Dù mức lương hậu hĩnh nhưng để làm được công việc không hề đơn giản, phải ngồi một tư thế suốt 5-6 tiếng đồng hồ, vừa đau lưng, vừa mỏi mắt, đòi hỏi phải nhanh tay nhanh mắt.
Người chăn nuôi gia cầm cần biết giới tính những con gà mới nở để chăm sóc theo chế độ khác nhau. Chính vì vậy, công việc phân loại giới tính gà là một khâu hết sức quan trọng trong quá trình chăn nuôi, dù được trả lương cao nhưng vẫn luôn “khát” người làm.
Đây là nghề lạ, ít người biết tới, có thu nhập cao nhưng luôn thiếu người làm
Tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng mà việc phân biệt giới tính của gà, vịt (các loại gia cầm) là vô cùng quan trọng vì giúp kiểm soát và xuất bán chính xác với mục đích của từng khách hàng. Cụ thể, nếu khách hàng mua gà chuyên lấy trứng thì phải lựa chọn những con gà mái, loại bớt gà trống. Trái lại, nơi nào chuyên nuôi gà lấy thịt thì khách hàng ưu tiên chọn mua những con gà trống. Nghề xác định giới tính gà bằng cách soi “tĩ” gà xuất phát từ nhu cầu này của khách hàng mà ra.
Có nhiều phương pháp để xác định giới tính gà như thông qua lông cánh, thông qua màu lông trên lưng gà, xác định giới tính qua lỗ huyệt… Trong đó, phương pháp cho kết quả chính xác nhất và được nhiều nước áp dụng là xác định giới tính gà qua lỗ huyệt (soi tĩ gà). Phương pháp này được sáng tạo vào năm 1933 bởi người Nhật Bản, phát minh làm chấn động ngành công nghiệp gia cầm ở Nhật và đưa xứ sở này thành quốc gia hàng đầu về chăn nuôi.
Để làm nghề này, cần nhất là nhanh tay nhanh mắt để nhìn lỗ huyệt, phân biệt con trống hay con mái
Không chỉ là một nghề nghiệp “độc lạ”, nghề soi “tĩ” gà còn có mức lương rất khủng vì đòi hỏi nhiều yếu tố nghề nghiệp. Ở nước Anh, mỗi năm, người lao động làm nghề này được nhận mức lương trung bình khoảng 40.000 Bảng Anh, tương đương 1,3 tỷ đồng. Tại Hàn Quốc, công việc soi giới tính gà con cũng cho thu nhập khá, với mức gần 70 triệu KRW/năm (hơn 1,3 tỷ đồng). Trong khi đó, ở Mỹ công việc này cũng luôn cần người làm. Mỗi người làm nghề làm sẽ được trả lên đến ,000/năm (khoảng gần 800 triệu/ năm) để soi giới tính gà hàng ngày, càng làm nhiều thì mức lương càng tăng.
Quy trình phân loại thực tế rất đơn giản, người thợ tay trái nhặt từng con rồi bóp nhẹ bụng để vắt phân dư vào chiếc lọ nhựa, tay phải ấn nhẹ vào hậu môn con gà để lỗ huyệt lòi ra, đôi mắt tập trung hết cỡ để xác định rõ con trống hay con mái… Nếu là gà trống thì hậu môn con gà đó sẽ có 1 nốt nhỏ như cây kim lòi ra, còn con mái thì sẽ phẳng lì, không có. Những người làm nghề này có thể phân loại trung bình 10.000 gà con mỗi ngày. Trong 1 tiếng đồng hồ phải phân loại được trên 700 con gà nên yêu cầu rất cao về thể lực và khả năng tập trung vì phải phân biệt một gà trống hay gà mái trong khoảng thời gian siêu ngắn – chỉ từ 3 đến 5 giây với xác suất chính xác trên 98%.
Chưa kể, môi trường làm việc cũng rất khắc nghiệt: Phải làm việc dưới ánh đèn vàng ấm nóng (để giữ nhiệt độ cho gà con), có tiếng máy chạy ù ù, tiếng gà con kêu chiếp chiếp liên thanh cùng mùi hôi hôi, nồng nồng đặc trưng của gà con. Chưa kể người công nhân phải ngồi liên tục hàng tiếng đồng hồ, mắt cũng phải chịu áp lực rất lớn.
Những công nhân soi lỗ huyệt gà cho biết phải ngồi một tư thế suốt 5-6 tiếng đồng hồ, vừa đau lưng, vừa mỏi mắt
“Nghề này vất vả lắm, phải ngồi một tư thế suốt 5-6 tiếng đồng hồ, vừa đau lưng, vừa mỏi mắt. Lò ấp lúc nào cũng có nhiệt độ cao, rồi bụi bặm từ lông gà, mùi hôi từ phân gà, đặc biệt yêu cầu phải thật tinh mắt và nhanh tay nên nhiều người không trụ được với nghề”, chị Nguyễn Thị Thu Huyền - một công nhân trong nghề chia sẻ.
Để làm được công việc đặc biệt này đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Điều bắt buộc là người công nhân lành nghề phải có thị lực siêu tốt để xác định chính xác phần nhô lên ở hậu môn gà con với kích cỡ nhỏ xíu, cỡ nửa hạt gạo. Ngoài ra ở một số quốc gia, để “hành nghề” thì công nhân phải hoàn thành chương trình đào tạo tại một tổ chức giáo dục tư nhân hoặc phòng nghiên cứu giống gà trong khoảng 1 năm. Tại Việt Nam, mức học phí cho khóa học này từ 30-60 triệu đồng/khóa kéo dài từ 3-6 tháng là không hề rẻ. Ngoài tiền học phí, học viên phải tự bỏ tiền ra mua gà con về để chọn và luyện tập.
Hiện tại ở Việt Nam, mặc dù đã xuất hiện nghề này nhưng còn ít người biết đến, đặc biệt cũng vì hiếm người có đủ khả năng để chọn được gà bằng phương pháp nhìn qua lỗ huyệt. Do đó, mặc cho nhu cầu cao, mức thu nhập rất hậu hĩnh, nhưng ngành nghề này vẫn đang thiếu “nhân sự” trầm trọng do chi phí học cao, mức độ khó khăn của công việc và áp lực từ các yếu tố môi trường.
Tìm đến trang trại của chị Huỳnh Thị Thùy Dung, (xã Đức Giang (huyện Hoài Đức, Hà Nội, nằm cách xa khu dân cư tầm 500 mét về phía cánh đồng), chị cho biết: “Chỉ mất khoảng 1 tiếng là chị đã phân loại xong 1200 con, mỗi buổi làm được 4000 con, thu nhập được từ 60-100 triệu đồng/tháng. Dù nghề phân biệt giới tính của gà qua lỗ huyệt mang lại nguồn thu nhập cao nhưng rất ít người gắn bó với nghề này. Cả làng chỉ có khoảng vài ba người theo được nghề vì không phải ai cũng có khả năng “nhìn” được giới tính của gà, thậm chí bóp gà sai cách còn làm chết gà”.