Đó là trường hợp một bệnh nhân ở Cầu Giấy - Hà Nội đang được điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương vì bệnh hoang tưởng do nghiện cần sa.
Có mặt tại Trung tâm điều trị Cai nghiện, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, gặp những bệnh nhân bị nghiện các chất kích thích đang phải vật vã vì lên cơn nghiện, nhiều người chứng kiến phải lắc đầu ngao ngán vì nhiều trường hợp dù chưa đến 20 tuổi nhưng đã có thâm niên 3-4 năm nghiện các loại thuốc kích thích, ma túy.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Mạnh Hùng (19 tuổi, ở Cầu Giấy – Hà Nội) đang điều trị cắt cơn và cai nghiện tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Dù đã được điều trị được một thời gian, đáp ứng điều trị tốt, nhưng nhìn qua khuôn mặt hốc hác của Hùng, ai cũng có thể nhận ra, trường hợp này đã bị nghiện từ rất lâu.
Ths.BS Nguyễn Văn Thủy-Phó giám đốc Trung tâm Cai nghiện (Bệnh viện Châm cứu Trung ương).
BS Nguyễn Văn Thủy – Phó giám đốc Trung tâm Cai nghiện (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) cho biết, đây là một bệnh nhân mới 19 tuổi, nhưng có tiền sử bị nghiện cần sa nhiều năm. Mỗi ngày, bệnh nhân này hút đến 2-3 lần, khai thác bệnh sử thì được biết, bệnh nhân lúc đầu học đòi theo các bạn hút cần sa và nghĩ rằng, cần sa không nghiện.
Tuy nhiên, sau một thời gian hút loại thuốc này, nam sinh viên 19 tuổi đã phụ thuộc vào cần sa và không thể sống thiếu nó. “Khi vào viện, bệnh nhân ở trong trạng thái không ăn được, ngủ kém, có biểu hiện hoang tưởng khi cho rằng có người muốn giết mình”, BS Thủy chia sẻ.
BS Thủy cho biết, sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân đã bị dương tính với cần sa, phổ điện não kém ổn định và điều hòa não bị tổn thương. “Khi có kết quả xét nghiệm, chúng tôi đã cho bệnh nhân nhập viện điều trị bằng phương pháp điện châm, thủy châm, tâm lý trị liệu…
Đối với trường hợp này, nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ bị mệt mỏi dần, suy nhược cơ thể, dẫn đến ảo giác và luôn ở trong tư thế phòng thân, chống đối với người xung quanh”, BS Thủy cảnh báo.
Hút cần sa vô cùng nguy hại cho sức khỏe. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Theo BS Thủy, trường hợp trên sau khi điều trị tại Trung tâm Cai nghiện của bệnh viện 10 ngày thì tình trạng ổn định và chuẩn bị cho ra viện. Tuy nhiên, điều bác sĩ lo ngại là việc khi bệnh nhân về cộng đồng khả năng tái nghiện là rất cao.
“Đối với những trường hợp đã cắt cơn và cai nghiện tạm gọi là thành công ở trong viện, nhưng khi về với gia đình, cộng đồng nếu không có ý chí, không được sự động viên, giúp đỡ từ phía gia đình thì nguy cơ tái nghiện rất cao”, BS Thủy cho hay.
Để tránh việc nghiện các chất ma túy trong giới trẻ nói chung và cộng đồng nói riêng, BS Thủy khuyến cáo, không nên thử bất kỳ một loại thuốc hay chất gây nghiện nào, ngay cả cần sa cũng vậy, đừng bao giờ nghĩ là hút thì sẽ không nghiện.
“Ngoài vấn đề trên, mọi người cần phải đặc biệt lưu ý, những trường hợp đã nghiện chất ma túy khi có biểu hiện ban đầu cần phải được đưa đến bệnh viện để điều trị ngay, để đến khi có dấu hiệu ảo thanh, hoang tưởng thì rất khó khăn trong quá trình điều trị”, BS Thủy cho hay.