Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại sữa bột với nhiều thương hiệu, chủng loại khác nhau. Sữa bột được sản xuất phục vụ nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng khách hàng: từ người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người bệnh hay trẻ nhỏ như sữa tăng cân, tăng chiều cao, sữa dành cho người tiểu đường...
Đánh vào nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều loại “sữa cỏ” không có thương hiệu, tiếng tăm, xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, len vào ngóc ngách các vùng quê qua các cuộc hội thảo tặng quà... Tuy nhiên, chất lượng ra sao, nguồn gốc xuất xứ thế nào thì đến nay vẫn chưa được thẩm định.
Tràn lan các loại “sữa cỏ” trên mạng
“Sữa cỏ” không phải là một tên gọi mang tính phân loại khoa học và cũng không có trong từ điển tiếng Việt. Đây là một “thuật ngữ” được khai sinh bởi chính đội ngũ bán hàng, ý nói tới các sản phẩm sữa không có hoặc có rất ít tính thương hiệu trên thị trường. Nguyên liệu tạo nên “sữa cỏ” được nhập từ nước ngoài, sau đó đơn vị nhập về sẽ tự gia công, đóng hộp. Hiện nay, chúng ta có thể thấy rất nhiều sản phẩm sữa được quảng cáo, buôn bán tràn lan trên thị trường với đa dạng chủng loại, màu sắc, kích thước. Các sản phẩm sữa thường xuất hiện dưới hình thức: Sữa không đường, có đường, ít đường, sữa đặc,... và những chế phẩm sữa như: Sữa chua, bơ, pho mát, bánh (kẹo) sữa. Đặc biệt, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện tràn lan quảng cáo nhiều loại sản phẩm bảo vệ sức khỏe như: sữa tăng chiều cao, sữa tăng cân, thậm chí nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo có công dụng chữa bệnh như “thần dược”. Đặc biệt, các sản phẩm này còn sử dụng hình ảnh các bác sĩ, dược sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo, khiến người tiêu dùng rơi vào “ma trận” khi tìm kiếm, lựa chọn sản phẩm.
Một xưởng sản xuất sữa bẩn từng bị lực lượng Công an triệt phá.
Chị Trần Thị Tuyết (Nam Định) cho hay, nhà chị có 3 cậu con trai đang tuổi phát triển. Muốn bổ sung thêm canxi, tăng chiều cao cho con nên chị lên Facebook để tìm hiểu thì thấy hiện lên rất nhiều quảng cáo về dòng sữa H.U có thể tăng chiều cao cho trẻ một cách vượt trội. “Để yên tâm về xuất xứ cũng như kiểm tra các tiêu chuẩn về sản phẩm, tôi đã tới nhiều đại lý sữa lớn tại thành phố Nam Định để tìm mua, nhưng đều không thấy phân phối sản phẩm này”.
Tìm hiểu qua fanpage chính hãng của dòng sữa H.U được biết đây là dòng sữa tăng chiều cao chuyên biệt dành cho trẻ từ 2-18 tuổi, có nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Hoa Kỳ và sản xuất tại Kim Bảng (Hà Nam). Fanpage này khẳng định chắc như “đinh đóng cột” rằng: “Trẻ sẽ tăng từ 3-5 cm sau 3 tháng sử dụng”.
Tìm hiểu thêm tại nhiều fanpage quảng cáo bán sản phẩm này, phóng viên nhận thấy tại đây đăng tải nhiều quảng cáo có hơi hướng “thổi phồng” công dụng sản phẩm. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo về sản phẩm với nhiều ngôn từ có cánh, như: “Uống là sẽ cao”, “uống là sẽ lớn bất chấp cả gen di truyền do bố mẹ thấp lùn”, “uống sữa H.U con sẽ cao như người mẫu, diễn viên”... Thậm chí, một số quảng cáo còn sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ để quảng cáo về sản phẩm khiến người tiêu dùng khá hoang mang vì không đúng quy định của pháp luật.
Không chỉ các dòng sản phẩm tăng chiều cao, đánh vào tâm lý của nhiều phụ huynh có con còi cọc, nhiều nhãn hàng còn quảng cáo sữa tăng cân như một loại “thần dược”. Trên website của một loại sữa tăng cân H.W nhiều ngôn từ quảng cáo thể hiện sự thổi phồng công dụng: “Tăng 5-7 kg tại nhà với 2 ly sữa mỗi ngày”, “100% sữa non nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Tăng 5-7 kg cho người gầy lâu năm. Tăng 2-3 kg sau 1 tháng...”. Tuy nhiên, trên thực tế, những sản phẩm này chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thể có tính chất “thần dược” như những lời quảng cáo.
