Tự tay mày mò, tìm hiểu và nghiên cứu, lão nông U80 đã phác hoạ chân dung của người y như thật trên một chất liệu đặc biệt khiến ai nhìn thấy cũng trầm trồ, khen ngợi.
Với niềm yêu thích về hội hoạ, ông Võ Tấn Thành sống tại TP. Biên Hoà (Đồng Nai) một lòng theo đuổi đam mê, ngày ngày thực hiện những tác phẩm nghệ thuật trên chất liệu đặc biệt. Năm nay, người hoạ sĩ này đã cán mốc tuổi 75 nhưng đôi tay của ông vẫn thoăn thoắt trong từng nét vẽ, tạo nên những bức chân dung sống động y như thật.
Xuất từ trường Mỹ nghệ Biên Hoà (nay là trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai), ông Thành tiếp xúc hội hoạ từ sớm cùng năng khiếu mỹ thuật của mình. Bốn năm trước, vợ của ông đột ngột qua đời, từ đó ông Thành ấp ủ mong muốn vẽ tranh chân dung của vợ để bày tỏ sự tiếc thương và tưởng nhớ về người bạn đời quá cố. Ông chọn chất liệu vỏ chai để những tác phẩm nghệ thuật của mình thêm phần đặc biệt.
“Chẳng hạn như việc vẽ tranh trên các chất liệu giấy, vải, mây tre… đã quá quen thuộc với chúng ta. Tôi mong muốn vẽ trên chất liệu phải mang tính mới lạ mà trên thế giới ít có ai thực hiện được. Và tôi quyết định thử sức với việc vẽ tranh phía mặt trong của chai, vừa thể hiện được sự sáng tạo, vừa giữ được tác phẩm không bị hao mòn bởi thời gian" - ông Tấn Thành chia sẻ về ý tưởng táo bạo của mình.
Trong nhiều năm nay, ông quyết định thực hiện công việc vẽ tranh trong lọ, chai. Một trong những động lực để giúp ông tạo nên tác phẩm nghệ thuật là tình yêu đối với người vợ quá cố.
Trong nhà của ông Thành, nhiều tác phẩm nghệ thuật mà ông tâm đắc được trưng bày ở phòng khách. Ông cho biết mỗi tác phẩm sẽ được thực hiện trong 1-2 tuần, tuỳ theo độ chi tiết và kích cỡ của hình ảnh.
Vẽ chân dung trong chai đã khó, vẽ hai chân dung trên cùng một mặt vỏ chai sao cho đường viền của các bức ảnh trùng với nhau lại càng khó gấp bội, không phải ai cũng có thể thực hiện. Thế nhưng, đối với người đàn ông U80 lại không gặp nhiều khó khăn. Ông quan niệm chỉ cần tính kiên nhẫn, sự khéo léo sẽ tạo thành tác phẩm nghệ thuật.
Người hoạ sĩ buộc phải bẻ cong chiếc cọ vẽ thông thường để thuận tiện trong từng thao tác. Từ đó, các nét vẽ sẽ chuẩn xác, hạn chế sai sót.
Ông Thành tiết lộ để thực hiện những bức hoạ chân dung trong mặt trong của chai phải đáp ứng nhiều yếu tố: “Ngoài yêu cầu về hoạ cụ thì việc kiên nhẫn, tập trung cao độ khi thực hiện là điều quan trọng nhất trong quá trình vẽ. Bởi lẽ, tác phẩm của tôi nằm ở bên trong lồng chai với diện tích nhỏ, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng khiến tổng thể bị ảnh hưởng”. Vì thế, ông Tấn Thành hài hước cho biết khi vẽ phải “nín thở" theo từng nét cọ để bức tranh hoàn hảo nhất có thể.
Để thực hiện được những nét vẽ điêu luyện, ông đã tạo bẻ cong chiếc cọ vẽ của mình, luồng lách qua miệng chai và tạo nên những bức ảnh chân dung tuyệt đẹp. Ông sử dụng sơn dầu, pha với tỉ lệ riêng, để khi vẽ màu không bị chảy, không làm ảnh hưởng đến những chi tiết khác trên bức tranh. Đối với việc lựa chọn chất liệu, ông sử dụng chai nhựa, thuỷ tinh nguyên vẹn, có thể là vỏ chai rượu, vỏ nước ngọt...
Nếu kích cỡ của chai càng nhỏ thì quá trình khắc hoạ những đường nét của bức ảnh chân dung càng gặp khó, đòi hỏi người nghệ sĩ này phải đầu tư công sức lẫn thời gian. Đặc biệt, ở những chi tiết cần độ tỉ mỉ như đôi mắt, chân mày, viền môi... cần phải tập trung cao độ để tạo được sự chân thật cho tác phẩm.
Những bức chân dung y như thật được ông cặm cuội, tỉ mỉ từng nét vẽ trong thời gian 1-2 tuần để hoàn thành.
Suốt hàng chục năm qua, nhờ năng khiếu hội hoạ, ông Thành còn nổi danh ở mảnh đất Đồng Nai khi hỗ trợ những gia đình phục dựng lại chân dung để thờ phụng. Chỉ bằng những lời kể và miêu tả từ người thân, ông đã có thể khắc hoạ hình ảnh của người quá cố. Nhiều gia đình sau khi nhìn bức ảnh của ông phục dựng đã không thể kiềm được nước mắt vì bức ảnh giống đến hơn 80% so với hình ảnh người thân đã khuất.
Nguồn: Độc lạ Bình Dương.