Ở khu 'phố không chồng' này có đến 144 cảnh đời mẹ góa con côi, không thể viết hết những chuyện tình cay đắng, éo le của họ.
Mỗi lần đối mặt với những con người này, người ta sẽ thấy được trong ánh mắt họ nặng trĩu, chất chứa cả đống hờn tủi lẫn nhớ nhung.
Kiêu hãnh làm mẹ đơn thân
Lúc đầu, tôi hơi bỡ ngỡ vì không nghĩ có nhiều chị em không chồng đến vậy, kéo theo đó là hàng trăm đứa trẻ không cha. Chuyện không chồng mà có con đối với nhiều chị em phụ nữ nơi đây là vấn đề nhạy cảm bởi không ai muốn nhắc lại nỗi đau của mình và đặc biệt đề cập đến người cha, người chồng.
Chị N.T.L (41 tuổi) tâm sự: “Lúc trẻ, cũng nhiều người theo đuổi, nhưng từ khi tôi bị bỏng xăng, khuôn mặt để lại sẹo, ai nhìn vào cũng e ngại”. Chính vết bỏng đó làm chị mặc cảm và luôn né tránh người khác. Khi đã lớn tuổi, chị mới giật mình nghĩ về tuổi già chẳng biết nương tựa vào ai khi ba mẹ không còn nữa và chị tự “xin” con để nuôi. Bây giờ, khi đứa con đã lên 11, chị bảo không còn nhớ mặt ba nó nữa. Nhiều lần nghe con gái hỏi: “Ba con đâu hả mẹ”, chị chỉ trả lời quấy quá câu: “Ba con đã mất rồi” được định hình sẵn trong đầu để đối phó với con, rồi quay đi rớt nước mắt.
Còn chị T.T.M (58 tuổi) thân hình cao lều khều, khuôn mặt đầy khắc khổ. Do khuyết điểm về hình thức bên ngoài nên khi đã lớn tuổi chị vẫn chưa có người để ý đến. Một đêm khuya đi làm về, chị rụt rè ngỏ ý xin bác tài xe ôm đứa con. Sau đêm đó không lâu, chị mang thai em bé.
Chị Nguyễn Thị H. lại có nỗi buồn khác hơn, nhà có bốn người gồm chị, hai đứa con nhỏ cùng một mẹ già tuổi đã cao. “Nhà có đàn ông đó chứ nhưng đều ở trong di ảnh”, chị vừa nói vừa nghẹn lòng mình.
Niềm vui lóe sáng trên khuôn mặt những người làm “mẹ” khi bên mình đã có những đứa con an ủi, chăm sóc lúc xế chiều.
Chồng mất sớm khi đứa con nhỏ chưa tròn tuổi, một mình chị “tha” hai con nay đây mai đó hết mướn chỗ này lại thuê trọ chỗ kia, lo kiếm miếng ăn bằng chiếc xe đẩy bán hàng vặt rong khắp các ngả đường thành phố. Chị chắt chiu lắm mà vẫn thiếu trước nợ sau. Bây giờ đã có nơi ăn chốn ở ổn định ở xóm này, chị vui lắm.
“Có chỗ ở ổn định như vậy đã mừng. Mấy mùa qua, lại có nhà của thành phố. Theo cha mẹ rời quê vào thành phố kiếm sống, cứ chạy chỗ này chỗ kia. Lấy chồng, chồng cũng nghèo, bệnh không có tiền chữa thì mất. Chừ thì sáng sáng nấu cơm nước xong, yên tâm giao con cho bà ngoại rồi đẩy xe đi bán bánh. Tối về lại có chị em hàng xóm cùng chung cảnh ngộ, ai cũng không chồng, đơn thân nuôi con như mình dễ gần gũi với nhau”. Chị Hạnh sẻ chia.
