Trong tháng 3, 4, khả năng xảy ra rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống dưới 10 độ C là không có. Nếu có đợt rét đậm thì nhiệt độ thấp nhất cũng chỉ ở mức 13-15 độ C, kéo dài từ 1 đến 2 ngày.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, đêm ngày 18/2, một đợt không khí lạnh đã tràn xuống nước ta với cường độ mạnh gây ra đợt rét đậm, rét hại. Vùng núi nhiệt độ thấp nhất từ 5-7 độ C, vùng núi cao nhiệt độ từ 0 - 2 độ C. Tại Thủ đô Hà Nội, nhiệt độ xuống thấp nhất 10 - 11 độ C.
Đợt rét đậm này đã kéo theo hiện tượng mưa rào, mưa tuyết xuất hiện ở khu vực đèo Ô Quý Hồ, dãy núi Hoàng Liên Sơn, Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Đến ngày 20/2, tuyết đã ngừng rơi ở khu vực Lào Cai.
“Những lần trước, không khí lạnh xuống sâu và trời quang mây nên rét đậm, rét hại kéo dài 5-7 ngày, tuyết dày từ 5-7 cm. Còn đợt rét này, không khí lạnh ở mức yếu hơn nên tuyết rơi ngắn ngày, độ dày chỉ từ 3-5 cm”, ông Hải chia sẻ.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.
Theo ông Hải, từ nay đến hết tháng 3, 4/2014, khả năng xảy ra rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C sẽ không còn. Nếu có đợt rét đậm thì nhiệt độ thấp nhất cũng chỉ ở mức 13-15 độ C, kéo dài từ 1 đến 2 ngày. Hiện tượng tuyết rơi ở các tỉnh vùng núi không có khả năng xảy ra. Theo thống kê của trung tâm, rét đậm rét, hại thường xuất hiện trong tháng 12, 1 và 3. Ở các tháng tiếp theo, các đợt rét giảm dần với cường độ yếu hơn.
“Thông thường, khi thời tiết chuyển từ mùa đông sang mùa xuân thì các đợt rét sẽ thưa dần, không liên tục và ít kéo dài. Do vậy, tuần cuối của tháng 2/2014, khả năng xảy ra rét đậm, rét hại cũng không xảy ra”, ông Hải nói.
Trong tháng 3, 4, thời tiết sẽ diễn biến theo kiểu vài ngày sẽ có một đợt lạnh với cường độ yếu tràn xuống nước ta. Dự báo, sẽ có khoảng 6 đến 7 đợt lạnh nữa ảnh hưởng tới nước ta. Nhiệt độ trong các đợt lạnh này ở vùng đồng bằng từ 19-20 độ C, vùng núi từ 14-17 độ C. Tuy nhiên, trong thời điểm này, người dân cần chú các hiện tượng giông, lốc, mưa đá, sấm sét.
Năm 2013, Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều cơn bão lớn, rồi đến tuyết rơi dày đặc ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ông Hải lý giải, những hiện tượng thời tiết bất thường trên đều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Do vậy, thời tiết trong những năm gần đây không còn được ôn hòa, mùa đông lạnh thì rất lạnh, mùa hè nóng cũng quá mức.
“Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không phải cứ chờ đến thời điểm 20 năm nước biển mới dâng mà nó là các hiện tượng cực đoan có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nó có thể là giông lốc, mưa đá to, siêu bão lớn”, ông Hải chia sẻ.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ chiều và đêm 18/2 ở các tỉnh miền Bắc đã xảy ra rét đậm, rét hại diện rộng. Nền nhiệt thấp nhất trong ngày phổ biến từ 7 – 10 độ C, ở các tỉnh vùng núi dưới 5 độ C, một số nơi dưới 0 độ như Sapa (Lào Cai) -0,2 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -0,6 độ C, vùng núi cao đã xuất hiện mưa tuyết và băng giá. Dự báo tình trạng rét đậm, rét hại có khả năng kéo dài đến ngày 22/2.