Trên đường vào bản đứng lớp, cô giáo vùng biên ngã xuống con đường đầy bùn đất. Hình ảnh vừa buồn, vừa hài hước được đăng tải lên mạng xã hội đã nhận được nhiều sự chia sẻ, động viên của cộng đồng mạng.
Những ngày qua, trên một số hội, nhóm mạng xã hội tại Quảng Bình có đăng tải hình ảnh cô giáo tại xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh ngã sõng soài trên đoạn đường đầy bùn đất nhận được nhiều sự chia sẻ, động viên.
Cô giáo vùng biên ngã sõng soài trên đường vào bản.
"Thương cô giáo quá; Thương cô, đúng là gánh chữ lên non; Quá tuyệt vời với cô giáo này; Nhìn mà thương các cô giáo dạy vùng sâu, vùng xa; Thương lắm, cố lên đồng nghiệp tôi ơi" ... là những lời động viên được người dùng mạng xã hội gửi đến cô giáo khi xem hình ảnh.
Theo tìm hiểu, đây là vụ tai nạn "bi hài" của cô giáo Lê Sương Sương, giáo viên cắm bản Sắt của Trường Mầm non Trường Sơn, huyện Quảng Ninh "bị" người dân chụp lại.
"Tôi đang vào bản để tới điểm trường Sắt, do đường trơn trượt nên ngã xuống, yên xe cùng đồ đạc rơi cả ra. Lúc đó có người dân hình như đi nhổ sắn về thấy buồn cười nên chụp lại. Tìm chỗ có sóng, họ gửi ảnh cho tôi rồi cũng đăng lên mạng cho vui. Không ngờ nhiều trang mạng dẫn lại, nhiều người cũng bình luận chia sẻ, động viên", cô Sương cho biết.
Cô Sương cho biết thêm, cô là người con của xã vùng biên Trường Sơn, sau khi rời giảng đường cô trở về địa phương công tác. Hơn 2 năm nay, cô Sương được phân công đứng lớp ở điểm trường bản Sắt, một bản nghèo nằm gần như biệt lập với vùng trung tâm. Cư dân của bản phần lớn là đồng bào Bru- Vân kiều.
Nhiều bình luận động viên, chia sẻ với khó khăn của cô giáo cắm bản.
"Điểm trường ở bản Sắt có 15 cháu với 3 độ tuổi là con em đồng bào Bru – Vân Kiều. Ở bản chưa có điện lưới, sóng điện thoại, đường vào bản ngày trước hoàn toàn là đường đất lầy lội, nay được đổ bê tông một số đoạn. Có 2 giáo viên tiểu học cắm bản rồi ở lại bản luôn còn tôi vì nhà ở trong xã, muốn chăm lo thêm cho gia đình nên chọn đi về trong ngày. Tuy chỉ cách nhà khoảng 17km nhưng đường đi rất khó khăn, nhiều đoạn dốc cao, lầy lội, heo hút dưới tán rừng", cô Sương chia sẻ.
Trong hành trình vào bản cùng trò, cô Sương không ít lần ngã trong bùn lầy, phải cuốc bộ vì xe hỏng, đường quá khó đi... Nhưng với nhiệm vụ của bản thân và tình yêu với những "đứa con không máu mủ" cô Sương cùng đồng nghiệp luôn cố gắng.
Việc ngã xe, xe hư hỏng khi vào bản là chuyện thường với giáo viên vùng cao.
"Ngã như vậy vì đường trơn mà mình không trụ chân được. Có những lần xe hỏng giữa đường mình phải bỏ lại xe rồi đi bộ vào bản cho kịp giờ. Sau đó nhờ dân bản hỗ trợ sửa xe để về nhà. Trách nhiệm công việc một phần, nhưng cũng thương các con, mình muốn góp phần chăm sóc, nuôi dạy những người sẽ làm đổi thay vùng đất này trong tương lai", cô Sương nói.
Anh Nguyễn Văn Tráng, một người dân xã Trường Sơn cho biết, xã có địa bàn rộng, chủ yếu là đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, có những bản cách rất xa trung tâm xã. Hơn 60% dân cư nơi đây là bà con đồng bào Bru – Vân Kiều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng. Hình ảnh những thầy cô vượt núi, băng rừng vào các bản xa dạy trò đã quá quen thuộc nhưng luôn được người dân nơi đây trân quý.
Trường Sơn là xã vùng biên, có địa hình rộng, phức tạp với phần lớn cư dân là đồng bào Bru - Vân Kiều.
"Nhiệm vụ trồng người là cao cả, người dân xã vùng biên chúng tôi rất yêu quý những người giáo viên bởi họ đang nỗ lực vượt khó từng ngày vì con em của chúng tôi. Hình ảnh thầy cô ngã xe khi vào bản như cô Sương chúng tôi chứng kiến nhiều rồi bởi có nơi thì bùn lầy, dốc cao có nơi phải qua suối với chi chít đá nhọn. Dù quen thuộc nhưng chúng tôi vẫn luôn thương và quý trọng các thầy cô, mong sao các thầy cô luôn an toàn trên đường đi dạy", anh Tráng chia sẻ.
Cô Hoàng Thị Hậu, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Trường Sơn cho biết, hiện trường có 1 điểm chính và 12 điểm trường lẻ. Do các bản nằm cách xa trung tâm, điều kiện đi lại khó khăn nên giáo viên thường phải vào từng bản để dạy học.
"Do đường sá xa xôi, đi lại khó khăn nên hầu hết giáo viên cắm bản ở lại cùng trò đến cuối tuần ra lại điểm trung tâm. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đời sống của bà con cũng dần chuyển biến tốt nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Dù có nhiều trở ngại nhưng chúng tôi sẽ vượt qua, tất cả vì học sinh thân yêu", cô Hậu chia sẻ.