Người phụ nữ ấy tin rằng, chỉ khi bước ra khỏi thế giới nhỏ bé của riêng mình, con người ta mới có thể mở ra cánh cửa đến một thế giới rộng lớn hơn. Dù bạn ở đâu, hãy cố gắng tìm ra giá trị cuộc sống của bạn.
Cát mênh mông vô tận, gần như không có dấu vết của các loài thực vật khác. Những cồn cát lớn nhỏ trông vô cùng dịu dàng với những đường gợn sóng. Nhưng khi gió mạnh ập đến, bầu trời và mặt đất đột nhiên trở nên mờ mịt, cát lập tức bao phủ trên tất cả mọi thứ. Đây là sa mạc Ulan Buh nằm ở khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc. Trong tiếng Mông Cổ, cái tên này thể hiện bản chất phóng túng và hoang dã.
Một cơn gió cát ập đến, người sáng lập tổ chức NPO Green Life, vị chủ tịch 75 tuổi Yi Jiefang quay lưng lại và đứng thẳng. Khi gió và cát ngừng thổi, bà mỉm cười nói với các tình nguyện viên:
“Các bạn có biết cây Haloxylon chúng tôi trồng bền bỉ đến mức nào không? Cho dù bị gió thổi bay, chúng vẫn có thể tiếp tục phát triển, cắm rễ sâu vào sa mạc, tạo nên những điều kỳ diệu của cuộc sống”.
Bà Yi Jiefang đang hướng dẫn tình nguyện viên cách trồng cây Haloxylon.
Sự bình tĩnh và kiên định của bà trước những cơn gió dữ dội và sa mạc rộng lớn này khiến ai nhìn thấy cũng phải khâm phục. Đằng sau bóng dáng mạnh mẽ ấy là 22 năm kiên trì không ngừng nghỉ, vượt qua biết bao khó khăn và thử thách. Bà làm tất cả những điều này là để thực hiện tâm nguyện của cậu con trai Yang Ruizhe không may qua đời từ khi còn trẻ.
Người phụ nữ 38 tuổi một mình bươn trải nơi xứ người, nỗ lực chỉ mong ngày gia đình đoàn tụ
Nhớ lại sự ra đi của con trai, Yi Jiefang nói: “Tôi đã rơi từ đỉnh cao hạnh phúc của cuộc đời xuống thung lũng đen tối nhất”.
Bà Yi Jiefang sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thượng Hải, bà làm giáo viên dạy nhạc cấp hai, đồng thời giảng dạy tại Đại học Phát thanh và Truyền hình Hồng Khẩu, Trường Đào tạo cán bộ quận Hồng Khẩu. Chồng bà là trưởng khoa nội của bệnh viện, con trai rất ngoan ngoãn và hiểu chuyện.
Cuộc sống và công việc đang rất suôn sẻ nhưng sau thời kỳ cải cách, bà Yi Jiefang muốn sang Nhật Bản du học. Sau nhiều đắn đo, người phụ nữ 38 tuổi quyết định một mình sang Nhật Bản và trở thành một du học sinh lớn tuổi.
Cuộc sống khi mới đến Nhật Bản rất khó khăn, bà ở trong một căn phòng nhỏ rộng chưa đến 10 mét vuông, suốt ngày không có ánh nắng; tiếng cũng chưa thông thạo. Để tồn tại, bà phải làm việc cả ngày trên đường phố Tokyo, từ đóng gói bữa trưa trong một cửa hàng tiện lợi, bán hàng trong một cửa hàng quần áo đến dạy tiếng Trung cho lãnh đạo các công ty Trung-Nhật.
Bà Yi Jiefang và con trai Ruizhe tại Tokyo.
Một năm rưỡi sau, bà được nhận vào trường đại học nữ tốt nhất Nhật Bản để học cao học. Chỉ trong kỳ nghỉ hè, gia đình 3 người họ mới có thể đoàn tụ trong thời gian 1 tháng. Sau đó, bà đợi chồng sang và giúp ông mở một phòng khám đông y. Vì tạm thời không thể chăm sóc con trai nên họ chỉ có thể để cậu con trai 11 tuổi ở lại quê nhà. Đây trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến Jiefang sau này mãi tự trách mình khi con trai đột ngột qua đời.
Năm 1990, sau khi tốt nghiệp, người phụ nữ 41 tuổi bất ngờ nhận được cơ hội việc làm từ một công ty du lịch nổi tiếng nhất Tokyo bấy giờ, trở thành người Trung Quốc duy nhất gia nhập công ty vào thời điểm đó. Mức lương hậu hĩnh không chỉ giúp cuộc sống của bà ổn định mà còn giúp Jiefang đón con trai sang Nhật vào năm sau đó.
