Người “rèn đúc” nên thắng lợi của tỷ phú Donald Trump trong chiến dịch tranh cử ở Mỹ vừa qua đương nhiên là chính bản thân ông. Nhưng thắng lợi bất ngờ và ngoạn mục ấy không thể có được nếu thiếu vắng hoạt động của một nhân vật đứng sau lưng ông – đó là “thiên tài máy tính” Brad Perscale.
Chính đội ngũ của nhân vật này đã sử dụng những công nghệ cực kỳ tinh xảo để giành cử tri Mỹ qua mạng Internet mà trong suốt một quãng thời gian dài đa số đứng về phía bà Hillary Clinton.
Theo các con số thống kê, bà Hillary đã chi 3,1 triệu USD cho hoạt động tranh cử trên mạng trong khi ông Trump chính thức chi cho hoạt động này nhiều hơn gấp 5 lần – 14,2 triệu USD. Toàn bộ số tiền này đều quy về một mối duy nhất – Brad Perscale.
Trung tâm Trump có hơn 100 chuyên gia mạng
Ngay sau khi Donald Trump chính thức trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà, một nhóm nhân vật của Uỷ ban toàn quốc đảng này, trong đó có con rể của Trump là Jared Kushner, đã bay đến San-Antonio bang Texas để gặp Perscale tại khách sạn Mehico yêu thích của ông nhằm thảo luận việc “hợp nhất đội ngũ” và hoạch định chiến lược hoạt động hỗ trợ Trump trên mạng Internet.
Lúc đó, Perscale mới bước chân vào chính trị còn trước đây ông làm công việc kinh doanh trên mạng cho gia đình Trump. Kushner và Perscale đã vạch ra một chiến lược số đầy tham vọng được đặt tên là “Đề án Alamo”.
Thiên tài máy tính Brad Perscale.
Để có đủ lực lượng cần thiết, Kushner đã chiêu mộ nhiều chuyên gia marketing kỹ thuật số tại thung lũng Silicon, những người âm thầm ủng hộ Trump. Thực ra, giữa marketing chính trị và marketing bình thường không có khác biệt lớn. Kết quả là cơ sở dữ liệu của “Đề án Alamo” đã xác định được chiến lược tranh cử của ứng viên Donald Trump cũng như những hướng đi vận động bầu cử của ông.
Perscale còn mời đến San Antonio đại diện của những công ty mạng khác nhau để tư vấn về những biện pháp nâng cao hiệu quả của chiến dịch quảng cáo cũng như của các thông tin trên các mạng xã hội.
Theo tiết lộ của báo chí Mỹ, trong trung tâm máy tính tuyệt mật của Trump có khoảng hơn 100 người, trong đó có nhiều chuyên gia châu Âu trong lĩnh vực xử lý số liệu, kể cả những chuyên gia đã từng hoạt động cho phong trào Brexit tại Anh.
Sử dụng mạng xã hội để phản ứng nhanh
Một trong những thành công của “đề án Alamo” là phản ứng nhanh chóng trước diễn biến của tình hình theo chiều hướng bất lợi cho bà Hillary. Tiêu biểu là cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng viên Trump và Hillary tại Las Vegas ngày 20/10.
Vào lúc 22:02 (theo giờ địa phương), ngay sau khi Trump công kích dữ dội Hillary vì đã sử dụng tiền bạc của các nhà tài trợ nước ngoài cho Quỹ Clinton, trên trang mạng của Perscale lập tức xuất hiện dòng chữ: “Quỹ của Hillary dối trá là TỔ CHỨC TỘI PHẠM”. Tiếp đó, vào lúc 22:04, ngay sau khi Trump cáo buộc Hillary đã làm thất thoát 6 tỷ USD trong thời gian làm ngoại trưởng, trên trang mạng của Perscale lập tức xuất hiện dòng chữ: “Những cố vấn chính của người phụ nữ chuyên dối trá đã sa vào vũng lầy cuộc xung đột lợi ích quy mô lớn”.
Ngay đêm hôm đó, trên tài khoản của Perscale trên Twitter thông báo quỹ tranh cử của Trump chỉ trong vòng một ngày đã thu được hơn 9 triệu USD tiền đóng góp của các cử tri.
Như vậy, những thông tin bất lợi cho bà Hillary xuất hiện sớm hơn rất nhiều so với thông tin trên báo chí và tác động không nhỏ đến tâm lý cử tri.
Sử dụng mạng để giành cử tri
Thông thường, các chính khách chi hàng triệu USD trong chiến dịch tranh cử để nắm bắt được mối quan tâm của những cử tri tiềm năng của mình. Nhưng các chuyên gia mạng của ông Trump không hành động như vậy mà lại hướng đến những cử tri tiềm năng của đối thủ.
Cụ thể, các tác giả “Đề án Alamo” (Kushner và Perscale) chia các cử tri tiềm năng của bà Hillary thành 3 nhóm: nhóm những người Mỹ da trắng thiên về lý tưởng, nhóm phụ nữ trẻ và nhóm người Mỹ gốc Phi. Đối với mỗi nhóm họ có cách tác động riêng.
Chẳng hạn, đối với nhóm thứ nhất, họ nhấn manh vụ bê bối thư điện tử của bà Hillary, đối với nhóm thứ 2, họ thu thập những phụ nữ tố cáo đã bị ông Bill Clinton chồng bà quấy rối tình dục, đối với nhóm thứ 3, họ nhắc đi nhắc lại câu nói của bà Hillary năm 1996, khi bà gọi nam giới Mỹ gốc Phi là những kẻ “siêu độc ác”.
Hoạt động này chủ yếu nhằm vào khối cử tri dao động tại các bang “tranh chấp” nhưng cũng có tác động không nhỏ đối với khối cử tri chưa muốn công khai ủng hộ ông Trump - những khối cử tri mà họ biết khá rõ nhờ các mạng xã hội.
Đồng thời, các tác giả “Đề án Alamo” bỏ rất nhiều công sức và tiền của vào việc o bế đội ngũ những cử tri hăng hái ủng hộ ông Trump (phần lớn những cử tri này được họ xác định nhờ mạng xã hội Facebook). Ít lâu trước ngày bầu cử, họ đã thu được khoảng 12 – 14 triệu địa chỉ thư điện tử của những người đóng góp ít nhiều cho quỹ tranh cử của ông Trump.
Họ đặc biệt chú ý theo dõi những người đã bắt đầu có ít nhiều cảm tình với ông Trump để thúc đảy những người đó ngả hẳn về phía ông. Nói một cách hình ảnh, nếu ai đó đã thấy thích bánh burger của ông Trump thì phải thuyết phục những người này tin rằng sự lựa chọn như vậy là đúng, bởi vậy, nên mua nhiều burger hơn.
Những nỗ lực to lớn và không mệt mỏi của các tác giả “đề án Alamo” đã đem lại kết quả mỹ mãn. Ông Donald Trump đắc cử tổng thống còn Brad Perscale được công nhận là ông vua trong lĩnh vực công nghệ mạng phục vụ chính trị.