Đề xuất tịch thu phương tiện đối với lái xe có nồng độ cồn cao đã nhận được sự quan tâm lớn, nhiều câu hỏi "nóng" đã được đặt ra cho Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.
Chiều qua (5/3), ông Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia) đã chính thức đăng đàn trong buổi giao lưu trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, trả lời về đề xuất tịch thu phương tiện của lái xe say rượu.
Cùng ông Hùng giải đáp thắc mắc của dư luận là TS. Tô Văn Hòa (Trưởng Khoa Hành chính, ĐH Luật Hà Nội).
Như đã đưa tin, Ủy ban ATGT quốc gia vừa đề xuất xử phạt đối với lái xe có nồng độ cồn cao là tịch thu phương tiện, cả ô tô lẫn xe máy. Vấn đề đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận và nhiều câu hỏi "nóng" đã được các khách mời trao đổi thẳng thắn.
* Lý do nào Ủy ban ATGT quốc gia đưa ra đề xuất này?
Ông Khuất Việt Hùng: Năm nay số người tử vong vì tai nạn giao thông cao. Nguyên nhân trực tiếp chủ yếu là vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn và chở người lạng lách, tâm lý kích thích. Điều khiển phương tiện giao thông trong trạng thái say xỉn uy hiếp nghiêm trọng đến không những sức khỏe, tài sản, tính mạng chính mình mà đặc biệt là cho người khác, cho xã hội. Chúng ta phải có chế tài thật nghiêm để giảm hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông.
Các khách mời tham gia đối thoại trực tuyến.
TS Tô Văn Hòa: Tôi thấy mức phạt được đề xuất đã dựa trên phân tích cụ thể về tai nạn giao thông. Tôi đồng quan điểm với Ủy ban ATGT quốc gia. Có nhiều quốc gia còn có chế tài về mặt hình sự và mức phạt tiền cao hơn nhiều. Trước tình hình trật tự ATGT có chiều hướng xấu đi, việc cân nhắc mức phạt cao hơn là điều hợp lý.
Tuy nhiên mức phạt cao đó nên được áp dụng trong những trường hợp như thế nào để phù hợp thực trạng vi phạm ATGT và văn hóa rượu bia của người Việt. Vẫn phải nghiên cứu tính hợp pháp trong hệ thống pháp luật đã được định hình về xử lý vi phạm hành chính.
* Khi tịch thu phương tiện, cơ quan quản lý đã nghĩ đến đó là tài sản do sở hữu của người dân?
Ông Khuất Việt Hùng: Hiện nay quy định về sở hữu tải sản trong hiến pháp là rất rõ. Tuy nhiên trong Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có quy định về việc tịch thu phương tiện của những người vi phạm. Như vậy, chúng ta đã có cơ sở pháp lý để thực hiện quy định.
* Có người cho rằng, đề xuất tịch thu là vi phạm quyền bảo hộ tài sản trong hiến pháp năm 2013?
TS. Tô Văn Hòa: Trong Hiến pháp cũng như Bộ Luật dân sự đều đề cao quyền bảo hộ tài sản cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Nhưng điều đó không loại trừ khả năng pháp luật có những biện pháp chế tài để tịch thu những tài sản vi phạm.
Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định về việc tịch thu tài sản là tang vật vi phạm. Cho nên đề xuất này không vi phạm về hiến pháp.
* Việc xử phạt tịch thu sẽ được thực hiện như thế nào? Ai đủ thẩm quyền ra quyết định xử phạt?
Ông Khuất Việt Hùng: Cứ vi phạm về nồng độ cồn là bị tịch thu chứ không cần phải có những vi phạm khác hay đã gây hậu quả. Chủ tịch UBND tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ hoặc Cục trưởng Cục CSGT là những người đủ thẩm quyền.
* Có người cho rằng, tịch thu một tài sản phải được quyết định bởi tòa án. Ông Hòa nghĩ sao?