Để có được chỗ đứng tại Nhật Bản, gia đình 3 người họ đã làm việc rất chăm chỉ. Cậu con trai Ruizhe được nhận vào 1 trong 6 trường đại học danh tiếng nhất Nhật Bản. Anh tự trang trải chi phí học tập của mình bằng số tiền kiếm được từ công việc bán thời gian. Trong công việc, Ruizhe siêng năng và thân thiện; ở trường, anh sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Thế nhưng khi cuộc sống gia đình họ đang rất đủ đầy và viên mãn thì một tai họa từ trên trời đã giáng xuống.
Đi vào sa mạc để thực hiện tâm nguyện cuối cùng của con trai
Ngày 22/5/2000, Ruizhe đến lớp như thường lệ. Sau khi nhìn con trai đi xuống cầu thang, lau chùi xe máy rồi lên đường, bà Jiefang cũng chuẩn bị đi làm.
40 phút sau, vào khoảng 10 giờ sáng, bà nhận được cuộc gọi từ bệnh viện, báo tin con trai bà gặp nạn. Sau khi báo cho chồng biết, bà lập tức xin nghỉ phép và đi thật nhanh đến bệnh viện nơi con trai đang ở.
2 giờ sau, cửa phòng cấp cứu mở, bác sĩ bước ra và nói: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức”. Khi con trai bà đang chuyển làn xe thì bị một chiếc xe máy phía sau đâm vào, khiến đốt sống cổ thứ 3 bị gãy dẫn đến tử vong.
Jiefang sao có thể chấp nhận được. Mắt con trai bà vẫn mở, như đang nói: “Mẹ, con xin lỗi, lần này con thực sự phải đi!”. Bà ôm con trai, nằm trên người con và không ngừng khóc. Sự im lặng nơi lồng ngực ấy khiến bà cảm thấy sợ hãi hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên trong đời, bà hoàn toàn mất trí.
Nỗi đau mất đi đứa con duy nhất đã khiến Yi Jiefang trở thành một con người rất nhạy cảm, không ai dám nói chuyện vì chỉ một câu hỏi cũng khiến mắt bà đỏ hoe. Ngôi nhà của bà tràn ngập những bức ảnh của con trai, bà mua sôcôla mà anh thích ăn, những bông hoa mà con thích ngắm, thường xuyên nói chuyện với Ruizhe. Thậm chí, bà nhiều lần muốn tự tử nhưng mỗi lần như vậy, bà luôn cảm thấy con trai đang ngăn cản mình.
Một ngày, cảnh tượng bữa ăn tối với con trai 2 tuần trước khi anh ra đi hiện lên trong đầu Yi Jiefang. Khi nói về dự định tương lai, Yi Jiefang cho biết sẽ trở về quê hương nhưng chưa tính làm gì sau đó.
"Sao mẹ không đến sa mạc Nội Mông để trồng cây?".
Bà Yi Jiefang một mình đi trên sa mạc.
Yi Jiefang hỏi con trai tại sao lại nghĩ đến điều này. Ruizhe chỉ vào chiếc TV phía sau và nói: “Mẹ nhìn xem, TV thường xuyên đưa tin trong nước có bão cát. Trồng cây có thể cải thiện môi trường”.
Muốn trồng được nhiều cây cần rất nhiều tiền, mà tiền từ đâu ra? Khi đó, Yi Jiefang coi lời nói của con như một điều viễn vông và nhanh chóng quên mất. Sau khi Ruizhe ra đi, lời nói của cậu cứ vang vọng bên tai, bà quyết định lấy lại năng lượng và dũng cảm bước ra ngoài thực hiện tâm nguyện cuối cùng của con.
Ngày 1/4/2002, bà Yi Jiefang chính thức từ chức công việc nhiều người mơ tại công ty du lịch lớn nhất Nhật Bản và cùng chồng rời Tokyo. Năm 2003, Yi Jiefang đã dành hơn 10 ngày di chuyển 8.000 km từ phía đông Nội Mông đến phía tây Nội Mông, không khỏi sốc trước môi trường hoang tàn và khắc nghiệt.
Bà đã khởi xướng đăng ký và thành lập một tổ chức phúc lợi công cộng phi lợi nhuận mang tên "NPO Green Life" tại Nhật Bản, đồng thời chính thức bắt đầu con đường bảo vệ môi trường thông qua việc trồng rừng và phòng chống sa mạc hóa.
Bà Yi Jiefang bên những bụi cây Haloxylon mình đã trồng 3 năm trước.
Hơn 20 năm sau nỗi đau mất con, bà đã đến sa mạc và trồng hàng triệu cây, tạo ra một phép màu xanh trên sa mạc. Bà luôn tin rằng, mỗi người sống trên đời phải có giá trị. Chỉ khi một người biết dùng nghị lực, mong muốn và lý tưởng của mình để làm điều gì đó cho người khác thì cuộc sống mới thực sự ý nghĩa. Đây cũng là cách để bà tìm ra lối thoát hóa giải nỗi đau hơn 20 năm ấy.