Thế nhưng, ở đây, có những người chồng, người cha sẽ mãi là ẩn số bởi chính những người mẹ còn không biết cha con mình là ai. Thậm chí, có nhà 1 mẹ có 3 con, mỗi đứa con có người cha khác nhau. Nhưng tất cả những người cha đó đều không đáng để con mình biết đến, nên tất cả đều mang cùng họ mẹ.
Dù những lối đi riêng, ngã rẽ đường đời của những bà mẹ đơn thân nơi “phố không chồng” có khốn khổ, nghèo túng, có cả sự dèm pha nhưng cho họ niềm hạnh phúc được làm “mẹ”. Và… từng ngày, niềm lạc quan được nhen lên âm thầm, lặng lẽ nơi những mái nhà vắng tiếng gọi người cha.
Một mình gánh … “nỗi”
Đa số, các chị em ở “phố không chồng” đều đã lớn tuổi, dường như sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng vì không ai nương tựa, lại thêm chị nào cũng có một, hai thậm chí là ba con nên phải lam lũ làm ngày làm đêm. Phận gái lênh đênh, trải qua không ít cơ cực và tủi phận nhưng với họ niềm tin, niềm an ủi lớn nhất để họ vượt qua những chuỗi ngày khó khăn đó là đứa con mà họ mang nặng đẻ đau.
Thoáng nhìn vào “phố không chồng”, những căn nhà trông chỉn chu bởi bàn tay chăm sóc của chị em phụ nữ. Phía sau “cánh cửa tâm hồn” khép lại từ lâu đó, nó vẫn thiếu hơi ấm của người chồng, người cha. Chị T.T.M (SN 1985), cho biết: “Hầu hết, chị em tình nguyện làm mẹ nên không trách ai, chỉ biết dành hết tình thương cho con hy vọng rằng chúng sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn để không phải bất hạnh như mẹ”.
Thấy nhà hàng xóm có khách, chị N.T.K.Y ở nhà cạnh bên cũng lật đật sang chơi góp câu chuyện đời. Chị cũng nhà nghèo, cũng chồng mất sớm, “ai kêu chi làm nấy”, mỗi tháng kiếm vài trăm nghìn nuôi con, trả tiền trọ. Giờ có chỗ nương thân yên ổn, chị mừng rơi nước mắt.
Những đứa “con rơi” - niềm kiêu hãnh của người mẹ đơn thân trong phố này.
Cuộc đời mỗi người phụ nữ dưới những mái nhà mới ở đây là những câu chuyện kể đầy nỗi nhọc nhằn. Chuyện nữ không chồng mà có con bây giờ không phải là hiếm. Nhưng những năm về trước, đối với một số vùng quê lại là điều làm ô nhục và không được gia đình chấp nhận, đành phải bỏ xứ ra đi, lầm lũi nuôi con một mình.
Chị N.T.K.A (1966), tức tưởi nhớ lại những ngày tháng cơ cực một mình nuôi con vô cùng vất vả: “Không làm gì được để kiếm sống nên tôi phải bồng con đi xin ăn. Mẹ con ngủ bờ, ngủ bụi. Nhiều đêm con bé bị muỗi chích đỏ cả người, có hôm gặp phải trận mưa, cả mẹ lẫn con lạnh buốt người. Nghĩ lại vẫn còn thấy sợ”.
Còn chị N.T.H chấp nhận làm vợ lẽ của người khác dù biết người đó đã có vợ. Để rồi khi người chồng “hờ” về với gia đình của mình, chị ngậm ngùi nuôi các con khôn lớn, trải qua biết bao cay đắng trong sự dèm pha của thiên hạ.
Những đứa trẻ ấy ở xóm này phần nào như hiểu được nỗi bất hạnh của mẹ mình nên rất ít hỏi đến cha. Bởi, chúng sợ sẽ làm mẹ buồn và cứ thế ký ức về người cha trong chúng rất mơ hồ, mong manh và không định hình.
