Khi xu hướng dịch chuyển từ mua bán trực tiếp sang online ngày càng gia tăng thì ngành học thương mại điện tử cũng được nhiều học sinh và các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm khi chọn ngành, chọn trường.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) chỉ ra rằng dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Cụ thể, người tiêu dùng sử dụng các nền tảng trực tuyến làm trung gian, tiến hành mua sắm trực tuyến nhiều hơn khi dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng. Không thể phủ nhận được tốc độ phát triển vượt bậc của các công ty thương mại điện tử, các sàn giao dịch online trong nhiều năm trở lại đây tại Việt Nam, dù ngành nghề này xuất hiện khá trễ so với các nước trong khu vực.
Mua sắm trực tuyến đang trở thành xu hướng tiêu dùng của tương lai.
Báo cáo đầu năm 2021, các trang thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada… đạt mức tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Số lượng người dùng tăng liên tục trong các năm trở lại đây bất chấp đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề tới nền kinh tế. Các “ông lớn” ngành này đã và đang là phương thức kinh doanh của các doanh nghiệp từ tài chính, ngân hàng, vận tải, hàng không, du lịch, sản xuất công nghiệp, sản xuất tiêu dùng… tạo ra hàng chục nghìn công việc mới cho nhà bán hàng, công ty vận chuyển, công ty quảng cáo…
Sự phát triển của ngành thương mại điện tử đã kéo theo nhu cầu tăng cao về mặt nhân lực hoạt động trong ngành nghề này. Tại thời điểm này, những người hoạt động trong ngành thương mại điện tử không chỉ có thu nhập tốt, môi trường làm việc đầy tiềm năng mà còn có nhiều cơ hội học hỏi và phát triển với nghề hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, nhiều trường đại học đã “bắt kịp xu thế”, mở ra nhiều khối ngành đào tạo nguồn nhân lực hoạt động chuyên nghiệp trong ngành thương mại điện tử.
Ngành thương mại điện tử giúp việc tiêu dùng trở nên dễ dàng hơn.
Cụ thể, đây là nhóm ngành học thuộc khối ngành kinh tế, đó là các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trên các nền tảng ứng dụng số trong quy trình kinh doanh trực tuyến.
Sinh viên theo học ngành thương mại điện tử sẽ được cung cấp các kiến thức về quản trị doanh nghiệp để tổ chức, điều hành và quản trị doanh nghiệp để tổ chức, điều hành doanh nghiệp kinh doanh trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện, internet, mạng viễn thông… Từ đó giúp sinh viên phát triển tư duy sáng tạo, định hướng kinh doanh online, xây dựng ý tưởng khởi nghiệp trong thời điểm chuyển đổi số nền kinh tế số.
Sau khi ra trường, các sinh viên được đào tạo chuyên nghiệp nhóm ngành thương mại điện tử có thể hoạt động với nhiều vai trò như: Chuyên gia chuyển đổi số, chuyên viên Digital Marketing, chuyên viên quản trị, xây dựng các hệ thống giao dịch thương mại, kinh doanh online tại doanh nghiệp, chuyên viên lập dự án, hoạch định chính sách phát triển kinh tế số, tư vấn viên cho các công ty tư vấn, đề xuất giải pháp, xây dựng và bảo trì các dự án công nghệ thông tin liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển đổi số, cán bộ nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin ở các viện, trung tâm, cơ quan nghiên cứu của các Bộ, Ngành…
Cơ hội việc làm của ngành thương mại điện tử là không hề nhỏ.
Không chỉ có cơ hội việc làm rộng mở tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, logistic… mà sinh viên các ngành nghề thương mại điện tử còn có mức lương “trong mơ” so với các khối ngành kinh tế khác. Đối với sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm sẽ có mức lương dao động từ 8 – 10 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, tùy vào năng lực, vị trí và kinh nghiệm làm việc sẽ có mức lương cao hơn, dao động từ 10 – 25 triệu đồng/tháng. Các chuyên viên quản trị, xây dựng các hệ thống giao dịch thương mại, kinh doanh trực tuyến tại các công ty, doanh nghiệp có thể đạt mức lương hơn 25 triệu đồng/tháng và thậm chí có thể khởi nghiệp với chính những kỹ năng được trau dồi trong quá trình học.
Sinh viên ngành thương mại điện tử còn có thể khởi nghiệp.
Do là nhóm ngành nghề cực hot, được nhiều phụ huynh và học sinh cân nhắc khi chọn ngành, chọn trường nên hiện tại, nhiều cơ sở đào tạo bậc cử nhân trong nước đã có khối ngành thương mại điện tử trong các kỳ xét tuyển. Điển hình có thể kể đến như Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Công nghệ TP. HCM, Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. HCM, Đại học Thương Mại… Điểm chuẩn của ngành thương mại điện tử nói chung khá cao so với các khối ngành khác, năm 2021, Đại học Kinh tế Quốc dân xét tuyển ngành này các khối A00, A01, D01, D07 với mức điểm chuẩn cao nhất lên đến 28,1 điểm.
Năm 2021, ngành thương mại điện tử có điểm chuẩn cao.
Muốn theo đuổi ngành thương mại điện tử, sinh viên cần có sự đam mê, yêu thích các hoạt động kinh doanh trực tuyến, thường xuyên cập nhật những những xu hướng mới nhất trong ngành thương mại điện tử như: Nền tảng công nghệ, công cụ, kỹ thuật, phần mềm, quy trình… Sinh viên cũng thường xuyên làm việc với các con số nên cần có tính kiên nhẫn, cẩn thận. Ngành thương mại điện tử cũng đòi hỏi kỹ năng làm việc nhóm do phải làm việc với nhiều người có chuyên môn khác nhau như lập trình, nguồn hàng, logistics, bán hàng, kế toán…