Sau ngày 30/4, hiện tượng mưa dông ở Bắc Bộ như ngày 24/4 vừa qua có khả năng gây ra mưa dông lốc, sét, mưa đá. Ở phía Nam trong những ngày đầu tháng 5 nắng nóng giảm dần.
Vì sao mưa đá liên tiếp gây thiệt hại nhiều nơi?
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ khoảng 15h30 chiều ngày 24/4 đến khoảng 17h chiều cùng ngày ở khu vực phía Nam của tỉnh Sơn La trọng tâm là huyện Vân Hồ, khu vực phía Tây huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã xuất hiện một đợt mưa rào và dông mạnh, tại khu vực Vân Hồ, và huyện Mai Châu đã xảy ra mưa đá trên diện rộng gây thiệt hại về hoa màu, tài sản của người dân.
Nguyên nhân do ảnh hưởng rìa phía Nam của một khối không khí lạnh yếu, kết hợp với hoạt động một vùng hội tụ gió trên độ cao 1500m được tạo ra bởi rìa phía Tây của lưỡi áp cao cận nhiệt đới (khối không khí biển lấn từ phía Đông vào), cộng thêm gió Tây Nam di chuyển từ vùng Thượng Lào sang, hội tụ ở khu vực dọc kinh tuyến 105, vì thế từ chiều tối và đêm qua (23/4) ở khu vực Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rào và dông mạnh.
Miền Bắc sắp đón không khí lạnh sau đợt nắng nóng gay gắt.
Số liệu vệ tinh ước tính nhiệt độ đỉnh mây đối lưu thời điểm dông ở mức -81,2 độ C, đây là dấu hiệu cho thấy tháp mây đối lưu phát triển rất dữ dội. Độ cao khối mây có thể trên 10km. Sự bột phát của những tháp mây như vậy thường xuất hiện vào giai đoạn giao mùa và gây ra dông lốc mạnh hoặc mưa đá. Vùng mây chiều phát triển mạnh dịch chuyển chậm nên gây ra mưa đá tập trung ở vùng giáp ranh Sơn La, Hoà Bình.
Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, trong giai đoạn vừa qua, nền nhiệt trên cả nước có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Trong 20 ngày đầu tháng 4, nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm từ 2-3 độ, thậm chí có nơi cao hơn đến 4 độ. Với nền nhiệt này cộng thêm sóng lạnh yếu từ phía Bắc tràn xuống, tương tác của sóng lạnh với khối khí nóng làm dòng thăng phát triển mạnh gây ra hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá ở hầu khắp các khu vực trên cả nước. Hiện tượng mưa đá xảy ra ở Vân Hồ, Hòa Bình... là một trong những hiện tượng khốc liệt hơn hẳn so với trung bình nhiều năm.
Theo chuyên gia, rất khó để dự báo xa hiện tượng dông lốc, mưa đá, nhưng chúng ta có thể cảnh báo được hiện tượng này qua các thiết bị theo dõi như ảnh mây vệ tinh, ảnh rada... nên có thể đưa ra được cảnh báo trước 30 phút đến 1 tiếng.
Thời gian tới, hiện tượng dông, lốc, sét mưa đá vẫn còn xảy ra ở các tỉnh miền Bắc cũng như miền Trung, miền Nam vì giai đoạn tháng 4, 5 và nửa đầu tháng 6 ở miền Bắc, tháng 5 ở Tây Nguyên và Nam Bộ là giai đoạn giao mùa. Dự báo năm nay, với nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm thì hiện tượng dông, lốc sét, mưa đá sẽ còn xảy ra với tần suất mạnh hơn so với trung bình nhiều năm.
Đầu tháng 5 miền Bắc lại đón không khí lạnh
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 27/4 đến 1/5), thời tiết đáng lưu ý nhất trên cả nước vẫn là tình trạng nắng nóng.
"Thống kê 10 năm qua thì chưa có một năm nào 3 miền Bắc, Trung, Nam cùng xảy ra nắng nóng trong giai đoạn 30/4 và 1/5. Do chịu tác động hiện tượng El Nino làm cho nền nhiệt cả nước cao hơn so với trung bình nhiều năm. Cộng thêm giai đoạn này chịu tác động vùng áp thấp nóng phía Tây gây ra đợt nắng nóng diện rộng trong dịp nghỉ lễ", ông Hưởng nói.
Sau ngày 30/4, có khả năng hiện tượng mưa dông ở Bắc Bộ như ngày 24/4 vừa qua, có khả năng gây ra mưa dông lốc, sét, mưa đá. Ở phía Nam trong những ngày đầu tháng 5 gió tây nam bắt đầu hoạt động, nắng nóng giảm nhưng có thể gây ra mưa dông chuyển mùa, đề phòng kèm theo dông lốc, sấm sét, gió giật mạnh.
Ông Hưởng cho biết trong những ngày nghỉ lễ dịp 30/4, Bắc bộ và các tỉnh miền Trung sẽ chịu tác động của hoàn lưu vùng áp thấp nóng phía tây. Giai đoạn từ ngày 26/4 đến khoảng ngày 30/4, khu vực Bắc bộ sẽ xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt, với mức nhiệt cao nhất trong ngày ở khu vực phía Tây Bắc bộ từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 40 độ C, ở khu vực phía Đông Bắc bộ và thủ đô Hà Nội nhiệt độ cao 36 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C.
Riêng khu vực các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa - Phú Yên sẽ xảy ra nắng nóng gay gắt và nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao 37 - 40 độ C, có nơi trên 40 độ C. Còn ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ trong giai đoạn từ 26 đến 30/4 cũng xảy ra nắng nóng diện rộng với mức nhiệt cao 35 - 37 độ C, có nơi trên 38 độ C.
"Dự báo khoảng sau ngày 30/4, trong 1-2 ngày đầu tháng 5, có một khối không khí lạnh yếu từ lục địa Trung Quốc di chuyển xuống, ở Bắc bộ giai đoạn từ ngày 1 và 2/5 có khả năng xuất hiện mưa rào và giông trở lại, còn ở miền Nam gió Tây Nam cũng có xu hướng xuất hiện, gây mưa giông", ông Hưởng nói và lưu ý giai đoạn những ngày đầu tháng 5 ở miền Bắc, miền Nam cần đề phòng với hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á, là một trong ba tâm dông trên thế giới có hoạt động dông sét mạnh. Số ngày dông trung bình khoảng 80 ngày/năm và giờ dông trung bình 200 giờ/năm. Hoạt động dông phân bố phức tạp, nơi có số giờ dông nhỏ như Cam Ranh (55 giờ/năm), nơi đạt số giờ dông cao như A Lưới tới 489 giờ /năm.
Khi làm ở khu vực nào đó, để ý trước các nơi có thể trú mưa và tránh sét an toàn. Phải tính được thời gian từ chỗ làm việc đến nơi an toàn. Thường thì cơn dông kéo đến rất nhanh trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40km/giờ. Khi đang ở nơi không an toàn thì cần phải để ý đến các dấu hiệu của dông như mây đen, không khí lạnh, gió..
Trong trường hợp không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, máy, hàng rào sắt...
Tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp, tìm vị trí cây thấp. Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ. Phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất. Nhón chân, không được nằm xuống đất. Đứng xa các vật cao, ra ngay khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao, hồ, mương. Các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao cũng rất nguy hiểm. Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh.