Bộ GD&ĐT khẳng định việc ban hành quy chế này đã được Bộ GD&ĐT tham khảo nhiều văn bản liên quan, thảo luận, bàn bạc kỹ.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Quy chế công tác sinh viên đại học chính quy thay thế cho quy định từ năm 2007, trong đó đưa ra 10 hành vi sinh viên không được làm.Một trong những hành vi đó là không được đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Internet.
Tùy theo mức độ vi phạm, sinh viên sẽ bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Nếu nghiêm trọng, sinh viên được giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Những mức phạt này còn áp dụng cho sinh viên có hành động quấy rối, dâm ô, xâm phạm nhân phẩm, đời tư của người khác.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về quy chế kể trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay sinh viên là đối tượng rất nhạy cảm, trong khi đó vấn đề thông tin trên mạng cũng rất được quan tâm, việc ban hành quy chế này đã được Bộ GD&ĐT tham khảo nhiều văn bản liên quan, thảo luận, bàn bạc kỹ.
“Việc khai thác thông tin trên mạng là quyền của sinh viên nhưng không nên đăng tải, chia sẻ những thông tin mang tính chất dung tục không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của mình như những thông tin xuyên tạc bịa đặt… nhằm tạo môi trường lành mạnh” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.
Được hỏi về cách thức giám sát, phát hiện các hành vi sai phạm của sinh viên, cũng như định nghĩa thế nào là dung tục, phản cảm, bà Nghĩa thừa nhận việc quản lý đang gặp rất khó khăn vì vậy cần phát huy vai trò của các trường. Hiện tại một số trường đã có thể theo dõi sinh viên thông qua các tài khoản. Cũng như vậy, bà Nghĩa cho rằng đánh giá thế nào là dung tục, phản cảm cũng giao cho Sở GD&ĐT xem xét trong từng trường hợp cụ thể.
“Sau khi quy chế ban hành, chúng tôi tiếp tục theo dõi phản hồi của sinh viên, mong muốn đưa sinh viên vào nề nếp, không đưa thông tin độc hại, hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, dù làm gì thì làm cũng phải giữ được nét văn hóa, chúng tôi hướng sinh viên theo hướng đó” - bà Nghĩa khẳng định.