Luật sư Trần Hồng Phong đã cung cấp nhiều bằng chứng chứng minh Hồ Duy Hải ngoại phạm.
Ngày 3/7, luật sư Trần Hồng Phong, Đoàn luật sư TP.HCM người hỗ trợ pháp lý cho bị án Hồ Duy Hải trong vụ án hai nữ nhân viên bị sát hại tại bưu cục Cầu Voi tối 13/1/2008 tiếp tục gởi đơn kêu oan và tố giác làm sai lệch hồ sơ vụ án lên Chủ tịch nước, Uỷ Ban Tư pháp, Viện KSNDTC và Chánh án TAND tối cao.
Luật sư Trần Hồng Phong gặp phóng viên Báo Giao thông vào chiều 3/7.
Thời gian bất ổn!
Luật sư Phong cho biết, sau phiên tòa giám đốc thẩm vừa qua, ông và các cộng sự thu thập thêm chứng cứ mới và cho thấy có nhiều tình tiết Hồ Duy Hải ngoại phạm nhưng trong quá trình điều tra những chứng cứ này bị rút khỏi hồ sơ vụ án hoặc xuyên tạc kết quả…
Cụ thể, ông đã tiếp nhận được nhiều tài liệu và hình ảnh có trong hồ sơ vụ án và trong hồ sơ điều tra (do VKSND tỉnh Long An đánh số bút lục - đặc biệt là các bút lục (BL) 137, 138, 139, 140, 141, 142) nhưng những BL này không được đưa vào hồ sơ vụ án, hoặc trước đây nhiều người chưa từng được (cho phép) tiếp cận.
Trong đó, có một số BL mà VKS đánh trùng số với BL “chính thức” trong hồ sơ vụ án. Trong kết luận điều tra (KLĐT) và cáo trạng thì không ghi rõ số tờ BL, sửa số tờ và không lập Bảng kê tài liệu/bút lục theo quy định...
“Tình tiết mới và quan trọng là Hải ngoại phạm về thời gian. Qua lời khai của nhân chứng Hồ Văn Bình và nếu được làm rõ, đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng quy định, sẽ làm thay đổi nội dung vụ án.
Thời điểm này Hồ Duy Hải có nhiều tình tiết ngoại phạm nhưng đã không được ghi nhận. Việc rút chứng cứ khỏi hồ sơ vụ án hoặc cố ý không sử dụng, chúng tôi cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An có dấu hiệu của hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, xâm phạm tính đúng đắn của hoạt động tư pháp…”, luật sư Phong nêu.
Bưu cục Cầu Voi - nơi xảy ra vụ án 12 năm trước. Ảnh: Bùi Tư
Luật sư Phong dẫn chứng những dấu hiệu cố tình không xem xét lời kêu oan của Hồ Duy Hải, dù đã kêu oan từ khi điều tra, cho đến truy tố, xét xử và chờ thi hành án; cố tình bỏ ngoài hồ sơ. Cụ thể các cơ quan tố tụng không trưng cầu giám định làm rõ giờ chết của hai nạn nhân, trong khi hoàn toàn có đủ dấu hiệu, tài liệu thể hiện. Như: tình trạng tiêu hóa thức ăn trong dạ dày, vết hoen, độ đông máu, độ co cứng cơ thể …
Bỏ lọt nhiều tình tiết, dấu hiệu về một người khác có mặt tại bưu cục Cầu Voi tối 13/1/2008, có thể chính là hung thủ giết người. Quá trình điều tra và xét xử có nhiều vi phạm, thể hiện sự thiếu khách quan và không bảo đảm sự độc lập giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Chẳng hạn như không triệu tập nhân chứng Đinh Vũ Thường, người duy nhất được xác định đã “nhìn thấy Hồ Duy Hải”.
“Qua xem xét, đối chiếu nội dung, thứ tự bút lục, chữ viết, chữ ký, sự liên quan và thống nhất với các tài liệu trong hồ sơ vụ án, và nhiều dấu hiệu khác, chúng tôi cho rằng đây là những tài liệu có thật, đã được các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An thực hiện trong giai đoạn điều tra, đã được VKSND tỉnh Long An đánh số bút lục. Tuy nhiên sau đó đã rút, không đưa vào hồ sơ tố tụng chính thức…”, luật sư Phong nhấn mạnh.
