Những mảnh đời mưu sinh bằng nghề bán vé số

Ngày 01/10/2015 11:58 AM (GMT+7)

Đôi chân tàn tật ngồi trên chiếc xe lăn, những đôi nạng gỗ hằng ngày vẫn len lỏi trên những con đường nắng gắt, mưa gió, bán từng tờ vé số mưu sinh...

Nằm sâu trong con hẻm 22 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM, căn nhà nhỏ chỉ rộng 30m2 nhưng nơi đây là tổ ấm khi cuối đời của 19 cụ già, tập trung từ các vùng quê của tỉnh Phú Yên về đây mưu sinh bằng nghề bán vé số.

Ngôi nhà nhỏ chưa bao giờ đóng cửa

Con hẻm nhỏ dẫn vào xóm vé số Phú Yên yên ắng. Họ chỉ ở nhà một vài giờ rồi lại cầm xấp tờ vé số tỏa ra các tuyến phố ở Sài Gòn để kiếm sống. “Có người bán ngày ngủ đêm, có những người thì bán đêm ngủ ngày. Họ đa số là người già 70 đến 80 tuổi, tật nguyền nhưng hàng ngày họ phải lội bộ hàng chục, thậm chí cả trăm cây số. Người nào khỏe thì đi xe bus đến các quận ở xa như Gò Vấp, hay Thủ Đức, nhường các quận ở gần cho người tàn tật và người già”, bà Hoa (một cụ bà bán vé số sống trong căn nhà này) cho biết.

Những mảnh đời mưu sinh bằng nghề bán vé số - 1

Căn nhà nhỏ chỉ 30m2 là tổ ấm thứ 2 của các cụ.

Bước chân vào căn nhà nhỏ, điều làm chúng tôi bất ngờ là căn phòng chỉ rộng 30m2 nhưng số người thì quá đông. Họ ngồi quây quần bên nhau trò chuyện, kể nhau nghe những vui buồn sau một ngày vất vả.

Ông Ngô Văn Tiến (51 tuổi, quê Phú Yên) là người đứng ra thuê căn nhà này. Ông kể lại: “Trước kia, tôi có người em kết nghĩa cũng thuê hẳn căn nhà rộng rồi gọi mấy cụ già bán vé số, hàng rong về ở. Thấy việc này ý nghĩa nên tôi làm theo. Khi mấy người già bán vé số thấy tôi mở lòng gọi về cùng sinh sống họ rất vui. Tuy nhiên, mình chỉ nhận người đồng hương cho dễ gắn bó, tin tưởng nhau hơn. Tất cả các cụ ở đây đều bán vé số mưu sinh và cùng đến từ mảnh đất Phú Yên. Hơn một nửa “nhân khẩu” trong ngôi nhà đều gắn bó với nơi đây từ 3-4 năm. Có thời điểm, căn nhà nhỏ này là nơi trú ngụ của gần 30 mảnh đời”.

Những mảnh đời mưu sinh bằng nghề bán vé số - 2

Người bị mất chân, người mù lòa nhưng các cụ vẫn cố gắng mưu sinh kiếm tiền để tự nuôi mình.

Cuộc sống mưu sinh của các cụ nơi đây bắt đầu từ mờ sáng, họ len lỏi trên các tuyến đường đến khuya mới về. Vào buổi trưa, mọi người tập trung bên nhau ngồi ăn buổi cơm chiều chuẩn bị đi bán tiếp cho kịp giờ giao số còn lại. “Các cụ ở nơi đây có người bán vào ban đêm đến tận 2 đến 3 giờ khuya mới về đến nhà, lại có người đi từ rất sớm để bán cho hết vé số mà đêm qua chưa bán hết. Cứ thế người về, rồi người đi nên căn nhà chưa bao giờ đóng cửa”, ông Tiến cho biết.

Hơn 20 con người ngồi chung quanh chúng tôi là hơn 20 hoàn cảnh ngặt nghèo. Những giọt nước mắt của họ lăn xuống mỗi khi nhắc đến gia cảnh khiến người nghe không khỏi xót lòng. “Nghèo tiền bạc nhưng nghĩa tình không nghèo. Tất cả cùng quê hương, cùng cảnh ngộ, chia sẻ với nhau những vui buồn. Người này bệnh thì có người kia mua thuốc, động viên chăm sóc, bán giùm vé số đã lỡ nhận...”, bà Hồ Thị Thảo chia sẻ.

Những giọt lệ mưu sinh

Bán mỗi tờ vé số các cụ kiếm được cho mình 1.000 đồng, mỗi ngày bán hết vế số người kiếm được từ 70.000 – 100.000 đồng. “Vào những ngày mưa, bán vé số không được đành chịu ế, có người chịu đội mưa bán thì cũng kiếm được 30.000 – 40.000 đồng. Nhiều lúc, vì nước thấm vào vé số các cụ phải đền cho đại lý”, ông Tiến cho biết.

Những mảnh đời mưu sinh bằng nghề bán vé số - 3

 Những chiếc nón lá, che mưa, nắng trên những đoạn đường Sài Gòn.

Đang ngồi trọ chuyện cùng các cụ nơi đây, từ phía xa cụ Nguyễn Văn Mậu (78 tuổi, ngụ Phú Yên) chống đôi nạng đi về. Mọi người trong nhà cứ tưởng cụ hôm nay bán hết sớm, nào ngờ cụ bị cướp hết tiền và vé số.

Trên tay cầm quyển sổ dò, nước mắt ướt đẫm, bác kể: "Đang đi bán ở Q. Thủ Đức thì có 2 người thanh niên chạy đến mua vé, không ngờ tụi nó cướp lốc vé và cướp luôn cả bóp tiền bán được từ sáng đến giờ".

Xóm vé số Phú Yên cũng có những trường hợp mà cả gia đình nhiều thế hệ cùng làm nghề bán vé số. Cái nghèo nối tiếp cái nghèo, không có lối thoát. Bên cạnh đó cũng có những trường hợp khả quan hơn khi các bậc cha mẹ ý thức được tầm quan trọng của việc cho con em ăn học đến nơi đến chốn để mong sao con mình không phải đi bán vé số, không phải nghèo khổ như mình. Nhờ đó mà hiện nay dân số của xóm vé số Phú Yên không chỉ có những người làm nghề bán vé số mà còn có cả các em học sinh, sinh viên.

Thanh Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự