Từ đầu tháng 7 Âm lịch, khắp nơi trong làng vàng mã xã Song Hồ (thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đều hối hả sản xuất để kịp phục vụ nhu cầu của người dân trước dịp Rằm tháng 7.
Không chỉ nổi tiếng với tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ còn được biết tới là “Thủ phủ vàng mã” của miền Bắc, nơi sản xuất và cung cấp một lượng vàng mã lớn trên khắp các tỉnh thành lân cận. Do nhu cầu mua sắm mặt hàng này tăng cao nên những ngày cận Rằm tháng 7, thương lái từ khắp nơi đã đổ về đây nhập hàng.
Đầy đủ các mặt hàng, đa dạng về mẫu mã
Đến làng vàng mã Song Hồ vào những ngày này, rất dễ để chứng kiến cảnh mua bán, vận chuyển hàng hóa luôn nhộn nhịp từ sáng tới tối. Các đại lý ở đây đều tất bật chuẩn bị vàng mã, thậm chí đã đóng gói rất nhiều mặt hàng phía bên ngoài để sẵn sàng giao đi.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại nhiều cơ sở sản xuất, các mặt hàng năm nay được thiết kế chỉn chu, đẹp hơn và rất đa dạng về mẫu mã. Với quan niệm "trần sao âm vậy", ở đây không thiếu thứ gì, hàng nào cũng có. Từ nhà lầu, xe hơi đời mới, điện thoại thông minh, đồng hồ hàng hiệu cho đến quần áo váy vóc, trang sức, mỹ phẩm,... đều đủ các thể loại.
Làng vàng mã Song Hồ từ lâu đã được ví như “đại công xưởng” sản xuất vàng mã lớn nhất miền Bắc, nên ngoài việc bỏ sỉ vàng mã, các đại lý tại đây cũng có cửa hàng để phục vụ khách mua lẻ. Nếu khách muốn mua những mặt hàng độc, lạ thì phải đặt trước, còn hàng thông thường thì luôn có sẵn.
Hàng vàng mã Song Hồ được bán quanh năm, nhưng những dịp lễ quan trọng như Rằm tháng 7 mới là thời điểm tiêu thụ mạnh. Các khách buôn đánh xe tải nối đuôi nhau vào làng vàng mã Song Hồ để nhập hàng và phân phối đi khắp cả nước.
Sản xuất vàng mã đã được chuyên môn hóa
Hầu hết các gia đình tại xã Song Hồ đều làm nghề sản xuất vàng mã. Trước đây, xã nổi tiếng với tranh dân gian Đông Hồ, chính vì thế những kĩ thuật vẽ tranh, dán giấy đều được áp dụng để sản xuất vàng mã.
Gia đình bác Nguyễn Thị Lam là một trong những hộ sản xuất lâu đời tại xã Song Hồ với truyền thống gần 20 năm làm nghề. Hiện tại, con trai và con dâu bác Lam cũng tiếp tục theo nghề làm vàng mã.
Được biết, gia đình bác Lam chuyên sản xuất mặt hàng bàn thờ, động vật, mặt người,... với số lượng lớn. Bác Lam chia sẻ: "Ở đây, nhiều nhà đã áp dụng máy móc vào làm vàng mã để nhanh hơn, có số lượng nhiều hơn. Còn nhà tôi, đa phần các mặt hàng đều được làm thủ công, từ khâu tạo khuôn, cắt dán giấy và trang trí nên có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng".
Ngoài những sản phẩm được làm theo lô, gia đình bác Lam cũng nhận làm những sản phẩm độc có kích thước lớn. Bác Lam cho biết, giá của những mặt hàng này thường từ 150.000 đồng/sản phẩm trở lên, tùy theo độ khó và kích cỡ của khách yêu cầu.
Theo chị Tuyền (con dâu bác Lam) chia sẻ, việc làm vàng mã tại xã Song Hồ đã được chuyên môn hóa, tức là mỗi nhà chỉ làm vài sản phẩm riêng biệt. Việc sản xuất các mặt hàng phân chia rõ ràng nên sự cạnh tranh giữa các hộ sản xuất cũng giảm đi đáng kể.
“Những năm gần đây, thị trường vàng mã tiêu thụ có chút khó khăn. So với trước đây, các sản phẩm bán chậm hơn. Nếu ngày xưa chỉ vào cuối tháng 5 âm, khắp làng đã nhộn nhịp kẻ mua người bán thì giờ đây phải đến cuối tháng 6, chúng tôi mới dám sản xuất hàng mới nếu không có khách đặt trước”, chị Tuyền cho biết thêm.
Tuy có giảm sút về mặt số lượng, nhưng không thể phủ nhận, xã Song Hồ vẫn là nơi cung cấp vàng mã lớn tại miền Bắc. Sở dĩ, các sản phẩm vàng mã Song Hồ được nhiều người tin tưởng lựa chọn là bởi mẫu mã ngày càng giống đồ thật, đa dạng và độc đáo.