Phải có dấu vân tay của Hồ Duy Hải
Theo KLĐT và cáo trạng, đều xác định Hồ Duy Hải là hung thủ duy nhất, dùng dao cắt cổ hai nạn nhân; dùng thớt đập vào đầu nạn nhân Hồng và tại hiện trường thu giữ được nhiều dấu vân tay dính máu nhưng kết quả giám định không có dấu vân tay của Hải. Như vậy, có thể khẳng định dấu vân tay thu được phải là của hung thủ, không phải của Hồ Duy Hải. Không thể có cách giải thích nào khác.
“Thế nhưng kết quả giám định dấu vân tay đã không được CQĐT sử dụng, không đưa vào KLĐT và cáo trạng. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKSND tỉnh Long An thậm chí đã xuyên tạc kết quả giám định, nói rằng “không giám định được dấu vân tay”(!?) (thể hiện trong Bản án sơ thẩm). Tại phiên tòa giám đốc thẩm 5/2020, CQĐT giải thích rằng đã giám định dấu vân tay của khoảng 140 người; việc dấu vân tay không phải của Hải vì Hải đã đi rửa tay! Đây là cách lý giải phản khoa học…”, luật sư Phong nêu.
Luật sư dẫn chứng: “Trong hồ sơ vụ án thể hiện lúc 19h13’ ngày 13/1/2008 Hồ Duy Hải đang ở tiệm cầm đồ cách bưu cục 7,5km, gọi điện thoại cho Đang. Sau đó, theo CQĐT, Hải sẽ cầm điện thoại, rồi quay về nhà đổi xe máy khác, rồi đến quán cà phê đưa tiền cho Đang, sau đó chở Đang đến một quán cà phê khác, rồi mới đến bưu cục Cầu Voi.
CQĐT cho rằng việc Hải có mặt tại bưu cục lúc khoảng 19h30’ là phù hợp, vì theo Biên bản kiểm tra thời gian ngày 14/7/2008 (BL 131), thời gian đi xe máy từ tiệm cầm đồ đến bưu cục là 15 phút, tốc độ trung bình 40km/h (tương ứng quãng thời gian từ 19h13’-19h30’). Tuy nhiên, trên thực tế việc này không bảo đảm khách quan và chính xác, khi CQĐT đã không trừ đi quãng thời gian Hải làm thủ tục cầm đồ, đổi xe, dừng xe 2 lần chở Đang - tổng cộng mất ít nhất 9 phút.
Nếu có bằng chứng chứng minh rằng lúc 19h13’, khi Hải còn đang ở tiệm cầm đồ, nếu đã có một người thanh niên khác trong bưu điện Cầu Voi và có xe máy dựng ngoài sân, thì người đó chắc chắn sẽ không phải là Hồ Duy Hải…”.
Trong số những tài liệu bị rút khỏi hồ sơ vụ án luật sư Phong phát hiện, có Biên bản ghi lời khai của anh Hồ Văn Bình ngày 20/1/2008 (BL 137, 138 do VKS ghi) thể hiện lúc 19h13’ tối 13/1/2008 đã có một người thanh niên bên trong bưu cục cầu voi lúc 19h13’, người này đang nói chuyện với nạn nhân Hồng. Bên ngoài có một xe gắn máy.
Trong Biên bản ghi lời khai ngày 20/1/2008, tức là chỉ 1 tuần sau khi xảy ra vụ án, anh Hồ Văn Bình đã khai như sau:
“Chiều ngày chủ nhật 13/1/2008 lúc 19h15, tôi có vào Bưu điện gửi xe gắn máy để đi bộ qua nhà anh Hai tôi. Khi vào tôi thấy ngoài sân bưu điện có một xe gắn máy, tôi không chú ý nên không xác định được là loại xe gì. Tôi đậu xe phía bên dân phòng, tôi đi lại cửa bưu điện nhưng không đi vào bên trong, tôi nhìn vào thì thấy Vân đang ngồi ở quầy tính tiền, còn Hồng đang ngồi ở ghế salon với một thanh niên.
Lúc tôi kêu Vân tôi gửi xe, người thanh niên này có nhìn ra phía tôi, người này mặc áo sơ mi trắng không xác định ngắn hay dài tay, không để ý loại quần, thấy mặt hơi tròn, nhìn thấy người hơi ốm, nước da trắng. Tóc ngắn nhưng chải ngược lên, các đặc điểm khác không xác định được, độ tuổi khoảng 23-24.
Điều tra viên Lê Thành Trung hỏi: "Vì sao anh xác định gửi xe lúc 19h15 phút?".