Người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm sữa có thương hiệu tại các siêu thị, cửa hàng uy tín. (Ảnh minh họa)
Nếu là người thường xuyên lướt TikTok, không khó để “sữa cỏ” tiếp cận đến đông đảo khách hàng bởi nó đang được đẩy quảng cáo mạnh mẽ bởi các KOLs với lượng theo dõi đông đảo. Chỉ cần gõ cụm từ “sữa tăng cân” sẽ cho ra hàng loạt tài khoản TikTok với những lời quảng cáo có cánh về các loại sữa tăng cân, giá “siêu rẻ”, chỉ vài trăm nghìn là có từ 3-5 hộp sữa.
Đơn cử có thể kể tới Y.M, loại “sữa cỏ” gắn với “tên tuổi” của Y.C. - một TikToker sở hữu hơn 6 triệu followers. Hầu hết các clip của Y.C. đều mặc trang phục màu trắng hệt như các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, dinh dưỡng để quảng cáo cho sản phẩm sữa này, rồi nhún nhảy bắt trend tại nơi được cho là nhà máy sản xuất sản phẩm sữa Y.M. “Sữa cỏ” Y.M nhanh chóng được lan tỏa với sự tham gia quảng cáo của nhiều “đại lý” là những người dùng TikTok khác.
Không chỉ mặc quần áo giống đội ngũ nhân viên y tế, trong video của mình, Y.C. còn giới thiệu một người là PGS.TS một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội để cùng quảng cáo cho sản phẩm sữa này.
Trong các clip của mình, TikToker triệu view Y.C. còn khẳng định loại sữa này an toàn cho cả phụ nữ mang thai và trẻ em trên 3 tuổi. Ngoài ra, loại sữa này còn được rất nhiều tài khoản TikTok rao bán với mức chiết khấu hấp dẫn (như mua 1 tặng 3, mua 4 tặng 5...). Như trường hợp TikToker Y.C. kể trên, chỉ với 500 nghìn đồng, người mua đã có ngay 2 hộp “sữa cỏ” (khoảng 900g/hộp) với “công dụng thần thánh” được quảng cáo. Tuy nhiên, bình luận dưới video của TikToker này, một số người dùng cho biết đã gặp tình trạng đau bụng, thậm chí phải đi viện khám sau khi dùng sữa Y.M.
Ngay sau khi báo chí phản ánh, tài khoản này đã gỡ toàn bộ hình ảnh quảng cáo sữa Y.M trên kênh TikTok của mình nhưng những clip quảng cáo của Y.C vẫn được lan truyền qua các tài khoản khác.
TikToker Y.C quảng cáo sữa tăng cân Y.M.
Cẩn trọng với các loại sữa ít tên tuổi, thương hiệu
Không thể phủ nhận, sữa đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích như làm giảm các bệnh về tim mạch, chống loãng xương, cân bằng dinh dưỡng, giảm căng thẳng, mệt mỏi,... Nhưng, cũng chính vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng sự tò mò, lòng tin của người tiêu dùng mà cho ra những sản phẩm sữa được quảng cáo là có công dụng “thần kỳ” nhưng chất lượng ra sao lại không có gì để đảm bảo.
Thậm chí, họ còn đăng tải các video quảng cáo gắn với các “bác sĩ”, “chuyên gia” mặc áo blouse so sánh các loại sữa khác nhau, đánh tráo khái niệm về sữa với tần suất dày đặc trên mạng xã hội. Tất cả những điều này đã gây hoang mang cho người tiêu dùng, lũng đoạn thị trường và gây thiệt hại cho những doanh nghiệp chân chính.
Trên Facebook, nhiều nhóm anti các loại “sữa cỏ” ra đời. Trong các hội nhóm này có rất nhiều loại sữa nguồn gốc, xuất xứ lạ được các “bà mẹ bỉm sữa” bóc phốt. Quả thật, phóng viên cũng choáng váng với rất nhiều loại sữa với tên gọi, công dụng khác nhau, chưa từng được nghe đến thương hiệu tại Việt Nam. Nhiều bà mẹ truyền nhau kinh nghiệm mua sữa chính hãng tại các cửa hàng, siêu thị dành cho mẹ và bé, tránh các loại sữa quảng cáo “sản xuất theo công nghệ, tiêu chuẩn châu Âu”, “nguyên liệu nhập khẩu từ châu Âu”, “dây chuyền Nhật Bản”...
Còn nhớ, cuối năm 2022, một đường dây sản xuất sữa bẩn đã bị triệt phá ngay tại Hà Nội. Lực lượng chức năng đã thu mẫu 67 lô hàng của Công ty cổ phần Sữa Hà Lan (trụ sở quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) để giám định. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy có 65 lô hàng chỉ đạt chỉ tiêu dưới 70% so với công bố và ghi trên nhãn hộp, tương đương với số lượng 29.400 hộp sữa đã vi phạm tiêu chuẩn công bố. Công ty cổ phần Sữa Hà Lan không lưu mẫu sản phẩm, không có phòng thí nghiệm riêng, không gửi sản phẩm kiểm nghiệm định kỳ.
