Mái chùa ấy là nơi đặc biệt của những con người có số phận đặc biệt - nơi của tình người và sự rộng lượng bao dung ngự trị để tình yêu thương lan tỏa.
Mái chùa ấy là nơi đặc biệt của những con người có số phận đặc biệt - nơi của tình người và sự rộng lượng bao dung ngự trị để tình yêu thương lan tỏa, khi hơn hai trăm cuộc đời nắm níu lấy nhau, nắm níu lấy số phận và cuộc sống của mình. Nơi ấy, những vị sư cô vừa làm cha, vừa làm mẹ.
Những đứa trẻ trong mái chùa Đức Sơn
Những tiếng bi bô dưới mái chùa
Men theo con đường nhỏ, đất đá lổng chổng thuộc địa phận xã Thủy Bằng – Thị xã Hương Thủy cách thành phố Huế hơn 7 km, chúng tôi tìm đến chùa Đức Sơn- một địa chỉ từ thiện cho những mảnh đời bất hạnh nương nhờ. Chùa Đức Sơn hiện đang nuôi dạy 200 em nghèo, mồ côi, tuổi từ sơ sinh đến trưởng thành. Trong 200 em, có 10 em sơ sinh, 10 em khuyết tật, 18 em mẫu giáo, số còn lại đang theo học các lớp trung học và Cao đẳng - Đại học. Nhưng hơn lúc nào hết, ký ức tuổi thơ và cuộc đời những đứa trẻ tưởng đã bị cuộc đời bỏ quên ấy được nuôi lớn dưới tiếng chuông chùa, bên những lời kinh kệ ở chốn thiền môn này.
Một buổi sớm mùa đông lạnh cắt da cắt thịt năm 1986, khi tiếng chuông chùa vừa điểm giữa canh trong sự tĩnh lặng của chốn cửa phật, sư cô trụ trì Thích Nữ Minh Tú bỗng giật mình nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Chạy ra tới cổng chùa, sư cô nhìn thấy một đùm khăn giãy giụa, tiếng khóc yếu ớt, lịm dần. Linh tính mách bảo rằng đó là một sinh linh bị bỏ rơi, lập tức nhà sư bế đứa trẻ bé nhỏ ấy vào chùa chăm sóc. Những ngày đầu tập “làm mẹ” của người muốn trút hết hỉ nộ bụi trần ấy thật vất vả khó khăn, nhưng bằng tình thương vô lượng, ngày ngày nhà sư nấu cháo, lấy nước hồ cho đứa bé ăn. Cũng từ đây, đánh dấu sự ra đời của mái ấm tình thương chùa Đức Sơn với bao câu chuyện cổ tích đầy tình người.
Dẫn chúng tôi đi thăm những căn phòng từ thiện xã hội, sư cô Minh Tú giới thiệu: “Nhà chùa căn cứ vào độ tuổi và bệnh tật để sắp xếp chỗ ở cho phù hợp. Các cháu nam, nữ trên 10 tuổi, trẻ khuyết tật, trẻ sơ sinh... được bố trí ở riêng!”. Theo sự chỉ dẫn sư cô, chúng tôi tới khu dành cho những đứa trẻ dưới 5 tuổi. Chỉ vào mấy đứa trẻ đang tíu tít nô đùa, sư cô tâm sự: “Đứa trẻ áo vàng hay cười ấy là Cù Thiện Hoa, bởi nhà chùa nhặt được cháu trong vườn hoa rồi đem cháu về nuôi khi chỉ còn mong manh hơi thở nên đặt tên là Hoa. Còn cháu gái mặc quần áo trắng nằm trên giường kia là Kiều Thiện Ngọc, tên thường gọi là Bầu. Cháu bị bệnh nặng lắm nhưng vẫn cố gắng điều trị!” Cúi xuống bế bé Bầu đang nằm trên giường, sư cô trụ trì Thích Nữ Minh Tú lộ nét đau thương, hai hàng nước mắt từ từ lăn trên gò má. Càng thương cảm những số phận hẩm hiu tôi càng thấu hiểu nỗi vất vả và tấm lòng từ bi, nhân ái của các tăng, ni chùa Đức Sơn. Trong khi không ít ông bố, bà mẹ nhẫn tâm vứt bỏ con ruột của mình thì những nhà sư nơi đây đã dang rộng vòng tay ngày đêm chăm lo nuôi dưỡng.
