Dù bị tật nguyền bẩm sinh nhưng Nay Djruêng vẫn quyết tâm thu phục con chữ, rồi trở thành sinh viên. Cậu còn thành lập một Quỹ học bổng giúp các em khó khăn trên con đường chinh phục nghiệp bút nghiêng.
Tại trường Cao đẳng Công nghệ thông tin (Đại học Đà Nẵng), mọi người vẫn thường thán phục mỗi khi nhắc về Nay Djruêng. Cậu là con thứ 5 trong gia đình có 7 người con. Thông thường, một đứa trẻ ra đời là niềm vui của gia đình, nhưng ngày cậu được sinh ra là một nỗi đau lớn. Bởi, đứa trẻ ấy bị cụt tay, cụt chân.
Ngày ấy, Gia Lai vẫn còn rất nhiều hủ tục. Người dân tại quê Nay Djruêng cho rằng, đứa trẻ không tay không chân là hiện thân của con ma. Do đó, họ yêu cầu phải vứt bỏ đứa trẻ để khỏi mang lại xui xẻo cho cả làng.
Nay Djruêng "tàn nhưng không phế"
Mặc dù buồn bã vì con không được nguyên vẹn như bao đứa trẻ khác nhưng khi hay tin yêu cầu của dân làng thì ba mẹ Nay Djruêng nhất định không làm theo. Ông bà quyết định bảo vệ đứa con mới sinh.
Vì thế, thuở còn thơ, Nay Djruêng luôn chịu sự dè bỉu, dò xét của mọi người. Tuy nhiên, theo thời gian, các hủ tục dần được “khai hóa”, cậu cũng được mọi người nhìn nhận là một người bình thường.
Bạn bè đồng trang lứa lần lượt đến trường, riêng Nay Djruêng vẫn chỉ quẩn quanh trong nhà. Cậu xin cha mẹ cho mình được đến trường. Ông bà lo lắng, luôn hoài nghi về sự thích nghi của con trai. Vả lại, người bình thường học cái chữ còn khó, huống gì là một đứa trẻ thiếu tay, thiếu chân. Ông bà dùng hết lời khuyên nhủ con trai.
Nay Djruêng không đồng tình với ý kiến của cha mẹ. Cậu cho rằng, mình chỉ thiếu tay, thiếu chân còn mọi thứ bình thường nên có thể học con chữ. Trước sự ham học của con, ông bà đành chiều lòng.
Học chữ là cả một hành trình lớn đối với Nay Djruêng. Cậu cố gắng lắm mới có thể khiến cây bút, viên phấn đứng im trên đôi cánh tay tật nguyền. Nhưng, việc khó nhất là nắn từng nét bút theo ý của mình.
Cậu nhất định không chịu thua, cứ miệt mài tập viết. Lắm khi, cơn đau xâm chiếm vào từng mớ thịt, lưng mỏi nhừ… nhưng cậu vẫn tự dặn lòng: “Không gì là không thể. Cố gắng là có thể hoàn thành được mọi tâm nguyện”. Cứ thế, từng dòng chữ đều tắp được viết lên trang giấy trước sự bất ngờ của thầy cô, bạn bè, người thân.
Những năm cuối cấp 2, sức khỏe Nay Djruêng yếu dần, không thể tiếp tục công việc học tập nên phải ở nhà. Ngày ấy, cậu từng nghĩ, mình chấm dứt nghiệp bút nghiêng từ đây.
Mùa hè năm đó, đoàn khuyết tật của trung tâm Bảo trợ xã hội tại TP Hà Nội đến biểu diễn tại trường. Sau khi chấm dứt buổi biểu diễn, đoàn đề nghị Nay Djruêng ra thủ đô tham dự cùng mình. Một lần nữa, người thân lo lắng, không đồng tình. Cậu nhỏ nhẹ thuyết phục cha mẹ và được đồng ý.
Hơn 1 tháng hoạt động với đoàn khuyết tật như tiếp sức mạnh cho Nay Djruêng. Cậu trở nên vui vẻ, hoạt bát, cười nói nhiều hơn. Đó là những tháng ngày quan trọng và là kỷ niệm khó quên của cậu.
Về Gia Lai, Nay Djruêng quyết định trở lại trường. Sau đó, cậu luôn là một trong những học sinh đạt thành tích khá giỏi của trường.
Tốt nghiệp phổ thông, Nay Djruêng quyết định nộp đơn và thi đậu vào trường Cao đẳng Công nghệ thông tin. Sinh hoạt trong môi trường mới, cậu vừa dành thời gian cho bài vở, vừa dành thời gian cho các hoạt động xã hội. Trong nhiều năm liền, cậu luôn là một trong những sinh viên năng nổ hoạt động đoàn.
Hiểu hoàn cảnh những đứa trẻ nghèo khó ở quê nhà, Nay Djruêng quyết định thành lập Qũy hỗ trợ tiếp sức đến trường. Cậu chính là người tìm đến, kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ cho quỹ. Mỗi năm, cậu trao trên dưới 10 học bổng cho các em học sinh tại Gia Lai.
Nay Djruêng vẫn bước tiếp cuộc sống của mình
Mặc dù số học bổng lẫn giá trị học bổng không cao nhưng cũng là một sự cố gắng đáng ghi nhận của cậu sinh viên tật nguyền này. Cậu hy vọng, trong tương lai, Qũy hỗ trợ tiếp sức đến trường ngày càng lớn mạnh, lan tỏa, có thể giúp sức được nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Không chỉ giỏi trong học tập, hoạt bát trong hoạt động đoàn, năng nổ trong hoạt động từ thiện mà Nay Djruêng còn có năng khiếu về âm nhạc. Cậu từng giành giải thưởng tại Tiếng hát quần chúng huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), giải nhất cuộc thi It got talent diễn ra tại trường, giải phụ cuộc thi Tuyên truyền ca khúc cách mạng…
Nay Djruêng là tấm gương sáng đáng để mọi người noi theo. Hy vọng, trong tương lai, cậu vẫn giữ được sức khỏe để tiếp tục viết tiếp ước mơ của mình.