Liên quan đến vụ án Bưu điện Cầu Voi, 2 nữ nhân viên bị sát hại, tử tù Hồ Duy Hải khai gì với cơ quan điều tra trước khi bị bắt?
Liên quan đến vụ án Bưu điện Cầu Voi, trong những ngày qua, PV Báo Giao thông đã thu thập thông tin từ lời khai của Hồ Duy Hải với cơ quan điều tra, trước khi bị bắt.
Theo đó, ngày 20/3/2008, Hồ Duy Hải đã có buổi làm việc với cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An, do điều tra viên Nguyễn Văn Minh trực tiếp ghi lời khai.
Tại biên bản ghi lời khai này, Hồ Duy Hải cho biết, trước khi Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân bị giết chết, khoảng 4 tháng, Hải đi trên xe buýt từ TP.HCM về Thủ Thừa (Long An), tình cờ gặp Vân và làm quen trên xe buýt.
Hồ Duy Hải trước toà
Qua giới thiệu, Hải biết Vân làm việc ở Bưu điện Cầu Voi và Vân cho số điện thoại ở Bưu điện Cầu Voi là 592008. Sau khi quen Vân, Hải thường sử dụng số điện thoại di động 0909015712 của Hải để gọi vào Bưu điện Cầu Voi đặt mua báo bóng đá.
Khi Hải đến mua báo thì mới gặp và quen biết với Hồng và cũng từ đó, Hải quen biết Hồng và Vân.
Trong biên bản, Hải còn cho biết, kể từ khi quen biết Hồng, Vân, Hải thường gọi điện thoại đến Bưu điện Cầu Voi đặt và mua báo bóng đá vào ngày thứ Bảy, chủ Nhật. Ngoài ra, giữa tuần có báo bóng đá Hải cũng gọi và đặt mua để xem các trận bóng đá nước ngoài để cá cược bóng đá ăn tiền.
Thời gian gần nhất trước khi Hồng, Vân bị giết chết, hôm đó khoảng 9h ngày 13/1/2008, Hải có điện thoại vào Bưu điện Cầu Voi số 592008 gặp Hồng và hỏi “còn báo bóng đá không” thì Hồng trả lời “không còn” nên Hải không đến Bưu điện Cầu Voi mua báo.
Đến chiều tối khoảng 18h, do Hải cá cược bóng đá thiếu tiền nên một mình đi xe máy Honda Wewas màu đen biển số 62K8-3040 đến tiệm cầm đồ Thuận Hưng (qua khỏi công an huyện) thị trấn Thủ Thừa cầm điện thoại di động hiệu NoKia N73 được 1,5 triệu đồng.
Sau đó, Hải về nhà gặp Đang (con Sáu Thắng cùng xóm), Hải và Đang đi đến quán cà phê ông Thượng (từ ngã ba Bình Ảnh vào gần 1km thuộc ấp 1, xã Nhị Thành). Tại đây, Hải đưa cho Đáng 1,5 triệu đồng để Đáng vào thanh toán tiền Hải thua cá cược bóng đá đêm trước với ai đó Hải không biết, dì Hải gửi Đáng cá cược dùm.
Biên bản còn cho biết, sau khi thanh toán tiền xong lúc này khoảng 19h, một mình Hải về để xe honda tại nhà. Sau đó, Hải tiếp tục đi bộ đến nhà 2A (mẹ của Luân) khoảng 400m và hút xong điếu thuốc thì Hải mượn xe honda Wewas Trung Quốc màu đen biển số 62-3967 của bà 2A chạy đến đám ma nhà Tư Lang khoảng 60m.
Hải đến đám ma khoảng 20h thì gặp Thới (22 tuổi, con Tám Phút), Hiển (25 tuổi, con ba Xanh), Tùng Trinh (22 tuổi, con Bảy Tiếu), anh Vinh (27 tuổi, con dì Ba Rưỡi), chú Hải (32 tuổi, con ông Mười), ngồi nhậu chung bàn với cậu 3 Theo (42 tuổi, con 4 Nghiêm)…
Đến khoảng trên 21h, mình Hải về nhà 2A trả xe Honda và xem bóng đá cùng với anh Hoàng, Điền (con Năm Phước) tại quán 2A cho đến 5h sáng ngày hôm sau 14/1/2008. Sau đó, Hải về nhà và ở tại nhà khoảng 7h sáng thì có anh Tân (con Sáu Lê) đến nhà nói có 2 người phụ nữ bị giết ở Bưu điện Cầu Voi nên Hải mới biết Hồng và Vân bị giết.
Cũng tại biên bản này, Hải cho biết, điện thoại di động của Hải cầm ở tiệm cầm đồ Thuận Hưng khoảng 4-5 ngày mới chuộc lại và lấy sim điện thoại 0909025712 cho Minh Vương (30 tuổi, con cô Thắm). “Sau đó, tôi mua sim mới số điện thoại 0906503873, sử dụng xong tôi cũng bỏ cho đến nay không còn sử dụng điện thoại di động. Riêng máy điện thoại tôi cầm ở nhà 2A, hiện nay Luân sử dụng”, Hải khai tại biên bản ngày 20/3/2008.
