Từ anh nông dân nghèo, chưa đọc thông viết thạo mà nhờ nghề nuôi con vật “sáng bay đi, tối lại bay về”, anh nông dân 8X đã có thu nhập hàng trăm triệu.
Cuối năm 2003, anh Phan Văn Miền (xóm 4, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, Ninh Bình) trong một lần đi câu cá đã bắt được một cặp vịt trời. Tò mò anh mang đôi vịt trở về nhà, nhưng không làm thịt mà dành thời gian để quan sát tập tính của loài gia cầm được mệnh danh là “sáng bay đi, tối lại bay về” này. Ban đầu, anh thấy đôi vịt sợ sệt, đập cánh bay rầm rập nhưng vài ngày sau đã quen dần. Mỗi lần anh Miền mang thóc lúa đến gần chuồng, đôi vịt trời líu ríu chạy lại gần.
Sau khoảng 2 tháng, anh Miền thả đôi vịt về với tự nhiên, không còn nhốt trong chuồng chật hẹp. Lúc đầu, cặp vịt trời bay đi mất nhưng chiều đến, chúng bất ngờ lại bay về đậu ở máng đồ ăn anh Miền hay cho chúng ăn. Anh mừng thầm, không chỉ tìm được cách thuần hóa cặp vịt trời, trong đầu anh còn nảy ra ý định về một mô hình chăn nuôi loài gia cầm có tập tính vô cùng kỳ lạ này.
Vịt trời là loài gia cầm có tập tính kỳ lạ: Sáng bay đi, tối bay về.
Lúc bấy giờ, thị trường có bán thịt vịt trời và trứng vịt trời nhưng chỉ với một số lượng rất ít và được mệnh danh là đặc sản hoàn toàn tự nhiên của đất Hải Hà, Tam Điệp (Ninh Bình). Sau khi tìm hiểu rõ nhu cầu đầu ra, anh Miền quyết định đầu tư chuồng trại và mở rộng quy mô chăn nuôi. Sau nhiều năm nghiên cứu, tự tìm tòi và phát triển các kỹ thuật chăn nuôi, từ một đôi vịt trời, giờ đây anh Miền đã là chủ của một trang trại chăn nuôi có diện tích hơn 3ha.
Để đưa giống vịt trời có nhiều tập tính hoang dã vào mô hình nuôi bán chăn thả, anh thiết kế các chuồng nuôi ngay gần ao nước để vịt tắm, ăn và vào đẻ thuận lợi. Chuồng nuôi cao ráo, nền láng bê tông dễ vệ sinh. Quanh chuồng che chắn cẩn thận vào mùa đông, mùa hè thoáng mát dưới bóng cây. Trong chuồng, anh lót trấu dày trộn chế phẩm vi sinh khử mùi, đồng thời tận dụng được phân vịt làm phân bón cho vườn cây ăn quả quanh trang trại. Mỗi ao nuôi, vịt được quây khu riêng đủ rộng để bơi lội, tắm mát, phía trên căng lưới mắt cáo để vịt không bay xa.
Mô hình chuồng trại nuôi vịt trời.
“Đầu tiên mình phải chú ý tới việc chọn giống, nếu chọn được giống tốt thì chất lượng nuôi vịt sẽ cao và vịt sẽ có thịt ngon, đúng “chất. Theo đó, nên chọn vịt trời có các đặc điểm như: Rốn khô, lông mượt. Ngoài ra vịt có chân và mỏ đều đặn, bước đi nhanh nhẹn”, anh Miền chia sẻ. Đặc biệt, cần xử lý môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh đảm bảo sức khỏe đàn thủy cầm và tiêm vắc xin định kỳ. Ngoài ra còn phải đầu tư được hệ thống máy ấp nở trứng để cung cấp con giống.