Anh Bình trả lời: "Do tôi thường xuyên đến nhà vợ sắp cưới chơi, nên cũng thường xuyên vào buổi chiều vừa tối tôi đều chạy xe gắn máy lại bưu điện gửi, để đi qua nhà anh Hai hỏi có gia công vàng không để sáng hôm sau tới làm. Thông thường tôi gửi xe đều dựng phía bên tiệm vàng Kim Long, nhưng chiều đó lúc 19h15 phút thì có một chiếc xe gắn máy dựng bên phía này nên tôi mới gửi dựng phía chốt dân phòng. Xe gắn máy kia dựng quay đầu vô phía bưu điện.
Tôi xác định là 19h15 phút vì hôm đó anh Hai đi lấy vàng chưa về, tôi có nhìn đồng hồ ở nhà anh Hai xác định là 19h15 phút, tôi nói anh Hai hôm nay về muộn. Khi tôi qua nhà anh Hai, anh Hai chưa về thì tôi quay lại lấy xe thì Hồng và thanh niên đó vẫn ngồi bình thường còn Vân thì đứng dựa vào quầy nhìn ra phía Hồng và thanh niên đó ngồi.
Anh Hồ Văn Bình quen biết hai nạn nhân Hồng và Vân lâu năm. Nhà anh Hai của anh Bình nằm phía bên kia Quốc lộ 1, đối diện bưu cục Cầu Voi. Do vậy, thời gian anh Bình gửi xe tại bưu cục và đi bộ đến nhà anh Hai khoảng 2 phút. Tức là lúc 19h13’ anh Bình đã thấy người thanh niên bên trong bưu cục. Đây chính là thời điểm Hồ Duy Hải còn đang gọi điện thoại cho Đang, đang ở tại tiệm cầm đồ, cách bưu cục Cầu Voi 7,5km).
Như vậy, Hồ Duy Hải có chứng cứ ngoại phạm về thời gian - chứng cứ ngoại phạm số 2. Chứng cứ này đã bị CQĐT cố tình loại bỏ.
Nhân chứng Đinh Vũ Thường không nhìn thấy Hồ Duy Hải
CQĐT xác định anh Đinh Vũ Thường là nhân chứng đã nhìn thấy Hồ Duy Hải đang ngồi trên salon trong bưu cục Cầu Voi lúc 19h39 phút. Luật sư cho rằng thực tế không phải như vậy, bởi trong các bản khai của mình được CQĐT lập trong quá trình điều tra, anh Thường không có bất kỳ lời khai nào nói rằng mình nhìn thấy Hồ Duy Hải, mà chỉ thấy một người thanh niên, anh không thể nhận dạng được do thời gian nhìn thấy rất ngắn, trời tối.
Luật sư Phong đã gặp trực tiếp và anh Đinh Vũ Thường khẳng định: mình không hề được Tòa án triệu tập tham dự phiên tòa. Đặc biệt anh Thường không nhìn thấy Hồ Duy Hải tại Bưu điện Cầu Voi mà chỉ nhìn thấy một người thanh niên, nhưng không thể nhận dạng. Anh Thường đã đồng ý viết một giấy xác nhận, nêu rõ Tòa “không mời tham dự phiên tòa” và “không khẳng định nhận dạng được người thanh niên mà tôi thấy tối 13/1/2008 tại Bưu điện Cầu Voi”.
“Trên thực tế, CQĐT không cho anh Thường nhận dạng Hồ Duy Hải. Như vậy, có thể nói việc CQĐT kết luận anh Thường nhìn thấy Hồ Duy Hải là “sự suy diễn chết người”, hoàn toàn chủ quan và không có cơ sở. Ngoài ra, việc anh Thường không được triệu tập tham dự phiên tòa với tư cách là nhân chứng, trong khi lời khai của anh lại bị xuyên tạc, suy diễn - là vi phạm thủ tục tố tụng. Việc này cũng ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến quyền lợi của bị cáo Hồ Duy Hải. Vì Hải bị “hô biến” thành người có nhân chứng Thường nhìn thấy…”, luật sư Phong nêu.
Một chi tiết quan trọng được luật sư Phong nhấn mạnh: Camera một cây xăng gần đó ghi hình lúc 21h đêm xảy ra án, Vân từ bưu cục ra đường mua trái cây. Đây là mốc thời gian quan trọng nhất cho thấy các số liệu về thời gian, lời khai của nhân chứng và nhận định của các cơ quan tố tụng về thời gian hung thủ ra tay với 2 nạn nhân không phù hợp. Chính thế luật sư Phong đề nghị các cơ quan chức năng khởi tố vụ án làm sai lệch hồ sơ vụ án đối với những cá nhân liên quan đối với công tác tố tụng của vụ án này.