Khác với những chậu bonsai thông thường, ông Lê Thạnh (ở Quảng Nam) sở hữu hàng trăm chậu bonsai mọc lộn ngược. Nhiều người đến chiêm ngưỡng, trả cả chục, trăm triệu một cây nhưng ông không bán vì sợ họ mua theo giá trị chứ không phải vì đam mê, yêu cây cảnh.
Ông Lê Thạnh (61 tuổi, cư trú tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã dành nhiều năm theo đuổi cách trồng bonsai độc đáo, "khai sinh" hàng trăm cây cảnh lộn ngược, hướng xuống đất, tạo thế chậu rất đẹp và lạ mắt. Vào cuối năm 2020, ông Thạnh được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng kỷ lục dành cho "Người tạo tác các tác phẩm Bonsai ngược nhiều nhất Việt Nam". Đây là niềm vinh dự, niềm tự hào với ông khi dành trọn bao năm tháng gắn bó chăm sóc, sưu tầm các loại cây cảnh.
Ông Thạnh sở hữu vườn bonsai lộn ngược độc đáo
Ông Thạnh bộc bạch, bản thân có niềm đam mê với cây cối ngay từ hồi còn trẻ. Cho đến năm 1997, sau khi bôn ba nhiều nơi, ông chọn mảnh đất Tam Kỳ lập nghiệp và bắt đầu ước mơ sưu tầm cây cảnh và các loại bonsai. Thời gian đầu, ông cũng giống như bao người khác khi trồng và chăm sóc các dáng thế bonsai cơ bản.
Nhưng trong một lần ra thăm Quảng Bình vào khoảng năm 2010 - 2011, ông Thạnh bị thu hút bởi các gốc cây mọc ngược ở trong động. Khi đó ông nhận ra, nghệ thuật bonsai từ cổ điển đến hiện đại còn thiếu một hình tượng mọc ngược. Vậy là ông bắt đầu nghiên cứu, tự đặt riêng cho cây cảnh bonsai của mình bằng cái tên độc lạ "bonsai ngược". Cũng nhờ vào thú chơi cây cảnh ngược đời mà cái tên “dị nhân” đã gắn liền với ông và bay xa trong làng bonsai khắp mọi miền đất nước.
“Dị nhân” Lê Thạnh cho hay: “Thế bonsai ngược tức là thay vì cây được trồng “xuôi”, từ trên xuống thì người chơi cây trồng theo hướng ngược lại, từ dưới lên. Ban đầu, tôi mua những cây rẻ tiền, thử nghiệm với những cây nhỏ, trong chậu nhỏ. Sau đó, qua thực tiễn chăm sóc, nuôi trồng rồi rút kinh nghiệm dần đã phát triển mạnh đối với những loại cây có kích thước lớn hơn…”.
Những chậu bonsai ngược trong vườn ông Thạnh
Hiện trước hiên nhà và sân thượng căn nhà “dị nhân” trưng bày khoảng 50 thế bonsai ngược độc đáo như: Cây cam ngược; Đại phú gia; Hồng ngọc mai; Linh sam lá trung; Kim quýt… do chính tay ông tạo tác. Còn tính từ những ngày đầu theo đuổi thú chơi này, ông đã sở hữu hơn 100 cây với các thế, dáng khác nhau.
Theo "dị nhân", các cây bonsai ngược cũng có thể tạo thành nhiều kiểu dáng mới lạ như trực, siêu, hoành, huyền... Tuy nhiên, quá trình để tạo ra cây bonsai mọc ngược không đơn giản. Ở giai đoạn đầu, khi bắt đầu trồng một cây ngược xuống đất, điều khó nhất là giữ cho đất, phân bón không bị rơi rớt ra bên ngoài…
Ông Thạnh có biết nhiều khách đến xem trả giá cao nhưng ông không bán
Ông Thạnh đã phải tạo ra khoảng trống vừa ôm sát thân cây để giữ được đất. Ngoài ra, tùy từng thế bonsai ngược mà sẽ sử dụng vải, miếng nhựa lót trên bề mặt chậu cây để giữ đất, phân. Sau khoảng 3,4 tháng theo dõi, rễ cây sẽ tự phát triển xung quanh, đất và phân sẽ không còn bị rơi ra ngoài nữa.
"Dù bị nhiều yếu tố bên ngoài tác động làm xiêu vẹo, nghiêng ngả nhưng tốc độ phát triển giữa bonsai ngược và bonsai thông thường gần như nhau. Điều quan trọng muốn bonsai ngược phát triển tốt phải đảm bảo việc thoát nước cho cây. Khi tưới tiêu, nước chỉ ngấm trong đất từ 5 đến 10 phút, sau đó phải thoát ra ngoài hết nếu không cây sẽ chết”, ông Thạnh nói thêm. Để tăng nét đẹp cũng như sự nổi bật của cây tiểu cảnh, “dị nhân” đã sử dụng nhiều loại chậu khác nhau như bình trà, chậu gốm cổ, chum, bình hoa…
Với “dị nhân”, thú chơi bonsai ngược mang đến cho ông cảm giác mới lạ, thú vị. Nó còn mang đến ý nghĩa, thông điệp tích cực. “Trong cuộc sống không tránh khỏi những lúc khó khăn, thách thức tới mức muốn bỏ cuộc. Nhưng một khi chúng ta quyết tâm ắt sẽ vượt qua. Khi ấy, chúng ta không chỉ tồn tại mà còn là sống đẹp, mang những điều tuyệt đẹp đến cho đời”, ông triết lý.
Đến nay, “dị nhân” Lê Thạnh hàng ngày vẫn tỉ mỉ chăm sóc, sưu tầm cho được các loại cây cảnh mới. Được nhiều người biết đến, ông cảm thấy rất vui và tự nghĩ sẽ tạo ra thêm nhiều thế cây độc lạ khác nữa. Ông thừa nhận, nhiều người đến chiêm ngưỡng, trả cả chục, trăm triệu một cây nhưng ông không bán vì sợ họ mua theo giá trị chứ không phải vì đam mê, yêu cây cảnh.
Mới đây ông còn chế tác thêm những cây bonsai theo trường phái ngang. Dù mới tạo tác vài tác phẩm nhưng đã khá thành công. “Đối với cây cảnh, không có cây nào xấu phải bỏ đi, muốn nó đẹp thì phải “hóa kiếp” cho nó mới tạo thành một tác phẩm nghệ thuật...”, dị nhân Lê Thạnh tâm sự.