Hiến máu không chỉ được khám sức khỏe, kiểm tra nhóm máu, bệnh tật miễn phí mà còn có nhiều các lợi ích khác đối với sức khỏe.
Theo thống kê của Ngân hàng máu Việt Nam thì mỗi năm, các bệnh viện trong nước cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu, nhưng thực tế lượng máu nhận được chỉ xấp xỉ 1 triệu đơn vị, mới đáp ứng được khoảng 53% nhu cầu sử dụng. Mặt khác, số lượng người tham gia hiến máu hiện nay chỉ khoảng 700.000 người trên 90 triệu dân, tính ra tỷ lệ chưa đạt đến 1%.
Sở dĩ phong trào hiến máu chưa đạt được hiệu quả cao là do, nhiều người dân còn em ngại, lo sợ những tác hại khi hiến máu như: sợ lây nhiễm bệnh tật, sợ hiến máu xong cơ thể sẽ yêu, sút cân, sợ máu, sợ kim tiêm …Tuy nhiên, tất cả những lo lắng trên đều là phản khoa học. Bởi hiến máu không chỉ giúp được cho cộng đồng những người kém may mắn mắc bệnh tật, mà hiến máu còn mang lại nhiều lợi ích cho chính bản thân mình cả về mặt sức khỏe và những ưu tiên sau này.
Sau khi "kêu cứu" về tình trạng thiếu máu, rất đông tình nguyên viên đã tham gia hiến máu.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Huỳnh, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, những người đủ điều kiện hiến máu: trong độ tuổi từ 18-60 đối với nam, 18-55 đối với nữ; cân nặng: nam và nữ trên 45 kg; khoảng cách giữa hai lần hiến máu là 12 tuần; không có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường máu, không bị bệnh viêm gan B hoặc C và các bệnh mãn tính…
Đối với những người khỏe mạnh mỗi lần hiến không quá 9ml/kg cân nặng sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe, người 45kg có thể hiến từ trên 350ml máu mỗi lần. Hiến máu nhiều lần còn có thể giúp giảm nguy cơ ứ đọng sắt, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và là cách để mỗi người kiểm tra và tự giám sát sức khỏe của mình.
Ngoài ra, hiến máu sẽ giúp chức năng cơ thể của bạn hoạt động hiệu quả hơn bằng cách bổ sung thêm nguồn cấp máu thường xuyên. Thông thường, cơ thể con người thay thế máu trong vòng 48 giờ sau khi cho, và tất cả các tế bào hồng cầu mất đi sẽ hoàn toàn được thay thế trong vòng 4 - 8 tuần. Quá trình bổ sung có thể giúp cơ thể làm mới hệ thống và giữ cho cơ thể khỏe mạnh, cũng như làm việc hiệu quả hơn.
Người hiến máu sẽ nhận lại được đúng lượng máu mình đã hiến.
Ngoài những lợi ích về mặt sức khỏe, BS. Ngô Mạnh Quân - Trưởng khoa Vận động và tổ chức hiến máu cho biết, người hiến máu còn được hưởng một số quyền lợi như: người hiến máu tình nguyện trong trường hợp cần truyền máu được miễn trả tiền máu tại tất cả các cơ sở y tế công lập, thành phần máu tối đa bằng lượng máu đã hiến ghi trên giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện.
Không chỉ có vậy, người hiến máu còn được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí. Được kiểm tra và thông báo kết quả các xét nghiệm máu (hoàn toàn bí mật): nhóm máu, HIV, virut viêm gan B, virut viêm gan C, giang mai, sốt rét. Trong trường hợp người hiến máu có nhiễm hoặc nghi ngờ các mầm bệnh này thì sẽ được bác sỹ mời đến để tư vấn sức khỏe.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo, những người đã nhiễm hoặc đã thực hiện hành vi có nguy cơ nhiễm HIV, người đã nhiễm viêm gan B, viêm gan C, và các vius lây qua đường truyền máu, người có các bệnh mãn tính: tim mạch, huyết áp, hô hấp, dạ dày…thì không nên đi hiến máu.