Theo quy định, có 19 nhóm đối tượng ưu tiên được miễn học phí phổ thông và nhiều ngành học sinh viên được miễn hoàn toàn học phí từ năm 2024 trở đi.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 97 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục.
19 nhóm đối tượng được miễn, giảm học phí
Nghị định số 97 điều chỉnh lộ trình học phí như sau: Giữ ổn định học phí từ năm học 2023-2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bằng mức học phí năm học 2021-2022.
Lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định 81. Tức, học phí năm học 2023-2024 tăng so với học phí năm học 2022-2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81 để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên.
Các chính sách miễn, giảm học phí được quy định tại Nghị định 81 tiếp tục được giữ nguyên để hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và có điều kiện khó khăn.
Học sinh Trường THCS Ba Đình, quận Ba Đình (Hà Nội) trong một buổi thuyết trình.
Đối với người học tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, Nghị định 81 quy định miễn học phí cho 19 nhóm đối tượng ưu tiên, bao gồm:
Miễn học phí với toàn bộ học sinh tiểu học công lập, trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc, miền núi, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Học sinh bậc THCS ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc, miền núi, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo cũng được miễn học phí.
Về chính sách giảm học phí: Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định giảm 70% học phí đối với trẻ em, học sinh phổ thông là người dân tộc thiểu số ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; giảm 50% học phí đối với trẻ em, học sinh phổ thông thuộc hộ cận nghèo.
Về chính sách hỗ trợ chi phí học tập: Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định hỗ trợ 150.000 đồng/học sinh/tháng (tương đương 1.350 triệu đồng/năm) để mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho các đối tượng gồm: Mồ côi cả cha lẫn mẹ; khuyết tật; thuộc hộ nghèo; ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Những ngành học nào được miễn học phí?
Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định miễn học phí cho sinh viên khuyết tật, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Nghị định 81, những ngành học sau sinh viên được miễn học phí: Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp y, Pháp y tâm thần, Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.
Nghị định 81/2021/NĐ-CP cũng quy định giảm 70% học phí cho học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù, một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Bộ GD&ĐT cho biết, theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng thể, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 81/2021/NĐ-CP để xác định lộ trình học phí phù hợp, đảm bảo thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII và quy định về tự chủ tài chính.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, đảm bảo chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo việc tiếp cận bình đẳng trong giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; chính sách phổ cập giáo dục, phân luồng ở cấp phổ thông.
Đối với học phí đại học, Chính phủ quy định trần học phí với các trường công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học tới là 1,2 - 2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành. Mức thu hiện nay được giữ vững từ năm 2021 - 2022 do ảnh hưởng dịch COVID-19 là 980.000 đến 1,43 triệu đồng/tháng/sinh viên. Còn với những trường đại học đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng khoảng 2,5 lần mức trên, tức 2,4-5,5 triệu đồng/tháng. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, các trường Đại học được tự xác định học phí nhưng phải công khai. Ở bậc phổ thông, Chính phủ quy định học phí năm học 2023 - 2024 giữ ổn định, bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 theo quy định của HĐND các tỉnh. Mức trần học phí với các trường công lập năm học 2023-2024 dao động từ 30.000 - 650.000 đồng tùy cấp học và khu vực. Nghị định 97 cũng nêu rõ, với những nơi đã tăng học phí so với năm học 2021 - 2022, ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định. Trường hợp ngân sách địa phương không đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với mức thu học phí năm học 2021 - 2022 thì phải thực hiện điều chỉnh theo quy định của Nghị định này. |