Đứa con gái chào đời bị câm điếc bẩm sinh khiến hai vợ chồng choáng váng như trời đất sụp đổ trước mắt. Vì tình thương con vô bờ bến, người cha ấy hơn 17 năm qua ân cần bên con, đưa đến trường rồi cùng học chữ để mong con có một tương lai tươi sáng.
Đó là câu chuyện cảm động về em Trần Lê Khả Ái (17 tuổi) – học sinh duy nhất ở TP. HCM mặc dù bị câm điếc bẩm sinh nhưng không phải học ngôn ngữ kí hiệu trong môi chuyên biệt; còn người cha đã cùng con viết nên câu chuyện cổ tích là anh Trần Khương (44 tuổi, ngụ quận 12, TP. HCM).
Anh Khương kể, ngày đầu tiên biết vợ mang thai là con gái, anh mừng vui khôn xiết. Anh đã vạch ra cho con tương lai trở thành một diễn viên múa ba-lê trên sân khấu với cái tên Khả Ái dễ thương và xinh đẹp.
“Thế nhưng niềm vui đó chẳng kéo dài được bao lâu, hai năm sau vợ chồng tôi thực sự bàng hoàng, không thể tin vào tai mình khi nghe bác sĩ cho hay đứa con gái bé bỏng của tôi bị khiếm thính. Mỗi vòng đạp xe cứ như nặng dần theo đôi chân về nhà từ bệnh viện Nhi Đồng. Tôi cố gắng ứa nước mắt vào trong lòng. Quá thất vọng khi nhận ra sự thật rằng tất cả ước mơ và tương lai của con mình bị vỡ tan”, anh Khương chua xót nói.
Không chấp nhận sự thật mà ông Trời đã gieo đến gia đình mình, đến con gái bé bỏng mới chào đời, vợ chồng anh Khương chạy vạy đưa Khả Ái đi chữa trị bệnh khắp nơi, mong con có thể như một người bình thường, “Dẫu biết rằng đó như việc chơi kéo co với số phận bằng một sợi chỉ mảnh" - theo lời Anh Khương.
Khả Ái mặc dù bị câm điếc bẩm sinh nhưng không phải học ngôn ngữ kí hiệu trong môi chuyên biệt nhờ sự giúp đỡ cha hơn 17 năm qua
Hơn 2 năm trôi qua, mỗi ngày vợ chồng anh Khương đều mong mỏi con sẽ nói một chữ “a” thôi nhưng không được. Vô tình, một lần anh Khương tình cờ đọc được một thông tin về việc can thiệp y học và dạy học cho con bị câm điếc bẩm sinh của Trung tâm khuyết tật TP. HCM.
Sau đó, vợ chồng anh Khương bán tài sản gom góp được 5 cây vàng (thời điểm năm 1999 – PV) đi mua cho Khả Ái chiếc máy trợ thính. Mỗi ngày, anh Khương đạp xe hơn 25km để đưa Khả Ái đến trường học. Ngày đầu tiên, Khả Ái được nghe “âm thanh đầu tiên của cuộc đời” anh Khương mừng rơi nước mắt, đó là ngày anh tin tưởng và hi vọng con mình sẽ được học tập như bao đứa trẻ khác, dù ngày đó còn xa phía trước…
Hành trình đi tìm ngôn ngữ của Khả Ái bắt đầu cũng là lúc anh Khương và vợ mình đối diện với muôn vàng khó khăn. Yêu con, thương con nên ngoài thời gian Khả Ái được dạy dỗ ở trường, anh Khương học các cô cách dạy rồi về cùng vợ chỉ dẫn, kiên nhẫn dạy con.
Thấy thời gian dạy con chiếm khoảng thời gian lớn, lại phải thường xuyên quan tâm nên anh Khương bàn tính để vợ nghỉ việc công nhân ở nhà kèm cặp, dạy con học còn mình dù khó khăn thế nào vẫn chịu đựng, cố gắng bươn chải lo kinh tế gia đình.
“Thú thật, dù có cực thật đấy, mệt thật đấy, nhưng khi nghe con bập bẹ nói những từ đầu tiên dù nghe chẳng nhận ra từ gì, tôi cũng thấy rất vui", anh Khương bày tỏ.
Khi Khả Ái được 5 tuổi, anh Khương gửi con vào trường Mầm Non Bông Hồng quận 12. Thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, từ việc xa gia đình, sinh hoạt cá nhân, ăn uống theo nề nếp nhà trường. Ngày nào anh Khương cũng ra trường gặp các cô trao đổi về vấn đề của Khả Ái vì có thể các cô chưa gặp trường hợp này bao giờ. Sau giờ học, hai vợ chồng anh Khương lại thay nhau trò chuyện với con, dạy con những bài vè, bài đồng dao và chỉnh sửa các phát âm cho con.
"Khi Khả Ái vui thì không nói đến, nhưng khi buồn thì con lại không chịu hợp tác với hai vợ chồng. Không chán nản hay bực tức, hai vợ chồng tìm cách để phát triển khả năng phát âm của con, từ cách kể những câu chuyện cổ tích, cho đễn những trò chơi đoán tên đồ vật. Để con có thể nói được rõ ràng sau này, đối với hai vợ chồng, hàng tiếng đồng hồ ngồi nói chuyện cùng con chẳng hề gì. Không dừng lại ở việc tập nói, tôi cũng cho con làm việc nhà. Nhờ như thế, Khải Ái biết được tên các loài rau, các vật dụng trong nhà, phát triển được cách nói chuyện trong môi trường gia đình cho nên việc học nói tiến bộ rất nhiều”, anh Khương kể.
Quãng đường hơn 17 năm qua không hề dễ để giúp con gái bị câm điếc được học chữ nhưng tình thương con vô bờ bến đã giúp anh Khương thực hiện
Năm 2004, Khả Ái vào lớp 1, anh Khương sợ môi trường học mới con gái sẽ làm quen cách học lại từ đầu nên vô cùng lo lắng. Anh trao đổi với cô giáo chủ nhiệm để cô biết đến trường hợp đặc biệt của con mình mà quan tâm hơn. Khi ở nhà, vợ anh Khương quan tâm con học từ bài chính tả, đến bài tập làm văn từng li từng tí để con tiến bộ, không thiệt thòi với các bạn trong việc học.
Việc học các con chữ chẳng dễ dàng gì, càng khó hơn gấp bội khi Khả Ái học môn Toán. Từ đếm những con số đầu tiên đến các phép tính nhân chia cộng trừ, vợ anh Khương đều phải biến hóa thành những trò chơi để con dễ hiểu, dễ học. Những câu chuyện cổ tích, cả nhà phải cùng đóng vai thành những nhân vật từ đó giúp con hiểu rõ câu chuyện và phát triển khả năng giao tiếp của mình.
Vợ chồng anh Khương quan tâm, kèm cặp con học không ngơi nghỉ cho đến khi Khả Ái vào lớp 10. Ngày Khả Ái thi vào trường THPT công lập cộng cả 3 môn thiếu 1 điểm khiến cả gia đình đều buồn vì em không được hưởng ưu tiên gì.
Sau đó, không để việc học của con bị gián đoạn, anh Khương tìm hiểu rồi cho con nhập học vào trường THPT dân lập Lý Thái Tổ ở quận Gò Vấp. Bằng sự kiên trì quan tâm, dạy dỗ cả trên trường của giáo viên và ở nhà của vợ chồng anh Khương, Khả Ái đã thực sự khẳng định được năng lực của mình khi năm lớp 10, lớp 11 đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, điểm trung bình 3 môn Toán, Lý, Hóa luôn trên 7,5.
Anh Khương tâm sự: “Tôi thiết nghĩ nếu trước kia tôi ngừng hi vọng và buông xuôi như bao gia đình khác thì con tôi sẽ câm điếc, chỉ được học trường chuyên biệt và ngôn ngữ kí hiệu. Nhưng giờ này Khả Ái giao tiếp tốt cũng nhờ một phần nỗ lực không ngừng của con”.
Đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời là kỳ thi tốt nghiệp THPT 2016 sắp tới của con, anh Khương đã tìm đến chính quyền địa phương mong chứng nhận cho Khả Ái bị khuyết tật như bệnh tình hiện tại để được đặc cách tốt nghiệp.
Còn xét tuyển ĐH, Khả Ái vẫn đăng ký thi để chứng tỏ năng lực của mình không thua kém bạn bè. “Em muốn tự mình thi ĐH chứ không muốn người ta cho em đi học mà không cần phải thi”, Khả Ái tự tin nói.
Anh Khương nhắn nhủ đến các bậc cha mẹ: "Dù con mình khiếm khuyết hay bình thường thì điều đó không quan trọng. Mỗi đứa trẻ được hạ sinh trên thế gian đều là một thiên thần, có khiếm khuyết hay chăng là do sơ suất nhỏ nhặt của ông trời mà thôi. Quan trọng nhất là cha mẹ phải luôn sát cánh cùng con. Tạo điều kiện cho con giao tiếp và hội nhập với thế giới xung quanh. Đừng vì những lời dèm pha mà đánh mất tương lai của con mình" |