Đầu giờ chiều nay theo giờ Việt Nam, những người yêu thiên văn ở châu Mỹ và các nước châu Đại Dương có thể ngắm nhìn nguyệt thực toàn phần với mặt trăng đỏ rực.
Khi nguyệt thực toàn phần xảy ra, mặt trăng bị bóng của trái đất che khuất hoàn toàn. Tuy nhiên, mặt trăng không biến mất dưới cái bóng của địa cầu. Màu sắc mặt trăng trong quá trình diễn ra nguyệt thực toàn phần sẽ biến đổi từ trắng, xám tới cam, đỏ. Những màu sắc này là do tro bụi trong khí quyển gây ra. Lượng tro bụi từ các vụ phun trào núi lửa càng nhiều, màu sắc của mặt trăng càng đậm. Thuật ngữ “mặt trăng máu” thường được dùng để chỉ hiện tượng nguyệt thực toàn phần này. Ảnh: AFP.
"Mặt trăng máu" ngày 15/4 là một trong những lần hiếm hoi loài người chứng kiến hiện tượng độc đáo này. Nó là sự kiện mở đầu cho bộ tứ nguyệt thực, diễn ra liên tục trong 18 tháng. Những sự kiện tương tự xảy ra trong khoảng 300 năm giữa 1600 và 1900 nhưng không tài liệu nào mô tả về nó. Ảnh: ABC news.
Fred Espenak, chuyên gia dự đoán nhật, nguyệt thực của NASA cho biết: “Hiện tượng độc đáo này diễn ra không đồng đều trong chu kỳ 585 năm. Nó có thể xảy ra liên tục trong một hoặc vài thế kỷ nhưng cũng có thể không xảy ra trong suốt hàng trăm năm”. Bộ tứ nguyệt thực tiếp theo sẽ xuất hiện trong năm 2032. Ảnh trên là khoảnh khắc nguyệt thực toàn phần. Ảnh: LA Times.
Theo số liệu của BBC, nguyệt thực một phần bắt đầu lúc 12h58, nguyệt thực toàn phần diễn ra vào 14h06 và đạt đỉnh lúc 14h45. Trên ảnh, vầng sáng lộ ra khi ánh nắng mặt trời chiếu xuống bề mặt mặt trăng. Đây là khoảnh khắc nguyệt thực một phần. Ảnh: LA Times.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội ngắm nhìn hiện tượng độc đáo này. Trong sự kiện ngày 15/4, các nước Bắc Mỹ, một số nước ở Nam Mỹ có thể quan sát toàn bộ hiện tượng “mặt trăng máu”. Phần còn lại của thế giới không thể quan sát hoặc chỉ có cơ hội nhìn thấy một phần sự kiện này. Đồ họa: Hồng Duy.
Ở Mỹ, những người đam mê thiên văn đã chuẩn bị những thiết bị quan sát để tận mắt chứng kiến hiện tượng hiếm có này. Ảnh: LA Times.