Một vụ mất nhà khó tin nhưng có thật ở Sài Gòn

Ngày 03/09/2017 09:44 AM (GMT+7)

Có thể nói, câu chuyện "bỗng dưng mất nhà" của cặp vợ chồng này là hy hữu nhưng có thật ở TP HCM

Tưởng rằng khi đã có bản trích lục thì có thể ngăn chặn được hành vi gian dối của người con trai hư hỏng, nhưng vợ chồng cụ Thức và cả gia đình không thể ngờ rằng Minh Anh đã kết hợp với một số đối tượng khác để làm HĐUQ giả mạo và nhờ người khác đóng vai bố mẹ mình để ký trên hợp đồng.

Điều lạ lùng nữa là chẳng hiểu vì lý do gì sự giả mạo này lại dễ dàng qua mặt được công chứng viên của Phòng Công chứng số 2 - Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh khi công chứng (số công chứng 009165, quyển số 3, lập ngày 28-3-2011 do Công chứng viên Nguyễn Thị N.L công chứng), bởi vợ chồng cụ Thức không hề tới cơ quan này để ký nhận. Từ HĐUQ giả mạo này, Minh Anh đã đem căn nhà thế chấp cho một ngân hàng ở quận 6 và sau đó rất nhiều rắc rối khác…

Ngày 13-7-2012, nhân viên nhà đất của phường 13, quận 6 đã xuống nhà thông báo rằng căn nhà của vợ chồng cụ Thức đã được chuyển nhượng và đăng bộ vào ngày 1-6-2011. Người nhận chuyển nhượng là ông N.V.T (43 tuổi) đã đến yêu cầu phường cho đóng thuế, nên nhân viên phường xuống để xác nhận. Lúc này thì vợ chồng cụ Thức và các con của mình thực sự bàng hoàng.

Chuyển nhượng căn nhà 5 lần trong 6 tháng

"Cả gia đình từ lâu đã nhất trí giữ căn nhà này lại để làm nhà thờ tổ tiên nên không thể có chuyện cha mẹ hay các anh em tôi lại mang giấy tờ nhà đất đi thế chấp hay chuyển nhượng cho ai. Nhưng thực tế đau lòng là lâu nay, căn nhà của cha mẹ tôi đã do người khác đứng tên dù cha mẹ tôi chẳng nợ nần hay bán nhà cho ai cả…", ông Lê Tấn Lam Anh bàng hoàng cho biết.

Theo ông Lam Anh thì hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển nhượng quyền sử dụng đất (số 010816/HĐ-MBN) được ký dựa vào HĐUQ (số 009165), trong đó ông N.V.T là người nhận chuyển nhượng.

"Điều lạ là cả bốn chữ ký của Minh Anh trên bốn trang của hợp đồng này đều khác nhau có thể thấy rõ bằng mắt thường. Vậy mà tôi không hiểu tại sao công chứng viên không phát hiện ra? Hơn nữa điều này chứng tỏ là người ký tên trên hợp đồng rất có thể không phải là Minh Anh, vì một người ký tên thật của mình rất khó xảy ra chuyện ký bốn chữ ký khác nhau", ông Lam Anh nói.

Điều đáng nói, căn nhà này không chỉ bị chuyển nhượng một lần. Bởi sau ông N.V.T, đến hết năm 2011, VPĐKQSDĐ quận 6 còn ký cho chuyển nhượng thêm 4 lần nữa, mỗi lần chỉ cách nhau 1 tháng .

Lúc này, GCN QSHNĐ ở mục IV - Những nội dung thay đổi sau khi cấp giấy cũng đã đầy, không còn chỗ chứng nhận nên VPĐKQSDĐ quận 6 thu hồi giấy chứng nhận này vào ngày 28-12-2011 mà vợ chồng cụ Thức không hề hay biết. Sau đó UBND quận 6 đã cấp GCN QSHNĐ mới (số CH10199) cho người mới được chuyển nhượng là ông L.T.Q.

Không thể hiểu được chuyện chỉ trong vòng 6 tháng mà căn nhà đã được VPĐKQSDĐ quận 6 cho phép chuyển nhượng 5 lần mà hầu như không có ai xuống thẩm tra căn nhà và cũng không lấy làm lạ khi căn nhà được chuyển nhượng liên tục và quá nhanh chóng như vậy (?).

Vụ việc này cứ lằng nhằng từ đó đến nay cũng đã nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm. Mới đây, ông Lam Anh cho biết cha ông cùng một số anh chị em của ông có tên trong hộ khẩu thường trú của căn nhà 8/6 Bà Hom đã được Tòa án nhân dân quận 5 gửi thông báo về việc thụ lý vụ án (bổ sung) dân sự số 49A/2017/GB-TA ký ngày 3-7-2017 nhằm triệu tập các cá nhân có tên trong hộ khẩu căn nhà số 8/6 liên quan đến vụ việc "Tranh chấp hợp đồng tín dụng" giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam với ông L.T.Q (là người chủ đứng tên mua căn nhà 8/6 Bà Hom) theo Văn bản số 49/2017/DSST ngày 20-4-2017.

Nguồn cơn của vụ kiện này bắt nguồn từ việc ông L.T.Q đã thế chấp giấy tờ nhà đất căn nhà này cho ngân hàng để vay tiền nhưng sau đó đã không trả nợ khi đến hạn.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đứng đơn khởi kiện với yêu cầu ông L.T.Q phải trả hết số nợ còn thiếu cho ngân hàng gồm vốn, lãi tính đến ngày 31-1-2017 với số tiền là hơn 5,3 tỷ đồng và các chi phí phát sinh cho đến khi thanh toán hết các khoản nợ.

Trường hợp nếu ông L.T.Q không thực hiện nghĩa vụ trả nợ nêu trên thì yêu cầu tòa đồng ý cho ngân hàng được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phát mãi tài sản bảo đảm là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại 8/6 Bà Hom để ngân hàng thu hồi nợ…

Khi biết thông tin này, những thành viên trong gia đình cụ Thức đã phản đối việc phát mãi căn nhà 8/6 Bà Hom vì cho rằng căn nhà này không phải là tài sản bị phát mãi hợp pháp. Cho đến nay bản thân ông Lam Anh và các thành viên trong gia đình vẫn đang hằng ngày cầm đơn đi gõ cửa nhiều nơi để kêu cứu nhằm giữ được căn nhà.

Tuy vậy, có một điều thực tế như đã đề cập phía trên là căn nhà này hiện đã do ông L.T.Q đứng tên và ông Q đã dùng giấy tờ thế chấp ngân hàng để vay tiền. Việc ngân hàng khởi kiện với những yêu cầu kể trên cũng là điều không có gì khó hiểu, nhưng thực tế ở vụ tranh chấp này, nếu không làm rõ căn nguyên và xử lý những kẻ làm giả giấy tờ, mua bán nhà trái phép thì chưa thể giải quyết được khúc mắc.

Theo Nhóm PV
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h