Hơn 10 năm nay, cây cầu tạm được kết từ những thân cây tre "vắt nửa mình sang sông" này là con đường giúp người dân sinh sống bên bờ sông Bản Quyền kết nối với thế giới mặc dù nằm ngay giữa trung tâm thị trấn Văn Quan.
Thôn Tân Sơn (Thôn Na Sáng cũ), thuộc thị trấn Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn nằm cô lập bên bờ sông Bản Quyền. Toàn bộ chợ, trường học, bệnh viện... đều nằm ở trung tâm thị trấn ở phía bên kia con sông.
Nhiều người dân cho biết, trước đây, người dân trong thôn muốn ra ngoài phải qua sông bằng cách băng một sợi dây sắt vắt ngang sông rồi kéo những tấm bè mảng (kết từ 7-10 thân tre). Tuy nhiên, khoảng 10 năm nay, người dân đã cùng chung tiền mua tre kết thành một cây cầu tạm để qua sông hàng ngày.
Anh Lê Văn Uyên (Thôn Tân Sơn, Thị trấn Văn Quan, Lạng Sơn) cho biết, cây cầu được làm theo cách chia cầu thành hai mảnh, mỗi mảnh chỉ cố định ở bờ, mỗi lần di chuyển qua lại thì người dân phải kéo mảng cầu bè kia lại, cố định 2 đầu rồi mới đi qua được.
Anh Uyên cho biết, mục đích của việc này là để đảm bảo tính cơ động của cầu. "Mỗi mùa nước lũ lên là cầu phải tháo đầu buộc dây nối ở giữa để thả trôi theo dòng lũ. Những lần như vậy là 22 hộ dân sinh sống tại đây gần như bị cô lập cả tuần. Tuy nhiên, mỗi chiếc cầu cũng chỉ sử dụng mỗi năm một lần rồi lại phải thay một chiếc cầu phao tre mới".
Người dân còn sử dụng thêm những chiếc thuyền nhỏ làm từ tôn sắt để di chuyển. Cầu tuy có nhưng lại nổi lập lờ giữa sông tiềm ẩn nguy hiểm, nguy cơ tai nạn đuối nước, không ít vụ người qua cầu rơi xuống sông đã xảy ra.
Hơn chục năm nay, cây cầu tre mỏng manh vắt nửa mình sang sông này là con đường duy nhất kết nối các hộ dân với trung tâm thị trấn Văn Quan.
Anh Quyết (một người dân sinh sống bên bờ sông) chia sẻ: "Mỗi khi trẻ em trong thôn mà cần qua cầu thì phải luôn có người lớn đi kèm để đưa đón. Đặc biệt mỗi khi đi học mà trời mưa, nước dâng lên cao, cầu làm bằng tre nên trơn trượt rất nguy hiểm.
Trước đây, khi chưa có cầu, người dân thường mua những chiếc thùng phuy lớn cắt dọc một nửa để làm thuyền chèo qua sông nhưng cũng rất nguy hiểm".
Chị Hà Thị Khuyên cho biết thêm, tất cả các cư dân sinh sống bên bờ sông đều phải gửi phương tiên ở bên này bờ do không thể di chuyển qua sông được.
Mặc dù nằm giữa trung tâm thị trấn Văn Quan (huyện Văn Quan, Lạng Sơn) nhưng hàng chục năm nay, mọi lương thực thực phẩm, vật dụng gia đình, nhu yếu phẩm đều phải vận chuyển bằng sức người qua cây cầu mỏng manh.
Không chỉ là con đường độc đạo đi ra thế giới của người dân, cây cầu này còn gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người dân sống bên bờ sông Bản Quyền.
Ông Hà Văn Độ (cư dân bên bờ sông) cho biết, cây cầu chỉ sử dụng được một thời gian là trở nên mục, yếu ớt, nguy hiểm. Mỗi lần thay mới cầu phải cần khoảng hơn 100 cây tre mới. Mỗi lần như vậy dựa hoàn toàn vào kinh phí đóng góp của bà con khoảng 5-6 triệu đồng bao gồm cả tiền tre và sắt.
Trao đổi cùng PV Infonet, chị Long Thị Huyền (Trưởng phố Tân Sơn) cho biết, 2 cây cầu bắc tạm này đã tồn tại nhiều năm nay và là con đường độc đạo giúp người dân lên bờ.
Trước đây, cũng đã cùng có chủ trương xây cầu treo hoặc cầu cứng vượt sông nhưng vẫn chưa thực hiện được. "Nhiều người dân sống ở đây trong tình cảnh có tiền mà không thể xây nhà do không thể vận chuyển nguyên vật liệu bằng oto vào bên trong được.
Để có thể xây sửa căn nhà, người dân không còn cách nào khác ngoài việc phải tự vận chuyển từng viên gạch, từng bao cát sang sông trên cây cầu tre tạm"- Chị Huyền chia sẻ thêm.
Mùa lũ, nước chảy xiết người dân thôn Tân Sơn không thể qua sông. Lúc này đây, mong muốn lớn nhất của người dân là sớm được có cây cầu kiên cố hơn.