai vợ chồng đặt chân một nơi hoàn toàn xa lạ, nơi mà xứ sở người ta cho rằng sẽ đổi đời nhanh chóng. Tôi ngồi trên máy bay bên người chồng Đài Loan mà lòng trống rỗng, vô định. Sau lễ cưới tại Việt Nam, anh chàng kỹ sư Đài Loan tỏ ra là một người chồng trân trọng những giá trị truyền thống khi anh ta muốn có một đêm “tân hôn” tại Đài Loan. Thế nhưng, không hiểu sao, tôi vẫn có một cảm giác sợ sệt đến lạ lùng mà mỗi lần nhớ lại tôi vẫn cảm thấy rờn rợn.

Xuống phi trường Đài Bắc, tôi bồn chồn hết nhìn cái này đến cái khác. Đúng vậy một cô gái ở trong vùng nông thôn hẻo lánh, được môi giới lấy chồng Đài Loan, thì Đài Bắc đối với tôi là cả một vùng trời văn minh xa lạ. Sau khi xong mọi thủ tục. Chồng tôi gọi cứ điện thoại liên tục.

Với vốn tiếng Trung ít ỏi, lúc đó tôi hoàn toàn không biết chồng mình đang nói gì, chỉ nhìn chồng với con mắt lệ thuộc và sợ sệt khi bản thân đang ở một đất nước xa lạ. Chồng tôi gọi taxi, chất hành lý vào cốp xe rồi nói với tôi bằng mấy câu tiếng Trung: "Mình tranh thủ đi em, về quê anh mất cả ngày đi xe đó em".

Mặc dù xuống sân ga hàng không lúc trời mới xẩm tối nhưng hai vợ chồng mới cưới không kịp ăn gì, không kịp ngủ nghỉ gì sau chuyến bay dài. Vội vàng bắt xe ngay trong đêm về nhà chồng. Màn đêm bao bọc kèm theo gió heo may lạnh đến xé lòng! Hình ảnh đầu tiên tôi còn nhớ khi xách vali bước chân bước vào cửa nhà chồng là em gái chồng xuống đon đả chào hỏi và mẹ chồng cũng vậy. Tôi cảm thấy được an ủi phần nào. Nhưng đêm đầu tại xứ người tôi đã thấy cuộc sống khác hẳn. Người chồng của mình đã rũ bỏ hoàn toàn “chiếc áo hoàn hảo” ở Việt Nam. Đêm tân hôn đã trở thành cơn ác mộng đầu tiên của cuộc đời tôi. Những thứ mà mãi sau này vẫn cứ ám ảnh tôi mỗi khi có một người đàn ông muốn gần gũi tôi.

Mọi thứ như hoang dại trong một căn nhà lạnh lẽo chỉ còn lại tiếng kêu khóc của một cô gái xa xứ đáng thương. Sau ngày kinh hoàng đó, tôi dần biết được người đàn ông cưới tôi về làm vợ hóa ra không phải là một người hoàn hảo như giới thiệu mà thực sự lại là một gã đàn ông rất xấu. Anh ta thực chất là một kẻ bê tha rượu chè, cờ bạc thậm chí đã từng phải ngồi tù vì đã làm điều xằng bậy với phụ nữ, còn cái mác kỹ sư xây dựng kia thực chất chỉ là giả dối.

Nước mắt đắng cay ở xứ người

Hai vợ chồng tôi không phải sống ở gia đình riêng như chồng tôi hứa trước khi sang mà cả 4 con người cùng chung sống trong một căn hộ 40m2, được xây 2,5 tầng. Kinh tế cơ bản ban đầu không quá khó khăn. Tuy nhiên, mọi việc trong nhà đều do tôi đảm nhiệm như chăm sóc mẹ chồng, việc nhà... Từ lúc lấy chồng, tôi lúc nào cũng đầu tắt mặt tối. Nhiều đêm tôi mệt rã rời nhưng vẫn phải phục vụ chồng say rượu.

Gã chồng tôi uống rượu như nước lã, một khi đã rượu vào là anh ta mê mệt. Trong đó có chị Thanh (một người hàng xóm tôi mới quen) quê Hưng Yên cũng làm dâu Đài Loan, chị Thanh may mắn hơn tôi khi chị có công việc ổn định và con cái hạnh phúc đề huề.

Cũng từ người hàng xóm này tôi mới biết chồng tôi mới ra tù nên phải sang Việt Nam lấy vợ. Biết mình gặp phải kẻ không ra gì nhưng tôi vẫn cố nhịn để kệ đời mình “bèo trôi theo nước”, lúc đó, một cô gái tuổi 18 như tôi không nghĩ được gì nhiều.

Kể cả sau này khi có bầu, dù tôi vừa bụng mang dạ chửa nhưng tôi vẫn phải làm quần quật như ô sin trong nhà và tìm cách phải đối mặt hàng ngày với gã chồng vũ phu, nghiên ngập, có phần bê tha của mình.

Chồng chỉ đi làm công nhân nhưng được bao nhiêu tiền lương là anh ta đi đánh bài, uống rượu rồi về quậy tung cả nhà. Hắn về nhà trong lúc say còn nhiều hơn lúc tỉnh, những lúc đó chồng kiếm đủ chuyện để chửi, để đánh tôi, có những lúc hắn đập đầu vợ vào tường, dù đau nhưng tôi vẫn cố vùng thoát ra để chạy trốn, nhưng giữa phương trời xa lạ tôi cũng không biết đi đâu về đâu. Nhiều lần sợ quá, tôi phải xin em chồng cho ngủ nhờ, khóa trái cửa để đợi chồng tỉnh.

Ngày nào mẹ chồng và em chồng đi vắng, chỉ còn 2 vợ chồng là tôi phải chui xuống gầm giường ngủ, không dám bật đèn. Dù bầu bí, dưới sàn lạnh lẽo vô cùng nhưng vẫn phải chịu khó, bởi chồng tôi nếu tìm thấy tôi anh ta sẽ chửi, nếu không tìm thấy thì thôi. Chồng tôi ngày càng trái tính, đã vậy anh ta còn thường xuyên dắt bạn bè về uống rượu rồi chửi bới loạn xạ. Ban đầu hắn còn tử tế nói chuyện với vợ bằng vài câu tiếng Việt, sau đó hắn bắt đầu nói chuyện với vợ bằng những tiếng chửi của Đài Loan.

Hai vợ chồng có bất cứ chuyện gì dù đúng hay sai nhưng mẹ chồng vẫn bênh chồng trước. Đi khám thai về xác định là con gái anh ta lại chửi vợ khủng khiếp hơn, anh ta chửi tôi không biết đẻ như người ta. Lúc đó, tôi tự nhủ, dù sao cũng có con với người ta, tôi nghĩ mình trẻ cắn răng chịu đựng tính khí thô lỗ thất thường của ông chồng rượu chè, cố gắng đi làm để dành tiền chờ ngày sinh nở bên cạnh đó phải lo gửi về giúp bố mẹ trả hết nợ.

Theo Phương Trần
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự