Có tiền tỷ trong tay, vợ chồng anh Bạch thức trắng mấy đêm vạch ra “con đường” làm ăn. Cuối cùng với sự tư vấn của cha mẹ cùng kinh nghiệm đi làm mướn, anh quyết định dùng toàn bộ số tiền vào việc mua đất ruộng.
Chuyện người nghèo trúng độc đắc luôn nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Họ tò mò về quá khứ cũng như hậu vận của những “đại gia vé số”. Sau đó, một số người bắt đầu tập tành chơi để thử vận may của bản thân. Song có người chỉ vì thương người bán vé nghèo khổ mà “tặc lưỡi” ủng hộ, giống như người đàn ông miền Tây tên Hồ Văn Bạch này.
Một buổi chiều cách đây 10 năm, anh Bạch thấy ông lão bán vé số nghèo đi khắp xã Tân Phú (Châu Thành, An Giang) nài nỉ khách mua. Anh cùng bà con trong xóm rủ lòng thương mua giùm vài tờ dù bản thân chẳng mấy khá giả. Nào ngờ tệp vé số của ông lão có đến 7 tờ trúng độc đắc trị giá tiền tỷ và vài chục tờ với giải thưởng hàng trăm triệu.
Nhờ buổi chiều định mệnh ấy, xã Tân Phú đã có rất nhiều gia đình đổi đời, trở thành đại gia tiền trăm tiền tỷ. Họ bắt đầu lười làm, lao vào các cuộc ăn chơi, tiêu xài hoang phí rồi rơi vào cảnh nghèo lại hoàn nghèo. Nhưng riêng anh Bạch lại có số phận khác: đầu tư làm ăn, giúp gia đình thoát khỏi cái nghèo cái đói.
Vợ chồng anh Bạch đã may mắn trúng số 1.5 tỷ đồng.
Nói về hoàn cảnh của mình, anh Bạch cho hay, gia đình anh vốn nghèo lại đông anh em, chẳng có ai được học hành tử tế nên đi làm mướn rất sớm. Khi đến Tân Phú lập nghiệp, anh chỉ có 2 bàn tay trắng, quanh năm đi ở đợ rồi làm mướn cho người giàu. “Tôi nếm đủ sự tủi nhục, khổ cực nhưng vẫn chăm chỉ làm lụng với ước mong một ngày nào đó được sở hữu chỗ ruộng đó để vợ con đỡ nheo nhóc. Thế rồi ông trời đã thấu hiểu tâm can của tôi, giúp tôi trúng số số tiền lên tới 1.5 tỷ đồng”, người đàn ông miền Tây tâm sự.
Anh Bạch sau khi trúng số đã mua thêm đất đai rồi quyết định sinh thêm đứa con thứ 3. Anh bảo giờ có tài sản rồi, không phải lo nhiều đến cái ăn cái mặc. Đặc biệt mai này con cái lớn khôn anh sẽ cho chúng mỗi đứa một cánh đồng, tha hồ canh tác.
Nhắc đến chuyện “đổi đời” nhờ trúng số, anh Bạch hân hoan: “Nhờ may mắn mà tôi có nhà mới, được làm chủ những mảnh ruộng mà bao năm phải nai lưng làm thuê. Nhưng cũng nhờ “kinh nghiệm” làm mướn mà tôi biết trân trọng từng đồng tiền, hạt gạo và giá trị của người được làm chủ.
Cuộc sống của vợ chồng tôi cũng thay đổi theo hướng tích cực, từ sinh hoạt đến tư duy làm kinh tế. Hồi chuẩn bị đi lĩnh thưởng ý, tôi vừa hồi hộp vừa lo lắng. Tôi hồi hộp vì mấy chục năm qua có bao giờ được cầm tiền chục triệu trong tay đâu, huống chi là tiền tỷ chứ. Còn lo lắng vì tôi không biết sử dụng đồng tiền đó như thế nào cho hợp lý, để tiền đẻ ra tiền”.
Nhờ trúng số, cuộc sống của vợ chồng anh Bạch thay đổi theo hướng tích cực, từ sinh hoạt đến tư duy làm kinh tế.
Có tiền tỷ trong tay, vợ chồng anh Bạch thức trắng mấy đêm vạch ra “con đường” làm ăn. Cuối cùng với sự tư vấn của cha mẹ cùng kinh nghiệm đi làm mướn, anh quyết định dùng toàn bộ số tiền vào việc mua đất ruộng.
Nghĩ là làm, vợ chồng anh Bạch ôm tiền đi mua đất. Anh kể, sau khi lĩnh thưởng trừ thuế và trả nợ trước đó, làm từ thiện, cho người thân thì chỉ còn 1 tỷ đồng. Nhưng số đất anh mua có giá lên tới 1,1 tỷ, vì thế anh đành vay đến 100 triệu đồng từ ngân hàng rồi trả dần dần khi thu hoạch lúa gạo.
Thấy anh Bạch ôm tiền tỷ đi mua ruộng, nhiều người ở xã Tân Phú đã mỉa mai bảo anh muốn làm địa chủ. Thậm chí người ta còn nhận xét đó là suy nghĩ của nông dân quèn bởi cuộc đời thuần nông đã khổ, có tiền phải xây nhà lớn, mua xe máy hoặc ô tô để đi, gửi tiền trong ngân hàng lấy lãi hưởng thụ. Song anh không hề bận tâm vì qua điểm của anh khác họ. Anh nghĩ việc mua xe xịn, ở nhà đẹp chính là tiêu sản, tiền không sinh ra được tiền.
Vốn là nông dân, suốt ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" vậy mà mấy ai được như vợ chồng anh Bạch. Họ không có ăn có học nhưng chính cái nghèo đã giúp họ biết trân trọng đồng tiền. Hi vọng những ai sắp trúng số hãy học tập cách tiêu tiền "từ trên trời rơi xuống" giống vợ chồng anh.