Ngay sau khi Bộ Y tế có văn bản yêu cầu các điểm tiêm dịch vụ tổ chức tiêm vắc xin Quinvaxem khi hết vắc xin 6 in 1, 5 in 1 rất nhiều các bậc cha mẹ đã đồng ý cho trẻ tiêm miễn phí vắc xin này.
Nhiều trẻ tiêm miễn phí Quinvaxem tại điểm tiêm dịch vụ
Ngày hôm qua (10/3), theo khảo sát của phóng viên tại điểm tiêm dịch vụ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hà Nội, nhiều trẻ đã được tiêm miễn phí vắc xin Quinvaxem và uống miễn phí vắc xin bại liệt.
Tất cả các bậc phụ huynh đều khong biết tại điểm tiêm dịch vụ 70 Nguyễn Chí Thanh của Trung tâm Y tế dự phòng có tổ chức tiêm vắc xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng dịch vụ. Họ đưa con đến để tiêm vắc xin dịch vụ 6 trong 1, 5 trong 1. Tuy nhiên, khi được bác sĩ tư vấn các vắc xin tổng hợp dịch vụ đã hết và nên chuyển sang tiêm vắc xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng các cha mẹ đều cho con tiêm.
Chị Thủy ở Đội Cấn, Hà Nội bế con trai 9 tháng tuổi đang chờ đến lượt để được tiêm vắc xin Quinvaxem. Con trai chị Thủy đã tiêm mũi 1 vắc xin tổng hợp 6 trong 1 của Bỉ lúc 3 tháng tuổi. Tuy nhiên, con chị đã đợi 6 tháng mà vẫn chưa tiêm được mũi 2 do khan hiếm vắc xin.
Sau ba tháng chờ không có vắc xin dịch vụ, sáng 10/3, người mẹ quyết định cho con tiêm vắc xin Quinvaxem tại điểm tiêm dịch vụ 70 Nguyễn Chí Thanh (Ảnh MH)
“Mấy tháng ròng tôi đều đưa con đến Trung tâm đăng ký vắc xin dịch vụ nhưng họ đều không có vắc xin. Sáng nay, tôi đưa con tới định cho cháu tiêm mũi cúm nhưng bác sĩ tư vấn nên cho cháu tiêm mũi 2 Quinvaxem vì cháu bỏ quá lâu. Dù có hơi ái ngại, sợ con sẽ bị sốt và quấy khóc nhiều hơn nhưng tôi quyết định cho cháu tiêm Quinvaxem vì bác sĩ bảo nếu trì hoãn việc tiêm quá lâu cháu có nguy cơ mắc bệnh”, chị Thủy chia sẻ.
Cũng giống như chị Thủy, chị Loan ở quận Long Biên đưa con gái 5 tháng đến uống vắc xin Rota. Chị Loan cho biết, theo dõi các thông tin trên báo chị biết hiện cả nước đã hết vắc xin tổng hợp dịch vụ 6 trong 1, 5 trong 1.
Chị Loan cho biết: “Tôi định sẽ cố chờ vắc xin dịch vụ, hôm nay tôi đưa con đi uống vắc xin Rota. Theo dõi các thông tin trên báo thấy có nhiều ca tai biến liên quan đến Quinvaxem nên tôi hơi sợ, không dám cho con đi tiêm dù cháu đã bị chậm 3 tháng theo lịch tiêm chủng. Nhưng hôm nay đến đây nghe bác sĩ tư vấn tôi hiểu nếu cứ trì hoãn việc tiêm quá lâu con dễ mắc bệnh, trong khi chưa biết lúc nào sẽ có vắc xin dịch vụ. Tôi quyết định cho con tiêm vắc xin miễn phí Quinvaxem để phòng bệnh cho con”.
Trì hoãn việc tiêm, trẻ sẽ mắc bệnh
TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng, Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận được công văn khẩn của Bộ y tế, Trung tâm có bảng thông báo và triển khai tiêm miễn phí vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem tại điểm tiêm 70 Nguyễn Chí Thanh ngay trong ngày 10/3. Chỉ riêng trong buổi sáng đã có 50 trẻ được tiêm.
Trong ngày đầu tiên triển khai tiêm vắc xin miễn phí tại điểm tiêm dịch vụ Nguyễn Chí Thanh, nhiều cha mẹ đồng ý cho trẻ tiêm vắc xin Quinvaxem (Ảnh MH)
“Các trẻ đến đây hỏi tiêm vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 dịch vụ hoặc tiêm vắc xin khác nhưng nhân viên tư vấn chưa thấy được tiêm đủ các mũi này đều tư vấn tiêm mũi 5 trong 1 Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Phần lớn các cha mẹ đều đông ý tiêm cho con. Việc tiêm thay thế như thế rất cần thiết và hợp lý, cha mẹ không nên trì hoãn vì trẻ có thể mắc bệnh khi chưa được tiêm chủng đầy đủ”, TS Cảm nói.
Lo ngại tình trạng các điểm tiêm dịch vụ sẽ bị quá tải, TS Cảm cho biết cha mẹ có thể thực hiện mũi tiêm này ngay tại phường. Trước đây Hà Nội chỉ triển khai tiêm miễn phí trong 1 ngày nhưng hiện nay tổ chức thành tuần. Dù tiêm ở đâu chất lượng vắc xin đều đảm bảo, trẻ đều được khám sàng lọc kỹ trước tiêm.
Cũng liên quan đến công tác tiêm chủng, Bộ Y tế mới ban hành Quyết định số 763/QĐ-BYT về việc thành lập 11 đoàn đi kiểm tra, đánh giá công tác tiêm chủng tại 4 khu vực trong cả nước. Nhiệm vụ của Đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện công tác tiêm chủng tại các địa phương bao gồm Tiêm chủng mở rộng, Tiêm chủng dịch vụ và kết quả triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi - Rubella trong tiểm chủng mở rộng. |
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, trong năm 2015 nhà sản xuất chỉ cung cấp tổng khoảng 300 nghìn liều vắc xin dịch vụ 6 trong 1 Infanrix Hexa và 5 trong 1 Pentaxim. Số trẻ tiêm vắc xin tổng hợp rất thấp so với trẻ tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
“Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2014, số trẻ tiêm vắc xin 6 trong 1(Infanrix Hexa) và 5 trong 1 (Pentaxim) chỉ bằng 8% so với vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng. Tôi dám khẳng định, vắc xin Quinvaxem hiệu quả, an toàn tương đương vắc xin dịch vụ.
Phản ứng tại chỗ như đau, quấy khóc, sốt là nhiều hơn so với vắc xin dịch vụ, nhưng phản ứng nặng là tương đương, hiệu quả phòng bệnh là tương đương và đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu, khẳng định. Đến nay vắc xin này đã được sử dụng ở hơn 90 nước với tổng số hơn 400 triệu liều. Các bà mẹ chờ đợi vắc xin dịch vụ đã dẫn đễn trẻ bị mắc bệnh như bệnh ho gà lúc 2 tháng tuổi như thời gian qua”, TS Phu nói.
TS Phu cho biết thêm, việc quyết định tổ chức tiêm vắc xin trong chương trình TCMR tại các điểm tiêm dịch vụ là một quyết định mạnh mẽ của Bộ Y tế. Điều này có thể khiến các điểm tiêm chủng dịch vụ vất vả hơn nhưng chủ trương này Bộ Y tế đưa ra để đảm bảo quyền lợi của trẻ em, mọi trẻ em đều được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch mới mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.