Bổ sung trường hợp tinh giản biên chế; phạt 1 triệu đồng nếu dùng tay trần bán thức ăn… là những chính sách có hiệu lực từ tháng 10/2018.
Bổ sung các trường hợp “được” tinh giản biên chế
Từ 15/10, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế sẽ có hiệu lực. Theo nghị định 113/2018, có thêm nhiều trường hợp được cho vào diện bị tinh giảm biên chế.
Cụ thể gồm các trường hợp chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ hoặc không phù hợp với vị trí đảm nhiệm nhưng không có vị trí khác phù hợp và không thể đào tạo lại.
Nhiều trường hợp bổ sung vào việc tinh giảm biên chế. (Ảnh minh họa: CAND).
Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ…
Tiếp đến là các trường hợp cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử tham gia quản lý hoặc đại diện theo ủy quyền với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng dôi dư do cơ cấu lại doanh nghiệp đó; người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương.
Phạt 1 triệu đồng nếu dùng tay trần bán thức ăn
Từ ngày 20/10/2018, các quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ được áp dụng theo Nghị định 115/2018 của Chính phủ.
(Ảnh minh họa)
Trong đó, Nghị định quy định:
- Phạt 500.000 đồng - 1 triệu đồng với người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay (trước đây chỉ phạt từ 300.000 đồng - 500.000 đồng)…
- Phạt 1 - 3 triệu đồng đối với cửa hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay…
- Phạt 5 - 10 triệu đồng với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”…
Bỏ quy định mua thuốc cho con phải khai số CMND
Cũng có hiệu lực từ 15/10, thông tư 18/2018/TT-BYT sửa đổi thông tư 52/2017/TT-BYT về đơn thuốc và kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.
Thông tư 52 yêu cầu khi kê đơn thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số CMND hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.
(Ảnh minh họa)
Quy định này đã gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận, vì nhiều người cho rằng việc cha mẹ đi mua thuốc cho con phải khai số CMND gây nhiều phiền phức, bất tiện.
Thông tư mới đã bỏ quy định trong đơn thuốc của trẻ dưới 6 tuổi phải ghi số CMND hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ mà chỉ yêu cầu ghi số tháng tuổi, cân nặng, tên bố hoặc mẹ hoặc người đưa trẻ đến khám, chữa bệnh.
Giáo sư phải có ít nhất 3 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế
Từ ngày 15/10/2018, Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, các tiêu chuẩn đối với chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng được quy định theo hướng chặt chẽ, khắt khe hơn.
Cụ thể, để công nhận là giáo sư, ứng viên phải đáp ứng một số tiêu chí như:
- Đã được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư từ đủ 3 năm trở lên;
- Là tác giả chính đã công bố được ít nhất 3 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín; Từ năm 2020, ứng viên chức danh giáo sư phải có ít nhất 5 bài báo khoa học;
- Chủ trì biên soạn giáo trình đại học phù hợp với chuyên ngành xét công nhận chức danh giáo sư;
- Chủ trì thực hiện ít nhất 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ hoặc 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã nghiệm thu kết quả từ đạt yêu cầu trở lên;
- Hướng dẫn chính ít nhất 2 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ theo quy định…