Triều đại nhà Thanh của Trung Quốc đặt ra nhiều quy tắc kỳ lạ, chẳng hạn như, mỹ nhân trong hậu cung khi 50 tuổi sẽ không được ân ái, qua đêm với hoàng đế nữa. Tuy nhiên, có một vị sủng phi đã phá vỡ quy tắc đó.
Theo KK News, vị sủng phi khiến Khang Hy say đắm, phá lệ ân ái là Đức phi Ô Nhã Thị (1660 -1723), thân mẫu của Thanh Thế Tông Ung Chính.
Từ cung nữ trở thành sủng phi
Thanh Sử Cảo cho biết, Đức phi Ô Nhã Thị tên là Mã Lục xuất thân trong gia đình có truyền thống làm cung nhân hầu hạ trong hoàng cung từ thời Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực.
Đức phi Ô Nhã Thị là mỹ nhân chiếm trọn trái tim của hoàng đế nhà Thanh Khang Hy. Ảnh minh họa
Về sau, tổ phụ (ông nội) của Đức phi ra chiến trường chinh chiến, lập được công danh nên được thăng lên làm Nhất đẳng Đô úy, kiêm chức Tá lĩnh – thống lĩnh 300 quân. Cha và em trai bà cũng làm quan trong triều.
Do xuất thân trong gia đình dòng dõi cung nhân, nên theo quy định của nhà Thanh, Ô Nhã Thị đủ tiêu chuẩn để được tuyển vào cung làm cung nữ từ nhỏ.
Theo đó, năm Khang Hy thứ 14 (1675), vua Khang Hy ra lệnh tuyển chọn cung nữ. Ô Nhã Thị lấy thân phận cung nữ nhập cung. Năm đó, bà vừa 16 tuổi. Do tài liệu về cung đình nhà Thanh dưới thời Khang Hy rất khan hiếm, nên không rõ bối cảnh Ô Nhã Thị nhập cung cho đến khi chính thức trở thành sủng phi của hoàng đế diễn ra như thế nào.
Chân dung Đức phi Ô Nhã Thị
Chỉ biết rằng, bà vốn làm cung nữ hầu hạ các phi tần trong cung. Đến năm Khang Hy thứ 17 (1678), Ô Nhã Thị sinh hạ được hoàng tử thứ 4 Dận Chân (chính là hoàng đế Ung Chính sau này). Lúc này, Ô Nhã Thị chưa có danh phận gì, nên sau khi Dận Chân đầy tháng thì Khang Hy đem hoàng tử nhỏ cho hoàng hậu Hiếu Ý Nhân Đông Thị nuôi dưỡng.
Một năm sau (1679), Khang Hy mới sắc phong cung nhân Ô Nhã Thị làm Đức tần – vị trí thấp nhất trong số các phi tần trong hậu cung.
Đến năm 1681, Ô Nhã Thị mới được thăng lên làm Đức phi. Năm ấy bà 22 tuổi.
Tổng cộng, Đức phi sinh cho Khang Hy 6 người con, 3 trai 3 gái. Những người con do Đức phi sinh ra rất được Khang Hy yêu thương, đặc biệt là hoàng tử thứ 4 Dận Chân và hoàng tử thứ 14 Dận Đề.
Khang Hy nổi tiếng là vị hoàng đế phong lưu, đa tình bậc nhất lịch sử Trung Hoa. Theo một số tài liệu như Khang Hy toàn truyện, ông vua này có tới hơn 50 người vợ được sắc phong, khoảng 200 phi tần được ông sủng ái và 55 người con (35 con trai và 20 con gái). Trong khi đó, hầu hết các vị vua triều Thanh chỉ có khoảng 10 phi tần chính thức.
Tuy có nhiều mỹ nhân vây quanh, nhưng Khang Hy lại đặc biệt sủng ái Đức phi Ô Nhã Thị.
50 tuổi vẫn được hầu hạ “giường chiếu” cho hoàng đế
Chân dung hoàng đế Khang Hy.
Ở triều đại nhà Thanh, có một quy tắc là phi tần từ 50 tuổi trở lên sẽ không được hầu hạ "giường chiếu" cho hoàng đế nữa.
Lý do đơn giản là vì phụ nữ 50 tuổi trở lên nhan sắc tàn phai, về cơ bản không còn quyến rũ. Nhưng nguyên nhân chính là họ không còn khả năng sinh nở nữa.
Thời xưa, phi tần trong hậu cung của hoàng đế chủ yếu bị xem là “cỗ máy sinh đẻ”. Vì thế, khi họ không còn khả năng sinh con đẻ cái nữa thì cũng “không cần ân ái” với vua nữa.
Ngoài ra, các hoàng đế cũng thường thích các mỹ nhân trẻ trung, xinh đẹp. Nếu để các phi tần đã có tuổi và không còn khả năng sinh đẻ “quấn” lấy hoàng đế thì sẽ ảnh hưởng đến sự hưng thịnh về dòng giống của vương triều.
Tuy nhiên, theo KK News, Đức phi Ô Nhã Thị là vị phi tần duy nhất của triều Thanh phá vỡ quy tắc trên. 50 tuổi, bà vẫn được hoàng đế Khang Hy hết lòng yêu thương, thậm chí phá lệ ân ái. Thậm chí, đến 60 tuổi, bà vẫn được bầu bạn, hầu hạ bên hoàng đế.
Đức phi Ô Nhã Thị được sủng ái đến mức Khang Hy muốn cho một trong 2 người con trai của bà là tứ hoàng tử Dận Chân hoặc thập tứ hoàng tử Dận Đề kế vị.
Năm 1722, Khang Hy băng hà ở tuổi 68, tứ hoàng tử Dận Chân kế vị, lấy hiệu là Ung Chính. Một năm sau, Đức phi được cho là vì quá thương nhớ Khang Hy cũng qua đời, hưởng thọ 63 tuổi.
Theo KK News, lý do Khang Hy yêu thương Đức phi suốt cuộc đời không phải vì bà sở hữu nhan sắc “khuynh nước, khuynh thành” hay có tài năng gì xuất chúng mà vì bà luôn khiêm tốn, biết đối nhân xử thế.
Mặc dù được Khang Hy hết mực sủng ái, nhưng bà không kiêu căng, hống hách mà vẫn nhã nhặn, đoan trang, đối xử khiêm nhường với người khác.