Dù nghỉ hưu đã nhiều năm nhưng bà vẫn gắn bó với xưởng may, không yên tâm rời xa những "đứa trẻ" của mình.
Ngày 29/9, trong xưởng may Phúc lợi huyện Juxian, thành phố Nhật Chiếu, Sơn Đông, Trung Quốc, một nhóm công nhân đặc biệt đang tất bật làm mẫu, cắt, may, đóng gói, kiểm tra... Tất cả họ đều có một "người mẹ" chung, đó là bà Xin Xingfen, năm nay 68 tuổi.
“Xưởng may chúng tôi có tổng cộng 259 công nhân, trong đó có 237 người là những người khiếm thính, khuyết tật. Họ làm việc ở đây, sống ở đây, nhà máy chính là ngôi nhà của họ. Họ gọi tôi là “mẹ””, bà nói.
Trong hơn 30 năm qua, xưởng may của bà Xin Xingfen luôn mở rộng cửa đón nhận người khuyết tật, kiên nhẫn dạy họ kỹ năng, tạo điều kiện cho nhiều người khuyết tật thoát nghèo.
Năm 1993, bà Xin Xingfen tiếp quản khi nhà máy gia công quần áo này đang trên bờ vực phá sản. 12 công nhân, 6 máy móc cũ kỹ, đó là tất cả những gì bà có. Kể từ đó, Xin Xingfen đã gắn bó sâu sắc với những người khuyết tật.
Để tìm kiếm đơn hàng, bà đến Thanh Đảo mở rộng thị trường. Khi doanh nghiệp ngày càng phát triển, Xin Xingfen tự nguyện đảm nhận trách nhiệm xã hội là tạo việc làm cho người khuyết tật, đón nhận người khuyết tật từ khắp nơi. Bà nói:
“Những người khuyết tật này có thể trở thành những người có ích ở đây, họ có thể tự nuôi sống bản thân và nhận ra giá trị bản thân như những người bình thường".
Xin Xingfen cung cấp thức ăn và chỗ ở miễn phí cho tất cả nhân viên nhà máy, ký hợp đồng lao động với nhân viên khuyết tật, đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bảo hiểm nhà ở, đồng thời trả lương bằng với các công nhân khoẻ mạnh khác. Hiện tại, bà phải chi riêng tiền lương mỗi tháng là hơn 800.000 nhân dân tệ (hơn 2,8 tỷ đồng).
Tại xưởng may của bà, những công nhân khiếm thính khéo léo vận hành máy may; công nhân mất một tay khéo léo cắt vải từng lớp một; công nhân chậm phát triển trí tuệ làm việc trong bộ phận đóng gói, loại bỏ lông tơ và đóng gói sản phẩm... Nhờ sự khuyến khích và giúp đỡ của bà Xin Xingfen, họ đều có thể tự nuôi sống bản thân.
Người phụ nữ này không chỉ tiếp nhận người khuyết tật mà còn mai mối cho họ, giúp họ xây dựng gia đình. Hơn 30 năm qua, Xin Xingfen đã chứng kiến nhiều người khuyết tật kết hôn và sinh con trong nhà máy, chứng kiến con cái họ vào đại học, cao học.
Bên cạnh nhà máy còn có một tòa nhà đặc biệt dành cho người khuyết tật do chính phủ đầu tư và xây dựng. 120 công nhân viên khuyết tật từ 60 hộ gia đình của xí nghiệp may phúc lợi sinh sống tại đây.
Cặp đôi Xu Yanji và Shi Pingchuan kết hôn do bà Xin Xingfen giới thiệu. Con gái của họ đã đỗ đại học.
Với nhóm công nhân đặc biệt này, nhà máy là nhà của họ và cũng là nhà của Xin Xingfen. Gần như mỗi đêm bà đều ở lại để lo lắng công việc của mọi người cho đến khoảng 12 giờ đêm.
“Họ không ngủ được thì làm việc, tôi phải trông chừng. An toàn là ưu tiên hàng đầu”, bà nói.
Xin Xingfen cho biết văn phòng của bà ở tầng một, còn tầng trên là ký túc xá dành cho công nhân chậm phát triển trí tuệ. Họ dễ xảy ra mâu thuẫn khi ở bên nhau nên cần luôn chú ý, quan tâm đến cảm xúc của mỗi người.
“Thực ra tôi đã nghỉ hưu nhiều năm rồi, lương hưu cũng khá cao, nhưng tôi không thể yên tâm với những đứa trẻ này. Chúng không thể thiếu tôi, tôi cũng không muốn rời xa chúng”, bà trải lòng.