Bức chân dung “Cậu bé khóc” do họa sĩ Bruno Amadio vẽ được sản xuất hàng loạt và trở nên nổi tiếng vì cứ nơi nào treo nó thì đều bị cháy rụi.
“Cậu bé khóc” (The Crying Boy) là một bức chân dung được vẽ bởi họa sĩ Bruno Amadio. Với nhiều người, đây là bức tranh bình thường, phảng phất sự u ám và nỗi buồn, nhưng có người lại cảm thấy sợ hãi khi nhìn "Cậu bé khóc".
Trong thập niên 80 của thế kỉ XX, bức tranh này đã được sao chép và bày bán tràn ngập khắp nơi trên thế giới, riêng tại Vương quốc Anh đã có thể bán được 50.000 bức. Lúc bấy giờ, đây là một trong những bức tranh được nhiều người Anh mua nhất.
Bức tranh cậu bé khóc vướng vào lời nguyền đầy ám ảnh.
Một loạt các vụ hỏa hoạn xảy ra liên quan đến bức tranh
Câu chuyện bí ẩn về lời nguyền của bức tranh “Cậu bé khóc” bắt đầu xuất hiện từ tháng 9/1985, khi tờ The Sun – trang tin tức nổi tiếng ở Anh đưa tin về hàng loạt các vụ cháy bí ẩn lan rộng tại Anh. Điều đặc biệt là những nơi xảy ra hỏa hoạn đều có treo bức “Cậu bé khóc” ở trong nhà.
Theo lời kể của các lính cứu hoả cùng các nạn nhân, trong tất cả các vụ cháy, mọi vật dụng trong nhà đều bị thiêu rụi, duy chỉ có các bản sao bức tranh “Cậu bé khóc” vẫn còn nguyên vẹn.
Thông tin về lời nguyền của bức tranh "Cậu bé khóc"
Cô Dora Mann (Surrey, Anh) – một nhân chứng nổi tiếng, cho biết cô đã mua bức chân dung “Cậu bé khóc” về treo trong phòng tranh của mình. Tuy nhiên, 6 tháng sau, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra. Thậm chí, cô và chị dâu cũng suýt thiệt mạng trong một vụ cháy đó. Tất cả mọi thứ đều chỉ còn là một đống đổ nát, thứ duy nhất còn sót lại nguyên vẹn là bức tranh “cậu bé khóc”.
Sau khi hàng loạt vụ hỏa hoạn xảy ra, những người sở hữu bức tranh đều hoang mang, lo sợ. Trước tình hình đó, hàng nghìn bản sao “Cậu bé khóc” bị tiêu hủy dưới sự giám sát của Cục cứu hỏa. Mặc dù vậy, nhiều bản sao khác của bức tranh vẫn còn tồn tại và tin tức về các vụ cháy vẫn tiếp tục xuất hiện. Những câu chuyện liên quan đến “Cậu bé khóc” càng được lan truyền rộng rãi và nhiều người cho rằng có một lời nguyền luôn đeo bám bức tranh đó.
Họa sĩ Bruno Amadio đang vẽ một tác phẩm về trẻ em.
Nguồn gốc của bức tranh
Có rất nhiều câu chuyện đằng sau nguồn gốc của bức tranh “Cậu bé khóc”. Nhiều tài liệu cho rằng, ông Bruno Amadio đã trốn sang Tây Ban Nha ngay sau khi kết thúc Thế chiến thứ Hai. Ở đây, Amadio gặp một cậu bé tên là Don Bonillo, một đứa trẻ mồ côi đã tận mắt nhìn thấy cha mẹ mình bị chết trong hỏa hoạn.
Amadio nhanh chóng nhận Don là con nuôi mặc cho những lời khuyên ngăn của cảnh sát cũng như các linh mục địa phương bởi họ đều cho rằng cậu bé là trung tâm của nhiều vụ cháy bí ẩn. Người dân gọi cậu bé là Diablo, có nghĩa là "ma quỷ” bởi hễ em đi đến sống ở ngôi nhà nào là ở đó xảy ra hỏa hoạn.
Lúc đó, Amadio không hề tin những điều đó và nhất quyết đưa Don về nhà. Ông đã nắm bắt được mọi cảm xúc, trạng thái của cậu bé để rồi vẽ lên bức tranh “Cậu bé khóc”. Bức họa của Amadio được bán rất chạy và điều đó giúp hai người có cuộc sống sung túc hơn.
Tuy nhiên, một thời gian sau, ngôi nhà và phòng tranh của ông Amadio đột nhiên bốc cháy. Nhớ lại lời cảnh báo của linh mục năm xưa, Amadio liền đổ lỗi cho Don và đuổi cậu bé đi. Kể từ khi đó, vị họa sĩ này không hề nghe thấy tin tức gì của Don cho đến năm 1976. Cảnh sát phát hiện đứa trẻ năm nào đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi.
Nhiều người cho rằng tất cả các bức tranh của ông Amadio vẽ về những đứa trẻ khóc đều bị nguyền rủa và nó có liên quan đến Don Bonillo. Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn chưa được xác thực bởi người liên quan trực tiếp đến nó là họa sĩ Amadio đã qua đời vào năm 1981. Sau khi ông mất được 4 năm mới xảy ra sự kiện những đám cháy “cậu bé khóc.”
Một số phiên bản của bức tranh "Cậu bé khóc".
Lời nguyền hay chỉ là sự ngẫu nhiên
Steve Punt, một nhà văn và diễn viên hài người Anh đã đứng ra điều tra các lời nguyền của “Cậu bé khóc” trong một chương trình của đài phát thanh BBC. Trong chương trình, Punt nghiên cứu lịch sử của bức tranh, đồng thời cũng công bố các thí nghiệm được tiến hành lên các bản sao.
Trong thí nghiệm, nhiều bản sao cũ của bức tranh đã được đem đốt và các nhà khoa học phát hiện phần lớn các bản in chỉ có viền khung tranh bị bắt lửa và cháy sém một góc còn bức tranh vẫn nguyên vẹn. Kết quả kiểm tra cho thấy nguyên nhân giúp “Cậu bé khóc” luôn “sống” trong mỗi vụ hỏa hoạn là nó được vẽ bằng chất liệu khó bắt lửa, không bị phá hủy bởi nhiệt và khói.
Nhân viên cứu hoả Mick Riley cũng khẳng định nguyên nhân của các vụ hỏa hoạn thời gian đó phần lớn là do chập điện hoặc do vật dễ bắt lửa vô tình bị cháy. Không có bất kì lời nguyền bí ẩn hay câu chuyện ma quỷ nào ở đây.