Chỉ vài chục phút trước khi thực hiện vụ xả súng kinh hoàng tại một trường tiểu học tại Mỹ, thủ phạm đã gửi những tin nhắn về kế hoạch của mình qua Facebook. Đáng tiếc là người ta chỉ tìm ra những tin nhắn này sau khi sự việc tang thương đã xảy ra.
Trong cuộc họp báo vào thứ Tư (giờ địa phương), Thống đốc bang Texas là Greg Abbott cho biết, thủ phạm thực hiện vụ xả súng tại Trường Tiểu học Robb - khiến 19 học sinh và 2 cô giáo thiệt mạng - đã viết về kế hoạch của mình trên Facebook.
Ông Abbott nói, thủ phạm - Salvador Ramos - đã “đăng bài” lên Facebook 3 lần trước cuộc thảm sát. Từ “đăng bài” mà ông Abbott dùng thường để chỉ việc đăng những bài viết mà nhiều người đọc được. Tuy nhiên, sau đó Facebook lên tiếng đính chính rằng Ramos đã gửi tin nhắn trực tiếp (có lẽ là qua Messenger?), chứ không phải đăng bài công khai, và những tin nhắn đó chỉ được phát hiện ra “sau thảm kịch kinh hoàng”.
Ông Greg Abbott. Ảnh: Alamy.
Trong tin nhắn đầu tiên, được gửi đi 30 phút trước khi Ramos tới Trường Tiểu học Robb, hắn viết: “Tôi sẽ bắn bà tôi”. Tin nhắn thứ hai: “Tôi đã bắn bà tôi”. Và tin nhắn thứ ba, được gửi đi khoảng 15 phút trước vụ tấn công, là: “Tôi sẽ bắn một trường tiểu học”. Hắn ta không viết rõ là trường nào, và hiện chưa có thông tin là những tin nhắn này được gửi cho ai.
Trong buổi họp báo, ông Abbott cũng nói, bà của Ramos đã gọi điện cho cảnh sát trước khi bị cháu của mình bắn. Ông giải thích thêm rằng, dù bỏ học nhưng Ramos chưa từng phạm pháp, cũng không có tiền sử bị vấn đề gì về sức khỏe tâm thần.
Cảnh sát vẫn đang làm việc xuyên đêm tại trường Tiểu học Robb. Ảnh: Alamy.
Vụ xả súng mới nhất này càng làm tăng sức ép đối với các công ty mạng xã hội, thúc giục họ tăng cường giám sát việc trao đổi online. Ít lâu trước đây, một kẻ xả súng ở cửa hàng tạp hóa cũng dùng mạng xã hội để lên kế hoạch cho hành động của mình, thậm chí còn livestream.
Tuy nhiên, theo Facebook thì mặc dù họ có giám sát những tin nhắn riêng của người sử dụng để dò những nội dung độc hại, nhưng đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo thì việc nắm được các chuỗi từ ngữ nguy hiểm là khó hơn nhiều, do nhiều từ ngữ có thể chỉ là đùa vui, trong những chuyện cười, đoạn văn, lời bài hát… Nên không chỉ Facebook mà cả các nền tảng mạng xã hội khác cũng chủ yếu dựa vào các báo cáo (report) của người sử dụng để tìm ra các bài đe dọa, xúc phạm hay các kiểu nội dung vi phạm pháp luật hoặc quy định.
Nhiều gia đình vẫn không thể tin nổi chuyện vừa xảy ra. Ảnh: Brandon Bell/ Getty Images.
Nhưng như vụ xả súng vừa rồi đã chứng minh, khi người ta phát hiện ra những thông tin nguy hiểm trên mạng xã hội thì thường đã là quá muộn rồi.