Bưu điện Cầu Voi, hiện trường vụ án của hơn 12 năm trước
Hải còn khai với điều tra viên tại biên bản này, từ khi quen biết Hồng và Vân, Hải có đến Bưu điện Cầu Voi gặp Hồng, Vân khoảng 30 lần và chỉ đứng ngoài mua báo chứ không vào bên trong nhà bưu điện. Thời gian gần nhất là ngày thứ Bảy 12/1/2008, khoảng 7h tối Hải đi Honda một mình đến gặp Hồng mua 1 tờ báo bóng đá với giá 3.000 đồng rồi quay về nhà. “Tôi không có vào trong bưu điện mà chỉ đứng ở quầy bán hàng”, lời khai của Hải tại biên bản này.
Ngoài ra, Hải còn khai nhận còn đang thiếu nợ gồm những người: Bà 2A (cách đây khoảng 3 tuần) do cá cược bóng đá thua nên cầm điện thoại đi động và mượn số tiền 4,8 triệu đồng. Do thua cá cược bóng đá (trước đó khoảng 3 tuần) có mượn anh Hoàng (con Bảy Minh, khoảng 3 tuần) 3 triệu đồng.
Ngoài ra, còn một vài người khác như: Anh Hồng (30 tuổi, con Sáu Huyện), Hải nhờ anh Hồng ghi đề thiếu nợ 4,5 triệu đồng, nhờ chú Tâm (nhà gần trường học) ghi đề thiếu nợ trên 4,3 triệu đồng.
Hải còn khai với điều tra viên tại biên bản này, không biết nhà của Hồng và chỉ nghe Vân nói nhà ở thị xã Tân An (nay TP Tân An) qua khỏi phường 4, thị xã Tân An. Theo biên bản ghi lời khai, thường Hải đi một mình đến Bưu điện Cầu Voi để mua báo. Tuy nhiên, cũng có 1 lần đi với Điền (con Năm Phước) và 1 lần với Luân đến Bưu điện Cầu Voi để mua báo bóng đá, mỗi lần đến chỉ gặp Hồng, Vân.
Ngoài biên bản trên, theo luật sư Trần Hồng Phong, đoàn luật sư TP.HCM - người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải cho rằng, việc Hồ Duy Hải nói mình bị oan, không phải là hung thủ còn thể hiện tại một số tài liệu sau:
Một đơn đề nghị trình bày lại của Hồ Duy Hải viết trong quá trình đang điều tra (năm 2008). Trong biên bản giao nhận cáo trạng, lời đầu tiên Hồ Duy Hải nói là "tôi không thực hiện hành vi giết người, cáo trạng không đúng". Nhưng sau đó lại chuyển sang nhận tội (có thể vì bị sức ép nào đó).
Trong bản án sơ thẩm, trong biên bản phiên tòa sơ thẩm thể hiện nhiều lần Hồ Duy Hải nói mình không thực hiện hành vi giết người. Báo Tuổi Trẻ và một vài tờ khác thì đăng Hồ Duy Hải “phản cung”, nói bị oan.
Trong biên bản phiên tòa phúc thẩm thể hiện lời nói đầu tiên của Hồ Duy Hải là xin kháng cáo kêu oan chứ không xin giảm án.
Nhưng sau đó tòa xử “ép” theo hướng buộc tội, không xem xét tình huống kêu oan, và Hồ Duy Hải cũng có lúc nhận tội.
Dù vậy trong lời nói cuối cùng Hồ Duy Hải “đề nghị xem xét lại vụ án này thật kỹ", nói mình bị oan.
Luật sư Trần Hồng Phong, đoàn Luật sự TP.HCM - người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải tiếp tục nộp thông tin chứng cứ mởi lên các cơ quan tố tụng TW
“Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 8/5/2020, tôi đã giao nộp một lá đơn của bà Nguyễn Thị Rưỡi (dì ruột Hồ Duy Hải), viết từ năm 2008, thể hiện việc luật sư chỉ định Võ Thành Quyết ép Hồ Duy Hải viết đơn kháng cáo xin giảm án mà không phải là đơn kháng cáo kêu oan; đồng thời đề nghị HĐTP TANDTC xem xét tình tiết Hồ Duy Hải kêu oan, nhưng họ chả thèm đoái hoài, dù phía VKSNDTC đồng tình với tôi”, luật sư Phong cho biết.
Cũng theo luật sư Phong, trong đơn gửi Quốc Hội năm 2011, Hồ Duy Hải nói rằng mình không phải là hung thủ, xin được minh oan. Tháng 1/2015, sau khi Hồ Duy Hải được hoãn thi hành án kịch tính ngày 5/12/2014, Quốc Hội có lập Đoàn giám sát án oan sai, có vào trại giam gặp Hải. Bà Lê Thị Nga, khi đó là Phó chủ nhiệm UBTP Quốc Hội trực tiếp gặp, Hồ Duy Hải nói mình bị oan. Bà Nga sau đó có Báo cáo gửi UBTVQH, về kết quả nghiên cứu hồ sơ.
Sau đó 2 lần có văn bản đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngoài ra, khi gặp đoàn Liên ngành năm 2016, trong Biên bản làm việc, lời đầu Hồ Duy Hải cũng nói mình oan. Và luật sư Phong còn cho biết, hơn 10 năm qua, gia đình Hồ Duy Hải nói mỗi lần vào thăm trong tù, Hồ Duy Hải đều nói gia đình tìm luật sư, chủ tịch nước để xin minh oan cho mình.
Theo luật sư Phong, hiện nay Hải (đã được công an cho phép nói chuyện về vụ án với người nhà, từ 10 năm trước bị cấm), còn rất tỉnh táo và khẳng định mình oan.