Đối tượng Nguyễn Trung Vương - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Hà Lan là người quyết định lựa chọn nguyên liệu, nhà cung cấp, số lượng, chủng loại và thanh toán kinh phí, đồng thời cũng tự đưa ra công thức phối trộn, thay đổi thành phần, thêm bớt tỉ lệ các loại nguyên liệu so với hồ sơ công bố và chỉ đạo nhân viên thực hiện theo công thức đã có sẵn.
Sữa không tên tuổi, thương hiệu tràn về làng quê, khách hàng chủ yếu là các cụ già.
Ths Lê Hồng Dũng, Trưởng Khoa Hóa thực phẩm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, trước nguy cơ từ sữa bột kém chất lượng, Bộ Y tế đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sữa dạng bột với các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và yêu cầu quản lý đối với sản phẩm sữa dạng bột, bao gồm sữa bột, cream bột, whey bột và sữa bột gầy có bổ sung chất béo thực vật.
Theo Trưởng Khoa Hóa thực phẩm Viện Dinh dưỡng Quốc gia, căn cứ pháp lý cao nhất hiện nay với sữa bột là QCVN 5-2:2010/BYT quy định các chỉ tiêu lý hóa như độ ẩm, protein, hàm lượng chất béo... Đồng thời, Bộ Y tế cũng quy định giới hạn chất nhiễm bẩn như kim loại nặng (chì, thiếc, stibi, arsen...) độc tố vi nấm, melamin, dư lượng thuốc thú ý... Các sản phẩm sữa dạng bột cũng phải đảm bảo không nhiễm 5 loại vi khuẩn có hại.
Chuyên gia cho hay, các sản phẩm phải được ghi nhãn theo quy định, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất phải công bố hợp quy phù hợp các quy định kỹ thuật tại quy chuẩn này, đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp của Bộ Y tế và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn theo đúng nội dung đã công bố.
Công nghệ làm sữa giả, sữa nhái ngày nay rất tinh vi cho nên, người tiêu dùng rất khó để phân biệt thật giả. Vì thế, Ths Lê Hồng Dũng đưa ra lời khuyên, người tiêu dùng không nên lựa chọn sản phẩm quá rẻ tiền, bởi lẽ giá trị thật của sản phẩm luôn song hành cùng chất lượng. Đối với sữa thật được đầu tư cả về chất lượng sản phẩm và hình ảnh thì hoạt tiết được in trên vỏ hộp sữa sẽ sắc nét và đẹp mắt, không bị nhòe. Tuy nhiên, đối với sữa giả do chi phí sản xuất thấp nên họa tiết in nhợt nhạt, nhòe nhoẹt. Một phương pháp nữa để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đấy là quét mã vạch. Khách hàng có thể cài các ứng dụng trên chợ ứng dụng của điện thoại và quét để ra thông tin sản phẩm. Tất cả các sản phẩm phải có thông tin ngày sản xuất và hạn dùng in trên vỏ hộp, phải in rõ ràng và không bị nhòe đối với các sản phẩm thật và còn hạn sử dụng. Tuy nhiên, nếu các sản phẩm quá hạn sử dụng, hết date thì có thể cố tình bị tẩy xóa. Tốt nhất với các sản phẩm đã quá hạn sử dụng thì người tiêu dùng không nên sử dụng tiếp.
Đối với các sản phẩm nhập khẩu phải có tem phụ trên đó thể hiện địa chỉ rõ ràng về nhà nhập khẩu, phân phối, thông tin kiểm nghiệm và được cấp phép lưu hành sản phẩm. Nếu các thông tin này mập mờ, không rõ ràng thì người tiêu dùng không nên mua về sử dụng.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia) chia sẻ: Nếu muốn tăng cân mọi người không nên dựa vào mỗi việc uống sữa. Bởi, sữa chỉ nên được coi là bữa ăn phụ. Mà cần quan tâm đến chế độ ăn tổng thể. Hơn nữa, cũng có nhiều người không dung nạp được lactose - loại đường tự nhiên có trong sữa. Khi bị dị ứng sữa mà cố dùng sữa tăng cân sẽ gây phản ứng trên da, khó chịu ở dạ dày và thậm chí sốc phản vệ trong một số trường hợp. Để tăng cân an toàn, nên ăn uống đủ đạm, chất béo thiết yếu, chất bột đường, vitamin, khoáng chất; không nấu quá mặn gây tích nước, tăng cường luyện tập thể dục thể thao, vận động nhiều sẽ giúp ăn ngon hơn, tăng cân tốt hơn; ngủ đủ giấc để thúc đẩy tăng cân. Ngoài ra, mọi người cũng nên chủ động đi khám sức khỏe định kỳ, nghe tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng xem cơ thể có đang mắc bệnh nền, hay thiếu chất gì, thừa chất gì... gây khó tăng cân hay không.