Những mảnh đời bất hạnh sống chờ chết tại trại phong bỏ hoang

Ngày 21/09/2017 00:05 AM (GMT+7)

Không có nơi nào để về, 10 cụ già mấy chục năm ròng sống chung với căn bệnh phong – nhiều người gọi là “bệnh hủi” tự nguyện ở lại trại phong bỏ hoang, chờ đến lúc "về với tổ tiên".

Trại phong Đá Bạc thuộc địa phận xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội có lẽ là một địa danh bị rơi vào lãng quên từ lâu. Nhưng nơi đây vẫn còn 10 cụ già bị bệnh phong đang sống tách biệt với cộng đồng. Mỗi người đều có câu chuyện buồn bất hạnh khi mà cả tuổi thanh xuân phải sống trong sự ghẻ lạnh của mọi người.

Năm 2013, trại phong chuyển cơ sở mới nhưng các cụ xin ở lại, mặc cho việc này đồng nghĩa với chuyện các cụ sẽ không được Nhà nước trợ cấp nữa, mà phải tự lo từng bữa ăn hàng ngày.

Những mảnh đời bất hạnh sống chờ chết tại trại phong bỏ hoang - 1

Trại phong Đá Bạc nằm giữa những ngọn đồi heo hút.

Cuộc đời đẫm nước mắt

Tại căn phòng nhỏ đã bám màu rêu phong và nhiều vết rạn nứt, cụ Lê Thị Liên (80 tuổi, quê ở Gia Lâm, Hà Nội) – người sống trong trại phong từ lúc 19 tuổi, bật khóc khi được hỏi về quãng đời thanh xuân của mình.

Cụ Liên vừa kể, vừa lấy khăn tay chấm nước mắt, khi cụ mới 9 tuổi thì bố mẹ qua đời, để lại hai chị em. Cuộc sống khó khăn nên sau đó hai chị em được hai nhà họ hàng nhận nuôi. Đến năm 19 tuổi cụ biết bị bệnh phong, những ngày sau đó là chuỗi ngày đẫm nước mắt.

Những mảnh đời bất hạnh sống chờ chết tại trại phong bỏ hoang - 2

Những mảnh đời bất hạnh như cụ Sợi (áo màu nâu) và cụ Liên (áo màu hồng) tựa vào nhau mà sống, chấp nhận sự cô đơn nơi đồi núi heo hút.

“Họ hàng họ sợ lắm, dân làng, bạn bè xa lánh, không ai ngồi gần. Ăn riêng, uống riêng, bát đũa riêng, ăn xong tự rửa rồi đi hái dâu, chăn tằm. Nhiều lúc nằm nghĩ lại thấy sao đời mình cực quá.

Nhà ở gần sông hồng, những lúc đi vớt củi dưới sông tôi lắm lúc nghĩ rằng, chả nhẽ mượn cái dòng nước này để thoát thân, thoát khỏi cái số phận của mình. Nhưng vì không có gan, không có can đảm nên tôi chỉ biết khóc ngày, khóc đêm. Đêm ngủ cũng khóc, đi làm ở ruộng dâu cũng khóc. Đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao ông trời bắt tội tôi thế này”- cụ Liên kể.

Năm 1968, cụ Liên chuyển từ trại phong ở tỉnh Nghệ An lên trại phong Đá Bạc, tại đây cụ đã nên duyên với một người đàn ông cùng cảnh ngộ. Đến năm 1972, cụ Liên hạ sinh được một cậu con trai. Những tưởng rằng cuộc sống sau này sẽ êm đẹp hơn, nhưng không phải vậy.

Những mảnh đời bất hạnh sống chờ chết tại trại phong bỏ hoang - 3

Chỉ còn 10 cụ già sống tại nơi hoang vu, hẻo lánh này trong cơ sở vật chất đã xuống cấp nặng.

