Chuyện tình chị em giữa vị hoàng đế và bảo mẫu này từng làm kinh động triều đình phong kiến nhà Minh và khiến hậu thế phải sửng sốt.
Các hoàng đế trong lịch sử Trung Hoa đều có tam cung lục viện, xung quanh không bao giờ thiếu phụ nữ. Và phụ nữ được hoàng đế sủng ái cũng rất đa dạng, có người xuất thân danh gia vọng tộc, có người là con gái nhà bình dân nghèo hèn, cũng có những nữ tử lưu lạc cõi phàm trần hay những cô gái trẻ xinh đẹp.
Hơn nữa, trong mắt các hoàng đế cổ đại, phụ nữ như áo quần, chỉ là thứ phục sức chứ không phải nơi dành tình yêu.Tuy nhiên, vào triều đại nhà Minh đã có một ngoại lệ, đó là mối tình chị em giữa Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm và vú nuôi của mình, Vạn Trinh Nhi.
Nhiều người tự hỏi tại sao một vị hoàng đế uy nghiêm có thể yêu bảo mẫu của mình trong khi quanh ông có rất nhiều mỹ nữ? Nhưng câu chuyện của Minh Hiến Tông và bảo mẫu hơn ông 17 tuổi không phải là chuyện ngôn tình ngọt ngào mà thực chất là một tấn bi kịch.
Ảnh minh họa
Chu Kiến Thâm vốn là con trai của Minh Anh Tông Chu Kì Trấn. Vào năm 1449 sau Công nguyên, khi Chu Kiến Thâm mới 3 tuổi thì hoàng đế Chu Kì Trấn đích thân chinh phạt Mông Cổ và bị bắt làm tù binh. Chú của ông là Chu Kì Ngọc lên kế vị, chấn hưng triều đình. Sau khi Chu Kỳ Ngọc lên ngôi, để thu phục lòng người, ông cũng đã đem quân chống lại Mông Cổ.
Hai năm sau, các cuộc đấu đá trong triều dần đi đến hồi kết. Chu Kì Ngọc được nếm trải vị ngọt khi làm hoàng đế đã phế bỏ ngôi vị thái tử của Chu Kiến Thâm để đưa con trai mình lên thay thế. Thời điểm đó, Chu Kiến Thâm mới 5 tuổi.
Thời thế thay đổi, bên cạnh Chu Kiến Thâm lúc này chỉ còn lại một bảo mẫu, chính là Vạn Trinh Nhi hay Vạn quý phi sau này. Một đứa bé 5 tuổi không bố mẹ bên cạnh, dựa dẫm hoàn toàn vào người bảo mẫu của mình. Khi ấy, Chu Kiến Thâm còn hỏi Vạn Trinh Nhi: "Người cũng sẽ rời bỏ ta ư?". Bảo mẫu đáp lại: "Ta sẽ luôn ở cạnh người, nếu người ở đây, ta cũng ở đây".
Kể từ đó, Vạn Trinh Nhi chăm sóc cho Chu Kiến Thâm mọi chuyện, sưởi ấm trái tim cậu bé. Theo thời gian, Chu Kiến Thâm trở nên phụ thuộc vào Vạn Trinh Nhi, coi bà như người thân của mình.
Cho đến khi Chu Kiến Thâm 10 tuổi, Chu Kì Trấn trốn thoát khỏi Mông Cổ, khởi sự thành công và giành lại được ngôi báu. Chu Kiến Thâm được tái lập làm thái tử, trở về cung. Sau đó, ông trở thành hoàng đế Minh Hiến Tông vào năm 18 tuổi.
Vừa lên ngôi, Minh Hiến Tông đã phải lập hậu. Khi Chu thái hậu hỏi ông muốn lập ai, Minh Hiến Tông không do dự nói Vạn Trinh Nhi. Điều này khiến thái hậu choáng váng bởi Vạn Trinh Nhi lúc ấy đã là một phụ nữ trung niên 35 tuổi rồi. Nàng trạc tuổi Chu thái hậu, do đó, mong muốn của Minh Hiến Tông chắc chắn không đạt được.
Sau đó, Minh Hiến Tông buộc phải lập một cô gái giàu có của gia đình họ Ngô lên làm hoàng hậu, nhưng vẫn quyết đưa Vạn Trinh Nhi lên làm phi tần cao quý. Mẹ của ông, Chu thái hậu không còn cách nào thuyết phục nên chỉ đành đồng ý.
Ảnh minh họa
Kể từ khi lập hậu, Minh Hiến Tông mỗi đêm đều đến gặp Vạn quý phi và gạt Ngô hoàng hậu sang một bên, điều này khiến bà ghen tị và phẫn uất. Ngô hoàng hậu bày đủ cách gây khó dễ cho Vạn quý phi nhưng không thu được kết quả mà lại còn chọc giận hoàng đế. Cuối cùng, Ngô hoàng hậu bị phế truất trong cơn thịnh nộ. Có thể thấy được Vạn quý phi quan trọng đối với Minh Hiến Tông như thế nào.
Sau đó, dù Minh Hiến Tông buộc phải lập một hoàng hậu khác nhưng người mới không còn dám khiêu khích Vạn quý phi nữa. Nàng thà một mình trong căn phòng trống còn hơn đi theo vết xe đổ của Ngô hoàng hậu.
Vạn quý phi sau đó sinh cho Minh Hiến Tông một hoàng tử nhưng yểu mệnh qua đời. Điều này tác động sâu sắc đến tính tình của bà, khiến bà kiêu ngạo, hống hách và tàn nhẫn với những phi tần khác. Dẫu vậy, Minh Hiến Tông vẫn luôn chiều chuộng bà. Cho đến khi Vạn quý phi qua đời ở tuổi 58, bà đã thống trị hậu cung 23 năm, không ai dám cạnh tranh.
Tương truyền Vạn quý phi sau khi mất con lòng dạ hiểm độc nên đã dùng mọi cách cản trở các phi tần khác mang long thai. Một lần, trong cung xuất hiện cung nữ họ Kỷ, được nhà vua sủng hạnh và nhanh chóng mang thai. Khi biết chuyện, Vạn quý phi đã sai người tới ép cung nữ này uống thuốc phá thai. May mắn thay, Kỷ thị được một thái giám tên Trương Mẫn che giấu cho đến khi sinh nở an toàn.
Mãi sau này, khi Minh Hiến Tông đã già mà không có con nối dõi, Vạn quý phi mới rủ lòng cho đem con của Kỷ thị về nuôi. Dẫu mở đường như vậy nhưng sau đó, Vạn quý phi vẫn tìm cách tiêu diệt Kỷ thị, chỉ để lại đứa con của bà.
Có thể thấy trong suốt 23 năm thâu tóm hậu cung, Vạn quý phi không phải người đàn bà đẹp nhất, về sau lại có lòng dạ độc ác nhưng vẫn luôn nhận được sự sủng ái vô bờ của Minh Hiến Tông. Đến khi bà qua đời, Minh Hiến Tông đã suy sụp hoàn toàn, 7 ngày không thiết triều và chỉ nửa năm sau thì đi theo bà. Cho đến ngày nay, hậu thế vẫn không thể lý giải được tình cảm đặc biệt, phi thường mà vị hoàng đế này dành cho bảo mẫu của mình.