Tuy không qua trường lớp về điêu khắc, kiến trúc nhưng lão nông này đã thành công chế tạo loạt tác phẩm nghệ thuật công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Ngụ tại TP.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Tỏa - một nông dân cả đời gắn liền với vườn cao su đang là chủ nhân của nhiều sản phẩm điêu khắc độc đáo. Từ khoảng năm 2000, ông Tỏa bắt đầu bắt tay với đam mê đục đẽo, biến những khúc gỗ xù xì, cằn cỗi trở thành tác phẩm nghệ thuật.
Được biết, lão nông này chưa từng kinh nghiệm làm thợ mộc, không qua trường lớp đào tạo bài bản. Song, ông vẫn thực hiện được những tác phẩm với độ chi tiết, tỉ mỉ khiến ai xem qua đều phải trầm trồ khen ngợi.
Bước vào căn nhà của ông, nhiều tác phẩm kích cỡ lớn cao từ 1-2m được trang trí khắp phòng khách. Tác phẩm lớn nhất là bộ bàn ghế dùng để sinh hoạt hằng ngày, có thể ngồi từ 5-6 người.
Theo chia sẻ từ ông Tỏa đa phần loại gỗ được sử dụng là gỗ sao, gỗ mít, gỗ giá tỵ. Tất cả nguyên liệu được ông mua từ các thương lái, nhà vườn hoặc sưu tầm, tìm kiếm từ khắp nơi. Bước đầu, công việc gặp rất nhiều khó khăn, vì không dễ để tạo nên các sản phẩm bằng gỗ độc đáo. Lão nông quê Bình Dương kiên trì mày mò tìm hiểu. Sau vài năm, ông thu về "trái ngọt", các tác phẩm thành hình, được nhiều người chú ý, đánh giá cao.
Trải qua hơn 2 thập kỷ gắn bó với nghề đục đẽo, điêu khắc gỗ, ông Tỏa chưa từng bán các tác phẩm của mình. Bởi lẽ, đối với lão nông đây là bộ sưu tập quý, mất nhiều công sức, thời gian để đầu tư.
Với mỗi tác phẩm, trước khi thực hiện, ông Tỏa bắt đầu lên ý tưởng sẵn trong đầu. Sau đó, tìm nguyên vật liệu phù hợp và bắt tay vào công việc. Mỗi tác phẩm đều được đầu tư thời gian từ 3-6 tháng, đối với những vật phẩm kích cỡ lớn như ghế ngồi, bàn ăn thì đánh đổi nhiều công sức hơn.
Từ một khối gỗ, ông sẽ dùng các dụng cụ như cưa tay, búa, dụng cụ đục gỗ… để phá thế gỗ, phác thảo ra phôi gỗ theo hình dáng đã tưởng tượng.
“Khi thực hiện một tác phẩm, tôi thường suy nghĩ rất nhiều về cách chế tạo, lên khung và phác họa hình ảnh trong đầu. Đôi khi tối ngủ không được, nằm trằn trọc mãi. Chẳng hạn như một chiếc xe máy 50 phân khối, tôi sẽ gỡ bỏ phần dàn áo của phương tiện. Sau đó, đục gỗ, tạo phần vỏ mới. Khó nhất là điêu khắc từng chi tiết nhỏ để làm tác phẩm chân thật nhất, bên cạnh đó phải xử lý các khớp nối tự nhiên, liền mạch, không bị lộ phần phụ tùng bên trong” - ông Tỏa nhớ lại những khó khăn khi thực hiện tác phẩm điêu khắc bằng gỗ.
Những chiếc xe máy được ông Tỏa nâng cấp, tô điểm bằng họa tiết rồng uốn lượn. Đặc biệt, các đường nét được khắc họa tỉ mỉ, điêu luyện bởi nghệ nhân không chuyên khiến ai nhìn vào cũng trầm trồ, không ngớt lời khen ngợi.
Đa phần, các tác phẩm nghệ thuật của ông chủ yếu được khắc họa theo chủ đề 12 con giáp hay hình tượng tứ linh Long - Lân - Quy - Phụng. Tất cả đều đang được ông dùng để trang trí trong gia đình. Không chỉ thế, với những chiếc xe máy bình thường, ông còn tạo lớp vỏ làm bằng gỗ phía bên ngoài, tạo nên tác phẩm “độc nhất vô nhị”, hiếm có bậc nhất Việt Nam.
Theo vợ của ông Tỏa tâm sự, ngoài thời gian vào vườn, cạo mủ cao su, cứ khi có thời gian rảnh, ông loại lọ mọ với những khúc gỗ của mình. Cứ thế, trong suốt hàng chục năm qua, nhiều tác phẩm thành hình, thu hút sự chú ý từ bà con địa phương lẫn du khách khắp nơi.
Ngồi trên chiếc ghế với hình dạng những chú rắn đang vươn mình, thoát khỏi sự truy lùng của chú đại bàng, ông Tỏa tiết lộ: “Từ khi các tác phẩm được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người gọi cháy máy, sẵn sàng trả hàng trăm triệu đồng để sở hữu. Thế nhưng, đối với tôi những món sản phẩm này vẫn chưa thể định được giá vì tốn nhiều công sức. Hiện tại, tôi vẫn muốn giữ các tác phẩm với mục đích sưu tầm”. Trong tương lai gần, ông vẫn theo đuổi đam mê sáng tạo, điêu khắc gỗ của mình và tiếp tục thực hiện những tác phẩm độc đáo, đầy nghệ thuật.
Nguồn: Độc lạ Bình Dương.