Phim hoạt hình “Nhặt xương cho thầy” của VTV3 phát sóng đúng ngày tôn vinh các nhà giáo Việt Nam đã khiến nhiều nhà giáo bức xúc.
Tối ngày 19/11, chương trình Quà tặng cuộc sống phát sóng lúc 22h10 phút trên kênh VTV3 đã phát sóng một đoạn phim hoạt hình ngắn “Nhặt xương cho thầy”.
Hình ảnh trong đoạn phim hoạt hình "Nhặt xương cho thầy" được phát sóng trên VTV3.
Phim phỏng theo truyện cười dân gian Việt Nam. Trong câu chuyện, thầy giáo hiện lên là một người tham ăn vô độ. Khi đến nhà nhận học trò, nhà chủ đã thết đãi đầy đủ nhưng thầy giữ ý với phụ huynh nên nên từ chối thức ăn do cha mẹ của trò gắp.
Sau đó, để không bị đói, thầy đã đề nghị ăn riêng với học trò. Các bữa ăn sau đó, có thịt, cá thầy ăn hết, chừa lại xương cho cậu học trò.
Hết thời gian học, thầy trò chào nhau, cậu học trò chúc thầy sống lâu trăm tuổi, còn mình sống hơn thầy một tuổi để thu gom xương cho thầy. Trước câu nói của cậu học trò, người thầy vô cùng bẽ mặt và nhận được bài học đắt giá.
Chương trình sau khi được phát sóng đã khiến nhiều giáo viên bức xúc bới vì VTV3 đã đưa ra một câu chuyện bôi bác người thầy đúng ngày tôn vinh các Nhà giáo Việt Nam, ngày tôn vinh những người thầy, nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.
Được dẫn lời trên TTXVN, cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) nói. “Câu chuyện ấy, VTV3 phát lúc nào cũng được, chúng tôi xem vẫn cười thoải mái, người xem vẫn nhận được thông điệp. Nhưng phát trên kênh chính thức tối 19/11 thì hơi nhẫn tâm với hàng triệu người làm thầy, nhân ngày lễ của họ. Không chỉ bản thân tôi, đây có lẽ cũng là tâm trạng rất nhiều giáo viên, cán bộ ngành Giáo dục khi xem chương trình Quà tặng cuộc sống tối qua”.
Mặc dù không phải là nhà giáo nhưng chị Nguyễn Thị Điền (Hà Đông, Hà Nội) cũng bức xúc nói: "Chương trình hơi… vô duyên. Tôi cũng không hiểu sao họ lại phát sóng tập phim đó vào đúng dịp vinh danh các nhà giáo, dịp để học sinh hiểu sâu sắc hơn về bài học ‘tôn sư trọng đạo’, về đạo lý làm người, để các em biết tri ân những người thầy. Một chương trình giáo dục nhưng phát sóng không đúng thời điểm lại chẳng khác gì là phản giáo dục".
Theo tin tức trên báo Tuổi trẻ, PGS Văn Như Cương, trường THPT Lương Thế Vinh cũng tỏ ra ngạc nhiên khi biết VTV chọn đưa câu chuyện này đúng vào dịp kỉ niệm ngày Ngày giáo Việt Nam.
“Chuyện các ông đồ xưa vì nghèo khó mà tham ăn được đưa vào truyện cười có ý phê phán nhẹ nhàng. Ví như chuyện thầy muốn liếm đĩa thức ăn thì hỏi học sinh chữ “nhất” thế nào, chữ “nhị” thế nào… đồng thời với hành vi “liếm đĩa”. Người Việt Nam thế hệ trước ai cũng biết những chuyện tương tự. Ngày nay có thể cũng có những ông thầy chưa chuẩn mực đối với học trò cần phê phán. Nhưng nên là lúc khác, cách thể hiện khác. Việc đưa câu chuyện phản ánh về hình ảnh rất xấu của người thầy vào dịp cần “ tôn vinh người thầy” là việc khó hiểu. Xét ở khía cạnh giáo dục học sinh thì càng không nên”, PGS Cương nhận xét.