Lời khuyên của bác sĩ nhi khoa ngày đầu năm mới 2016

Ngày 08/02/2016 08:06 AM (GMT+7)

Bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa và những tai nạn…đối với trẻ là những điều được các bác sĩ khuyến cáo cần phải đặc biệt lưu ý trong dịp Tết.

Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, cùng với thời điểm đang giao mùa Đông – Xuân, kèm với đó là những thất thường của thời tiết, đặc biệt là những đợt rét đậm, rét hại kéo dài nên việc chăm sóc, bảo vệ trẻ trong những ngày này là vô cùng quan trọng.

Thận trọng với bệnh đường hô hấp và tiêu hóa

Theo các chuyên gia y tế, với điều kiện thời tiết như hiện nay, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán các bậc phụ huynh phải đặc biệt lưu ý đến các bệnh về đường hô hấp, cúm …

Lời khuyên của bác sĩ nhi khoa ngày đầu năm mới 2016 - 1

Trong dịp nghỉ Tết đặc biệt lưu ý đến các bệnh về đường hô hấp.

TS Lê Hồng Hanh, Phó trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, với điều kiện thời tiết lạnh như hiện nay các loại virus rất dễ phát triển, đặc biệt là virus gây bệnh đường hô hấp.

Viêm đường hô hấp được chia thành 2 loại: viêm đường hô hấp trên và viêm đường hô hấp dưới. Viêm đường hô hấp trên gồm các trường hợp viêm mũi – họng, VA, viêm amidan, viêm tai giữa. Viêm đường hô hấp dưới thường là nặng như viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi.

Do đó, khi trẻ bệnh, cha mẹ cần chú ý theo dõi dấu hiệu bệnh trở nặng (thở nhanh, co rút lõm ngực, cánh mũi phập phồng…) để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh hoặc điều trị theo sự mách nước của những người không có chuyên môn.

Để phòng bệnh hô hấp cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần đảm bảo giữ đủ ấm cho trẻ (lưu ý giữ ấm chân, tay, ngực, cổ, đầu), tuy nhiên cũng cần chú ý không ủ ấm quá mức khiến trẻ toát mồ hôi, dẫn đến nhiễm lạnh, viêm phổi. Hạn chế cho trẻ ra ngoài khi nhiệt độ xuống thấp.

Tuyệt đối không đốt củi, sưởi than trong phòng kín. Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo chuẩn lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Lời khuyên của bác sĩ nhi khoa ngày đầu năm mới 2016 - 2

Ths.BS Lê Thị Hải cho biết, cần phải tuân thủ đúng chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong ngày Tết.

Ngoài các bệnh liên quan đến đường hô hấp, các bệnh về đường tiêu hóa dự kiến cũng sẽ gia tăng số trẻ mắc trong đợt nghỉ này, vì không chỉ ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, mà việc sử dụng chế độ dinh dưỡng ngày Tết cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh về đường tiêu hóa.

Ths.BS Lê Thị Hải, giám đốc Trung tâm khám, Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), chế độ ăn uống hàng ngày đối với trẻ là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, thể chất của trẻ. Đặc biệt, trong những ngày Tết, việc này lại càng quan trọng hơn vì việc ăn uống của trẻ sẽ bị xáo trộn nhiều.

Một số trẻ biếng ăn, lười ăn do ăn uống không điều độ sẽ bị sút cân, suy dinh dưỡng sau Tết, thậm chí bị rối loạn tiêu hóa do ăn quá nhiều hoặc ăn phải thực phẩm ôi thiu để lâu ngày.

Ngược lại, có trẻ lại tăng cân quá mức dẫn đến thừa cân, béo phì. Những trẻ này thường ăn quá nhiều bánh kẹo, đồ ngọt và các món ăn giàu béo, đạm. Cũng vì thế, thường sau Tết, số trẻ đến khám do biếng ăn hoặc thừa cân tăng hơn.

Theo BS Hải, để tránh tình trạng trên, phụ huynh cần phải chú ý tuân thủ đúng bữa ăn hàng ngày đối với những trẻ đang trong độ tuổi ăn cháo, ăn bột. Không nên cho trẻ ăn bánh kẹo, mứt, uống nước ngọt trước các bữa ăn. Vì như thế, sẽ làm trẻ thấy ngang dạ, không ăn được các thức ăn trong bữa chính, dẫn đến biếng ăn và suy dinh dưỡng.