TS. Tô Văn Hòa: Xử lý vi phạm là theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc tịch thu là do cơ quan có thẩm quyền ra quyết định. Nếu có khiếu nại, người bị tịch thu có thể kiện ra tòa án để xem xét tính hợp pháp về quyết định đó.
Cho nên, vào thời điểm tịch thu, không cần thiết phải có quyết định của tòa án.
* Nhiều ý kiến đặt ra là mức phạt này có quá nặng hay không?
Ông Khuất Việt Hùng: Chúng tôi cũng lường trước là sẽ vấp phải nhiều phản ứng trong xã hội. Việc thực hiện có thể sẽ gặp khó khăn. Vì có người vẫn sẽ thắc mắc mức phạt có quá cao hay không.
Tôi xin đưa ra ví dụ: Ở Nhật Bản, nếu lái xe 80mg/100ml máu trở lên, lái xe sẽ bị phạt tù 5 năm và 8 nghìn 8 trăm đô la. Người giao xe cho người vi phạm cũng nhận án phạt tương ứng. Người cung cấp rượu bia cho người lái xe vi phạm cũng bị phạt tù đến 3 năm và khoảng 5 nghìn đô la. Người ngồi cạnh người lái xe cũng có thể phạt tù. Hàn Quốc bị phạt tù 6 tháng cho hành vi tương tự.
Khi đưa ra chế tài đủ mạnh thì số lượng hành vi vi phạm sẽ giảm. Nhiều người cho rằng đó là hà khắc, nhưng đây chính là biện pháp bảo vệ chính sự an toàn cho người đó cũng như cho xã hội. Nếu thấy nặng, đừng vi phạm nữa.
Chế tài nặng không nhằm xử phạt công dân của mình. Đó là biện pháp giáo dục nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
* Nếu người vi phạm đi xe không chính chủ, xử phạt thế nào? Ô tô lại là tài sản lớn, mức phạt tịch thu có quá nặng? Đặc biệt là người mượn xe, vậy có phải quýt làm cam chịu?
Như tôi đã nói, người giao mượn xe cũng chính là người phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa, tôi mượn xe của anh mà bị tịch thu thì tôi phải đền.
Còn chuyện vi phạm lần đầu tiên vi phạm, tôi xin nhấn mạnh, tính mạng không có lần đầu hay cuối.
TS. Tô Văn Hòa: Phương tiện không những là công cụ để đi lại mà là nguồn mưu sinh của cả gia đình. Tôi cho rằng nếu ngay lần đầu đã tịch thu có thể cũng là nặng. Theo tôi, chúng ta có thể tính đến yếu tố tái phạm.
* Vậy việc thực thi sẽ thế nào? Làm sao để đảm bảo việc này thực hiện nghiêm túc, không mãi lộ?
Ông Khuất Việt Hùng: Đưa ra chế tài hợp lý góp phần giáo dục người dân không vi phạm. Còn phòng chống tiêu cực là việc luôn phải làm. Không thể nói nặng tiêu cực, nhẹ không tiêu cực.
TS. Tô Văn Hòa: Mức phạt được đưa ra không phải là để phạt mà mục tiêu là ngăn chặn, mục đích xa hơn là để không vi phạm, quy dịnh chế tài phù hợp, không nặng, không nhẹ để đừng bao giờ uống rượu bia say xỉn. đó tạo nên sự nhân văn.
Bên lề cuộc tọa đàm, chúng tôi đặt câu hỏi: "Liệu quy định này có thực thi được từ 15/3 như đề xuất của Ủy ban ATGT quốc gia?" và các khách mời đã giải đáp như sau:
TS. Tô Văn Hòa: Có lẽ chưa thể thực hiện ngay được vì các cơ quan có thẩm quyền còn phải nghiên cứu, bổ sung quy định vào các văn bản luật như nghị định, thông tư,…
Ông Khuất Việt Hùng: Đây chỉ là tăng mức xử phạt đối với một hành vi vi phạm đã được quy định trong Nghị định. Chỉ cần Chính phủ đồng ý và ra Nghị quyết là cơ quan luật pháp có thể thực hiện được.