Vì con trai mặc cảm khi biết bố mẹ bị bệnh phong – căn bệnh hủi mà người ta xa lánh, vì thế nên vợ chồng cụ nuốt nước mắt nhìn con đi làm con nuôi của một người dân trong làng. Đến khi con trai lấy vợ, cụ Liên cũng không được dự đám cưới của con, không được giới thiệu là mẹ đẻ của chú rể mà chỉ được con trai bày vài mâm cỗ ở trên trại phong Đá Bạc để báo tin mừng.

“Nghĩ thì tủi thân, nhưng thân tôi mang bệnh tật cũng làm xấu mặt con. Cũng chỉ cầu mong cho các con hạnh phúc, khỏe mạnh là đủ” – cụ Liên cho biết.

Những mảnh đời bất hạnh sống chờ chết tại trại phong bỏ hoang - 4

Để phần nào vơi đi nỗi buồn, cụ Sợi nuôi thêm 2 con chó và 2 con mèo để cùng trò chuyện.

Cũng như cụ Liên, cụ Nguyễn Thị Sợi (72 tuổi, quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bắt đầu sống tại trại phong Đá Bạc từ năm 1968 cũng có tuổi thanh xuân đầy đau khổ, cụ chỉ muốn quên đi.

Ký ức về những lúc đang ngủ phải dùng bao tải, dùng giẻ, quần áo để bịt kín chân, kín người để tránh bị chuột cắn đến tứa máu, nhiễm trùng. Ký ức về những năm tháng bị người thân, dân làng xa lánh vì lỡ mang căn bệnh hủi. Ký ức về người chồng tệ bạc, hắt hủi mẹ con bà dẫu rằng khi đó hai người đã có với nhau một cô con gái.

Những mảnh đời bất hạnh sống chờ chết tại trại phong bỏ hoang - 5

Những đôi bàn tay không lành lặn đã mấy chục năm làm đủ công việc phục vụ cuộc sống như nấu cơm, quét nhà, cuốc đất trồng rau…

Sống lay lắt, chờ ngày về miền đất lạnh

Khi hỏi về lý do vì sao các cụ không chuyển đến trại phong mới vào năm 2013 - nơi có điều kiện sống và y tế tốt hơn mà lại chịu ở lại nơi heo hút, chấp nhận cuộc sống không có sự trợ cấp của Nhà nước, các cụ đều trả lời rằng do đã quen sống ở mảnh đất này.

“Tôi ở đây, tết này là tròn 50 năm nên tôi quen rồi. Sau này chết đi tôi cũng chỉ muốn chôn ở đây mà không phải ở một nơi nào khác. Đời người còn có bao nhiêu đâu… Phần cũng vì không nỡ để những nấm mồ của những người cùng cảnh ngộ với chúng tôi đã khuất, chôn trên đồi kia lạnh lẽo, không người hương khói.

Những mảnh đời bất hạnh sống chờ chết tại trại phong bỏ hoang - 6

Những mặc cảm thời trẻ, những ký ức không vui còn đeo bám, ám ảnh các cụ mãi cho đến tận bây giờ.

Thiếu thốn thì cũng quen rồi, nên chúng tôi cứ sống vậy thôi. Số phận cuộc đời rồi. Hầu hết mọi người ở đây đều một thân một mình, nương tựa vào nhau mà sống.

Niềm vui hiện tại của chúng tôi đó là mỗi lần có đoàn từ thiện lên. Không phải là vì họ cho đồ đạc này nọ mà chỉ đơn giản là được các cháu nấu cơm, cùng ăn những bữa cơm ấm áp như gia đình mà chúng tôi luôn thèm muốn.” – Cụ Sợi chia sẻ thêm.

Những mảnh đời bất hạnh sống chờ chết tại trại phong bỏ hoang - 7

Cụ Liên tự tạo niềm vui cho mình bằng cách trồng rất nhiều rau, có đủ loại như mướp, rau ngót, rau muống...

Minh Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h