Người dân nghèo khăn gói cùng gia đình hồi hương: “Về nhà thôi, tới đâu tính tới đó”

An Phú - Ngày 08/10/2021 09:44 AM (GMT+7)

Từng dòng xe của hàng ngàn lao động rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê nhà. 4 tháng thất nghiệp, cơm chan canh lã, đợi từng gói cứu trợ, an sinh đã làm người dân ở nhiều khu lao động, xóm trọ chọn về quê để tiếp tục mưu sinh dù đường về còn lắm gian

Người dân nghèo khăn gói cùng gia đình hồi hương: “Về nhà thôi, tới đâu tính tới đó” - 1

Quê Đồng Tháp của chị Nguyễn Thị Thúy chuẩn bị vào vụ lúa, vật vờ trong căn trọ 15 mét vuông ở Sài Gòn suốt 4 tháng dịch, chị Thúy và chồng nhiều lần toan về quê để làm công làm mướn cho người ta. “Gia đình tôi 4 người mới lên Sài Gòn được 6 tháng mà hết gần 4 tháng dính dịch bệnh, cả nhà toàn làm thợ sắt cho công trình gần đây. Dịch bệnh công việc đứt hẳn, không hợp đồng, không bảo hiểm nên làm gì có lương. Gói hỗ trợ 2 đợt vừa rồi gia đình tôi cũng không có trong danh sách vì không thuộc nhóm đối tượng. Ở đây chán lắm rồi, giờ chỉ mong về quê có cháo ăn cháo, có rau ăn rau thôi”, chị buồn kể.

Bà con chung xóm trọ với chị Thúy đợi ngày hồi hương

Bà con chung xóm trọ với chị Thúy đợi ngày hồi hương

Chị Thúy tâm sự, cứ mỗi lần tính khăn gói về quê, chuẩn bị trả phòng cho bà chủ thì chủ trọ lại khuyên ngăn và tìm cách giúp đỡ để gia đình chị ở lại. “Dù biết về quê giờ khó lắm, quy định siết chặt người từ thành phố về tỉnh, nhưng hai vợ chồng cũng ráng cầm cố lấy tiền đi xét nghiệm để an tâm qua chốt mà về cho bằng được. Nhưng khi cô chủ trọ biết chuyện thì hết sức khuyên gia đình cố qua đợt này, đợi có thông báo đón người hồi hương rồi hẵng về”, chị nói.

Cứ mỗi khi có ai đó hỏi về quê làm gì để sinh sống, anh Hai Phước (chồng chị Thúy) thở dài một hơi rồi kể: “Làm gì thì làm, nhưng chắc chắn không đói như trên này. Nhà toàn lao động chân tay, buông nghề mấy tháng dễ gì sống, trước mắt cứ về quê đã, thăm mẹ thăm cha rồi tới đâu tính tới đấy. Nhà thầu trên này không động tĩnh gì nên cũng không biết khi nào đi làm lại”.

Anh cho biết, dưới quê còn một mái nhà lợp tôn nhỏ đủ che chắn gia đình qua mưa gió, đợt này có con gái đang mang bầu, con nước không về, làm ăn khó khăn nên anh cùng người thân “di cư” lên thành phố mong cuộc sống tốt hơn. “Chẳng ai nghĩ con vi rút bé tí ấy mà làm lao đao không biết bao nhiều người. Tôi cũng có người quen mất vì COVID-19 nữa, nên giờ chỉ muốn về quê thôi”, anh nói.

Để tránh tình trạng kẹt xe, quá tải ở địa phương, anh và vợ quyết định sẽ thư thư khoảng vài hôm nữa rồi về quê luôn, chuyến đi này, anh chưa biết ngày quay trở lại.

Người dân nghèo khăn gói cùng gia đình hồi hương: “Về nhà thôi, tới đâu tính tới đó” - 3

Cùng nỗi lòng như gia đình chị Thúy, chị Vân Anh làm công nhân ở Bình Dương đã về tới Huế bằng xe máy cùng chồng bày tỏ nỗi lo lắng cho thời gian tới. Hai vợ chồng vì hoàn cảnh nên chọn làm ăn xa, có hai con nhỏ gửi tạm cho ông bà ở quê để vào Sài Gòn kiếm tiền gửi ra lo hai đứa ăn học.

Cùng kẹt mấy tháng nay, giờ sợ chết hơn là sợ đói, mình có chuyện gì thì con sống sao, nên tôi với chồng không ham ở đây nữa. Nhớ con quá nên chạy về luôn, trên đường đi thấy nhiều đồng hương cũng cùng hoàn cảnh như mình mà thương lắm”, chị Vân Anh kể lại.

Đến mỗi trạm dừng, chị nhớ lại nhiều tình nguyện viên nhanh chân phát bánh kẹo, chiến sĩ công an cho nước uống, chúc bình an mà làm chị cảm động: “Có đoạn đường trời mưa gió, nước tạt vào mắt cay xè, đường tối thui, vừa đi vừa cầu nguyện, không hiểu sao mình qua được khoảnh khắc đó”.

Người dân nghèo khăn gói cùng gia đình hồi hương: “Về nhà thôi, tới đâu tính tới đó” - 4

Người dân được cho qua hầm Hải Vân về các tỉnh miền Trung. Ảnh: Festival Huế

Người dân được cho qua hầm Hải Vân về các tỉnh miền Trung. Ảnh: Festival Huế

Gần 1000 km đường lộ, đường đèo nắng gió, hai người thay nhau chạy liên tục, chỉ dám nghỉ tạm giữa đường vì không có nhiều kinh phí, chị Vân Anh tâm sự đó là đường về nhà “không thể nào quên được”. Trước khi rời phố, chị Vân Anh đã nhận đủ tiền trợ cấp đợt 3 làm lộ phí, trả tiền trọ và mua ít lương thực mang theo. “Vừa cảm giác sợ, vừa hồi hộp lại vừa nhớ nhà, không biết mấy tháng tới hai vợ chồng làm gì để sống. Còn mấy tháng nữa là Tết rồi bao nhiêu thứ phải lo, năm nay coi như mất Tết, chỉ tội mấy đứa nhỏ không có quà, áo mới”, chị Vân Anh kể với giọng trầm buồn.

Dù vậy, chị cho biết sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, đi lại giữa các tỉnh dễ dàng, chị vẫn sẽ đi làm ăn xa vì tương lai con nhỏ. Trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, chị sẽ đón hai bé vào chung để tiện chăm sóc và lo chuyện học hành, dành nhiều thời gian cho con hơn.

Hà Nội hỗ trợ đưa lao động về quê, vì sao nhiều người quyết bám trụ?
Các quận, huyện đang khẩn trương thống kê người dân, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh có nguyện vọng trở về quê. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ cho...

Tin tức 24h

An Phú
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện Sài Gòn