Vịt trời ăn ít hơn các giống vịt nhà thông thường, chúng chủ yếu là ăn cám, lúa và rau xanh như bèo, lục bình, hoặc các loại rau như bắp cải, su hào, rau muống… Ngoài ra, vào các tháng sau mùa gặt, gia đình anh Miền bắt đầu thả toàn bộ đàn vịt trời ra đồng. Lúc này, anh hạn chế cho vịt ăn mà để chúng tự kiếm thức ăn tự nhiên để vịt phát triển khỏe mạnh, tăng vận động để thịt săn chắc, thơm ngon.
Thịt vịt trời thơm ngon hơn các loại gia cầm khác.
Vịt trời thương phẩm đạt trọng lượng 1,2-1,5kg, chỉ khoảng 3-4 tháng kể từ khi ấp và nở thành vịt con là có thể bán ra thị trường. Ngoài các thương lái nhỏ lẻ, hộ tiêu dùng, nhà hàng tìm đến mua tận trang trại, anh Miền còn cung ứng trứng vịt cho nhiều khách hàng miền Nam, Tây Nguyên. “Không chỉ chào mời thực tế, tôi còn đăng bán trên mạng xã hội. Nhờ chất lượng tốt, khách hàng giới thiệu nhau, đến nay khắp các tỉnh thành đều có khách hàng đặt mua vịt nhà tôi”, anh Miền hào hứng chia sẻ.
Trung bình mỗi tháng anh bán ra thị trường khoảng hơn 1.000 con vịt thịt, gửi đi khách hàng trên khắp các tỉnh/thành trên cả nước. Giá bán mỗi con dao động khoảng 200.000 – 220.000 đồng, mức thu nhập lên đến cả trăm triệu mỗi tháng. Giá vịt cũng lên xuống tùy theo giá thực phẩm trên thị trường, không phải năm nào cũng giống nhau nhưng đa phần ổn định hơn so với các mặt hàng nông sản khác. Trung bình, mỗi năm anh Miền thu về hơn 1 tỷ đồng, không chỉ mở rộng quy mô trang trại mà anh còn xây dựng được nhà mới khang trang, sắm được ô tô để đi lại.
Cũng theo đuổi mô hình chăn nuôi vịt trời, anh Trần Đình Hướng ở Bình Lục (Hà Nam) từ đầu tháng 9 đến nay thường xuyên lên trang trại của anh Miền để học hỏi kinh nghiệm. Anh Hướng cho biết, tại quê nhà, anh thầu cả một cánh đồng chỉ để thả loại vịt này chứ chưa có hệ thống chuồng trại cụ thể. Mỗi lứa, anh nuôi với số lượng lớn từ 3.000-5.000 con. Ngoài ra, anh còn đi gom vịt trời của những hộ nuôi trong khu vực để bán cho khách khi đến lứa.
Tiết canh, vịt trời hấp… là những món ăn ngon nổi tiếng từ loại gia cầm này.
Đến nay, do nhu cầu của khách hàng tăng cao, nhà anh thường xuất buôn chợ đầu mối các tỉnh. Họ thường đánh xe ô tô về bắt, số lượng ít nhất hàng trăm con. Vì vậy anh Hướng muốn mở rộng quy mô và hoàn thiện kỹ thuật chăm sóc bầy vịt trời nên lặn lội xuống tận Ninh Bình để “tầm sư học đạo”.
"Do bản chất vịt trời là loại gia cầm tự nhiên, lại thả đồng hoặc giữa đầm mênh mông, chúng chỉ ăn thóc lúa, ốc, côn trùng nên thịt thơm ngon, ngọt và chắc hơn hẳn vịt thường. Ăn vịt trời tương đối đắt, nhưng so với thịt lợn, gà, vịt thường, thì thịt vịt trời thơm ngon hơn nhiều. Thường thì khách ăn một lần muốn ăn tiếp lần sau", anh Hướng nói. Hơn nữa, ngày càng nhiều người sành ăn biết đến loại thịt vịt trời đặc sản tự nhiên này nên gần như “cung không đủ cầu”, nhận thấy có tiềm năng phát triển, anh Hướng quyết tâm phải mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi loại gia cầm này.