Sinh ra và lớn lên không được hạnh phúc như bao người khác, những đứa con ngoài giá thú luôn chịu nhiều thiệt thòi. Từ nhỏ, chúng đã gắn liền với cái “mác” không cha. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, những đứa con luôn là niềm tự hào và chỗ dựa lớn cho những người phụ nữ bất hạnh.
Lớn lên trong vòng tay yêu thương của người mẹ, T.V.T (SN 1982) phần nào thấu hiểu được nỗi khổ tâm của mẹ khi lặng lẽ một mình nuôi con. Một lần vô tình hỏi về cha, thì mẹ anh lặng lẽ quay đi rồi rơi những giọt nước mắt buồn tủi. Từ đó, anh không bao giờ nhắc đến cha nữa, dù rất muốn biết cha là ai.
Khi T.V.T lên lớp 7, thấy mẹ chạy khắp nơi vay mượn tiền để lo cho cậu và đứa em gái khác cha đi học. Không chịu được cảnh thiếu trước hụt sau, cậu xin mẹ nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ mẹ gánh vác gia đình. Lúc đó do còn quá nhỏ không ai nhận cậu vào làm, năn nỉ lắm chủ thầu công trình xây dựng mới cảm thông với hoàn cảnh và cho vào làm những chuyện vặt cùng với anh, chị phụ hồ.
Tuổi thơ của T. hầu như không có vui chơi mà chỉ là lao động. Người mẹ dù rất thương con nhưng thấy con trưởng thành cũng yên tâm và mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều chia sẻ với con.
Từ ngày mẹ bị bệnh khớp không thể gánh hàng rong đi dạo bán, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đổ lên đôi vai T. Ở tuổi thiếu niên, nhiều bạn bè vui chơi, cắp sách đến trường thì cậu sáng đi làm đến tối mịt mới về. Công việc nặng nhọc nhiều khi anh muốn nghỉ vài ngày để lấy lại sức khỏe nhưng sợ cuối tháng nhận ít tiền không đủ chi tiêu gia đình nên anh ráng gồng mình. T. muốn bù đắp những thiếu hụt cho mẹ mà người cha mình đã hững hờ bỏ rơi.
Trong khu “phố không chồng” có hàng chục đứa trẻ trong độ tuổi đến trường. Tất cả đều được cắp sách tới trường như bao đứa trẻ bình thường khác. “Khi bắt đầu vào năm học mới, chúng tôi sẽ cắt cử từng người luân phiên nhau đưa các bé đi học tập trung. Làm như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian cũng như không làm ảnh hưởng đến công việc mỗi người”, chị H. cho biết.
“Những đứa trẻ hầu hết đều lấy họ mẹ, trong giấy khai sinh ô về bố để trống. “Khi lớn lên, chúng sẽ dần hiểu được hoàn cảnh của gia đình mình. Các cháu sẽ không cảm thấy mặc cảm hay tự ti về bản thân mà vươn lên hòa nhập với cuộc sống cộng đồng”, chị H. tự hào.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, phó Chủ tịch phường Hòa Minh (Liên Chiểu, Đà Nẵng), chị em phụ nữ và những đứa trẻ không cha ở “phố không chồng” được chính quyền hết sức quan tâm, tạo điều kiện cho chị em làm ăn, các cháu được học hành tử tế.
Khu “phố không chồng” này quy tụ những chị em có cùng cảnh ngộ nên rất dễ đồng cảm. Sự yêu thương, che chở và đùm bọc luôn hiện hữu giữa cuộc sống đời thường. Các chị sống nương tựa vào nhau, tình cảm như chị em ruột thịt.
"Khi những đứa con lớn lên, chúng sẽ lấy đó làm gương, sống như các mẹ chứ đừng làm như các mẹ”, đó là tâm niệm của 144 phận đàn bà ở khu “phố không chồng” này dành riêng cho những đứa con của họ, những niềm hy vọng mà họ phải muối mặt đi xin, phải bịt tai trước lời đàm tiếu để nuôi chúng “nên người”.