Các em bé ở đây đa phần là bị bỏ rơi không biết họ tên, cha mẹ các em là ai nên khi nhận vào chùa nếu là bé trai thì mang họ Cù Thiện, bé gái thì mang họ Kiều Thiện. Sư cô Minh Tú kể với chúng tôi: “Hơn 28 năm qua đã có hơn 144 cháu rời khỏi chùa, nhiều cháu đã có gia đình và công việc ổn định, có một số cháu vượt qua nghịch cảnh hiện nay đã thành đạt trở thành bác sỹ, kỹ sư… Dù đã lớn, đã rời xa mái ấm tình thương để tự lập thân kiếm sống nhưng chúng em vẫn cung kính khắc ghi công lao nuôi dạy của các sư cô ở đây và luôn có trách nhiệm đùm bọc thế hệ sau bởi tất cả chúng em đều là người một nhà”.
Những người mẹ mặc áo nâu sồng
Sư cô Thích Nữ Liên An bên những đứa con của mình
Sư cô Minh Tú, trụ trì chùa Đức Sơn cùng với 23 sư cô trong chùa, là người mẹ người cha chăm sóc, dạy bảo ân cần, chu đáo các em. Đảm nhiệm cùng một lúc hai lớp mẫu giáo 29 em và 40 em đang học cấp 1 nhưng sư cô Thích Nữ Liên An vẫn luôn nở nụ cười thân thiện và ánh mắt trìu mến. Trước đây, gia đình sư cô rất nghèo khó. Ngay từ nhỏ, sư cô Liên An đã thích được đi tu nhưng gia đình không cho phép. Mãi sau này, khi ba mẹ mất đi, sư cô Liên An đã xin được vào chùa đi tu theo đúng ý nguyện. Duyên trời đưa sư cô đến làm người mẹ của những đứa trẻ mồ côi, từ đó sư cô gắn bó với những đứa trẻ như chính con đẻ của mình. Khi hỏi về nỗi vất vả sư cô Liên An không giấu nổi niềm tự hào: “Thấy sư cô Minh Tú bồng bé bị bỏ rơi đầu tiên vào, ai cũng lo lắng nhưng sau đó đều nghĩ đây là nhân duyên. Là người xuất gia không quay lưng với nỗi đau thế thái nhân tình mà phải san sẻ tình thương cho những ai thiếu thốn tình cảm, vật chất!”.
Hàng ngày, sư cô dậy từ 4 giờ sáng để lo việc Phật sự. Sau đó vào bếp cùng mọi người làm bữa ăn sáng rồi tắm rửa, thay tã, cho các bé ăn, chơi, ngủ…. việc chăm sóc và nuôi lớn một đứa con đã khó đối với bậc làm cha mẹ, thế nhưng các sư cô ở chùa Đức Sơn chăm sóc hàng trăm đứa trẻ là một điều phi thường, đó không chỉ là trách nhiệm mà là cả sự yêu thương vô bờ bến. Các sư cô chăm lo cho các em mà thấy thật ấm lòng. Trong khi các con còn đang chìm sâu trong giấc ngủ thì những người mẹ áo nâu sồng nơi cửa Phật lại phải lo lắng, dọn dẹp hết những gì mà bọn trẻ bày ra để sáng mai chúng nó lại có một chỗ chơi sạch sẽ. Không chỉ lo chuyện ăn, ngủ, học hành, các sư cô ở đây còn hướng các cháu đến những suy nghĩ và việc làm thiện, dạy dỗ các cháu những điều hay lẽ phải, nhất là tình đoàn kết, thương yêu lẫn nhau. Điều làm các sư cô vui nhất là các cháu đều ngoan ngoãn, biết vâng lời.
Nói về những mong muốn của mình, sư cô Minh Tú nói: “Mong muốn duy nhất của tôi là mong các cháu trưởng thành, khỏe mạnh. Nhưng sâu sa hơn, vẫn muốn những bậc sinh thành hãy nghĩ tới cuộc đời các cháu để các cháu đỡ đi phần nào sự thiệt thòi trong cuộc sống, để chúng nó lớn lên có ích cho xã hội và không cảm thấy mặc cảm về thân phận của mình! Mai này, dù có thế nào, chúng tôi cũng nguyện đem hết sức lực của mình để chăm lo cho cuộc sống của các em, như một việc làm nhằm hàn gắn những vết thương, bù đắp những mất mác những thiệt thòi mà các con ở đây phải gánh chịu!”.