Đối với trẻ có nguy cơ bị tăng cân, béo phì thì cần đặc biệt chú ý hơn. Dù là ngày Tết cũng nên hạn chế mua bánh mứt kẹo về nhà. Đồng thời nên cho trẻ ăn nhiều rau dưới dạng luộc vì ngày Tết đã quá nhiều thức ăn giàu chất béo và chất đạm.

Quản lý chặt đồ chơi để tránh tai nạn về mắt

Một vấn đề nữa các bậc phụ huynh cũng cần phải hết sức lưu ý, đó là trong đợt nghỉ Tết với các hoạt động vui chơi giải trí và mùa lễ hội, các trẻ với bản năng ham chơi sẽ rất dễ gây những tai nạn thương tích từ các loại đồ chơi thiếu an toàn, trong đó phải kể đến các tai nạn về mắt là thường hay gặp phải nhất. Bởi vậy, bác sĩ khuyến cáo những gia đình có trẻ nhỏ cần phải hết sức lưu ý để mắt tới con trẻ để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Lời khuyên của bác sĩ nhi khoa ngày đầu năm mới 2016 - 3

BS Hoàng Cương đang khám mắt cho một bệnh nhân.

BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, con mắt chỉ có thể tích 4cm3, cấu trúc thần kinh quang học rất tinh vi. Chấn thương dù là nhẹ cũng có thể gây xê dịch hay tổn hại cấu trúc bên trong của nó. Khả năng nhiễm trùng cực cao, các mô lại phần lớn không thể tái sinh như các mô phần mềm khác...Vậy nên, đừng để xảy ra chấn thương mắt.

Theo BS Cương, tai nạn xảy ra mọi lúc mọi nơi, với tỉ lệ ở nhà là nhiều nhất 47%, khi vui chơi nhất là chơi thể thao là 15%, 16% do công việc, tai nạn giao thông là 12%, 14% là trong các hòan cảnh khác.

“Đối với trẻ em, chỉ cần người lớn thiếu để ý, các bé có nguy cơ bị tai nạn. Ngày vui bỗng hóa buồn thảm là do vậy. Dặn dò, tạo không gian vui chơi an toàn cho trẻ, giám sát là chưa đủ. Tai họa có khi chính là món quà hay đồ chơi chúng ta tặng trẻ.

Còn nhớ, tết năm 2010 bệnh viện Mắt TƯ đã cấp cứu hàng chục vụ tai nạn do súng bắn bi, pháo hoa, pháo thăng thiên có xuất xứ từ Trung Quốc. Đành rằng trong những dịp lễ tết rất khó từ chối yêu cầu về đồ chơi của trẻ em, nhưng chúng ta nên biết từ chối chính vì sự an tòan của chúng”, BS Cương cảnh báo.

Theo BS Cương, trước khi cho con chơi đồ chơi, các bậc cha mẹ nên xem kỹ những ghi chú trên đồ chơi, để từ đó chọn lựa được những món quà phù hợp với lứa tuổi và sự phát triển của trẻ. Tránh mua đồ chơi có những chi tiết nhọn, nhô ra hoặc có thể bắn ra được. Luôn để mắt đến bọn trẻ khi chúng chơi những đồ chơi hoặc những trò chơi có nguy cơ gây chấn thương.

Trong trường hợp không may xảy ra chấn thương, BS Cương khuyến cáo, không nên ấn đè mạnh hay day rịt vết thương ở mắt; Không nên cố gắng tự lấy dị vật đang ở trên mắt; Bị chất lỏng vào mắt gây bỏng nên rửa mắt dưới vòi nước khoảng 15 phút

Không tự tra nhỏ thuốc hay tra thuốc mỡ vào mắt; Với vết thương có chảy máu chỉ nên băng che, vết thương có sưng nề và bầm tím có thể đắp đá hoặc nước lạnh; Nếu bị bụi vào mắt có thể nhúng mắt vào bát hoặc cốc nước, mở mắt to và chớp mắt 4-5 lần để bụi trôi ra. Nhanh chóng đưa đi khám mắt ở cơ sở chuyên khoa gần nhất.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan