Là con trai độc tôn trong nhà, Hiếu vẫn phải một buổi đi học, một buổi đi chăn bò. Một lần, em lượm được cục sắt rồi vứt. Không ngờ, đó làm kíp mìn còn sót lại từ thời chiến tranh. Từ đó, em mất đôi bàn tay cùng đôi chân.
Buổi chiều định mệnh
Ngồi trong căn nhà nhỏ, anh Phan Văn Nhì (Khu 5, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) nước mắt ngắn dài khi kể về nỗi đau của đứa con trai là Phan Trọng Hiếu (13 tuổi). Anh sinh được năm người con, trong đó, Hiếu là con út và cũng là cậu con trai duy nhất trong nhà. Vợ chồng làm nông, vất vả từ sáng sớm đến tối mịt nhưng cũng không đủ ba bữa cơm cho cả nhà.
Khó khăn, hai cô con gái đầu phải nghỉ học khi vừa tốt nghiệp trung học phổ thông. Cả hai vào Đà Nẵng làm công nhân. Duyên phận, họ gặp gỡ rồi kết hôn. Đến nay, cả hai người này cũng vất vả. Hiện tại, vợ chồng anh Nhì vẫn tiếp tục làm thuê, làm mướn để nuôi hai cô con gái học đại học và cậu con trai tật nguyền.
Hiếu lúc còn nằm tại bệnh viện
Hiếu là con trai độc tôn nên cả gia đình vừa yêu vừa quý. Nhưng vì hoàn cảnh, vợ chồng anh đành để con trai mỗi khi nghỉ học là ra đồng chăn bò. Vào một trưa hè năm lớp 6, Hiếu cùng hai người bạn chăn bò ở bãi đất trống ven triền đồi A37 (thị trấn Ái Nghĩa). Thấy một cục sắt nhỏ, Hiếu cầm lên rồi ném xuống đất. Em không thể ngờ, đó là một kíp mìn còn sót lại từ thời chiến tranh.
Sau tiếng nổ lớn, Hiếu bất tỉnh và hai người bạn cũng bị thương nặng. Khi tỉnh dậy, Hiếu đã nằm trong bệnh viện với đôi tay băng bó. Lúc này, lòng người cha xót xa khi bác sĩ tại Khoa Bỏng – Tạo hình (bệnh viện Đà Nẵng) thông báo, do vết thương nặng, gãy nát hai bàn tay, dập gãy xương đùi… nên phải cắt hai bàn tay, cắt lọc vết thương ở hai bên đùi và làm cố định đùi bên trái.
“Dù là đàn ông nhưng khi nghe bác sĩ thông báo không còn cách nào để giữ đôi bàn tay của Hiếu thì tôi không kìm được nước mắt. Tôi không thể tưởng tượng, sau này, con trai sẽ sống như thế nào với đôi tay tật nguyền ấy”, anh chia sẻ.
Vợ chồng anh bán tất cả mọi thứ trong nhà. Sổ đỏ cũng được cắm cho ngân hàng. Dựa vào tất cả các mối quan hệ, anh chị vay mượn khắp nơi. Họ không còn nhớ phải dùng hết bao nhiêu tiền để cứu sống con trai. Nhưng chỉ biết, đến giờ, số nợ vẫn là một con số rất lớn.
Nhờ vào sự cố gắng của gia đình cũng như sự chăm sóc, chữa trị tận tình của đội ngũ y bác sĩ, hai tháng sau, Hiếu được xuất viện. Tuy nhiên, đôi bàn tay của em mãi mãi không còn. Đôi chân cũng không thể làm nhiệm vụ của mình. Trở về nhà, em chỉ ngồi một mình, nhìn vào đôi tay. “Tôi ước gì cháu có thể khóc. Nhưng, cháu chỉ im lặng với đôi mắt dại đi. Tôi thấy cháu như thế mà xót không chịu nổi”, người cha nói.
Viết tiếp ước mơ
Đưa bàn tay cụt vuốt nhẹ lên khuôn mặt khôi ngô, Hiếu chia sẻ, đó là khoảng thời gian sốc đối với mình. Em không thể ngờ, chỉ trong một tích tắt mà đôi tay, cặp chân bị kíp mìn sót lại từ thời chiến tranh cướp mất. Em buồn nhưng nhìn thấy những giọt nước mắt của cha mẹ, các chị nên em tự nhủ: “Phải vượt qua. Phải mang nụ cười của người thân trở lại”.
Hiếu chôn nỗi đau vào trong, cố nở nụ cười. Hiếu động viên người thân đừng rầu rĩ như thế. Em tìm cách sống chung với đôi tay tật nguyền. Em tập nâng những thứ nhẹ, tự tắm rửa…
Ở nhà một năm, Hiếu cảm thấy nhớ trường và bạn bè. Tháng 9/2014, em nói với đấng sinh thành: “Cha mẹ xin cho con đi học lại nha”. Cha mẹ cậu sửng sốt, hỏi đi hỏi lại nhiều lần: “Con muốn làm gì?”. Em vẫn trả lời một câu duy nhất: “Con muốn đi học trở lại”.
Kíp mìn sót lại từ thời chiến tranh đã cướp mất đôi tay lẫn đôi chân của Hiếu
Hiếu kể, lúc ấy cũng không hiểu mình trở lại lớp sẽ viết bằng cách nào. Ngày trở lại trường THCS Nguyễn Trãi, mọi người nhìn với ánh mắt thương cảm. Hiếu tự nhủ: “Đôi tay không còn, mình phải cố gắng hơn trước bội lần”.
Anh Nhì suy nghĩ rất nhiều rồi chế tạo cho con trai một cây bút có một không hai. Đó là một đoạn ống nhựa lắp vừa với mỏm tay cụt bên tay phải có khoét hai lỗ để vừa cây viết. Hiếu xỏ tay cụt vào ống nhựa, đẩy ống nhựa để viết.
Lúc đầu, việc điều khiển ống nhựa khá khó khăn. Nhưng, với quyết tâm của mình, em cũng đã làm chủ được. Hiện tại, em đã có thể vẽ bằng chính cây “bút thần kỳ” ấy.
Điều xót xa hơn, sau tai nạn, Hiếu có thể đi lại một cách khó khăn. Tuy nhiên, chỉ sau đó vài tháng, em bị gãy chân lần hai. Lúc này, đôi chân trở nên vô dụng, không còn hoạt động nữa. Từ đó, em muốn đi đâu phải nhờ vào đôi chân của cha. Nếu muốn di chuyển trong nhà thì em nhờ vào chiếc xe lăn.
“Em biết, tương lai còn nhiều khó khăn đón đợi phía trước. Nhưng, em sẽ cố gắng vượt lên tất cả để mang lại nụ cười cho cha mẹ và người thân. Em không muốn nghe những tiếng thở dài của mọi người. Ước mơ lớn nhất hiện tại của em là sẽ không bao giờ khiến người thân phải buồn nữa”, đôi mắt Hiếu sáng bừng khi nói. |