Đến nay, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2023. Theo công bố của các trường, mức điểm chuẩn xét tuyển học bạ năm nay cao nhất 30 điểm.
Trường đại học Sư phạm Hà Nội công bố điểm trúng tuyển theo phương thức xét học bạ THPT năm nay dao động 20,5 - 29,8. Trong đó lớp cao nhất Sư phạm Toán (dạy bằng tiếng Anh) với 29,8 điểm - ngành này chỉ tuyển 5 chỉ tiêu theo phương thức xét học bạ. Tiếp theo đó là ngành Sư phạm Hoá (dạy bằng tiếng Anh) với 28,93 điểm. Tổng điểm = Điểm trung bình cả năm lớp 10, 11 và 12 của môn Toán và điểm cộng ưu tiên theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Trường đại học Luật Hà Nội từng công bố điểm chuẩn ngành Luật Kinh tế, tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) là 30,3. Sau đó vài tiếng, trường này phải ra thông báo hạ xuống 30, để thực hiện yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Sau quy đổi, ngành Truyền thông quốc tế của Học viện Ngoại giao vẫn lấy 30 điểm ở tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) bằng kết quả học tập THPT. Mức này bởi trường đã cộng tối đa 10 điểm khuyến khích.
Trường đại học Ngoại thương công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm phương thức xét học bạ của thí sinh trường chuyên, học sinh giỏi quốc gia (xem chi tiết tại đây). Trong đó, điểm trúng tuyển cao nhất 31 với ngành Quản lý chuỗi cung ứng. Với phương thức xét kết hợp chứng chỉ quốc tế, ngành Kinh tế (chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại) điểm chuẩn cao nhất 30.
Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng đào tạo, Trường đại học Ngoại thương, nhiều thí sinh chưa hiểu cách tính quy đổi mới nên còn băn khoăn, thực chất không còn tình trạng điểm chuẩn trên 30.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.
Ngay trong đề án tuyển sinh, trường quy định rõ công thức tính và điểm tối đa của phương thức xét này là 34, không phải 30 điểm (gồm 30 điểm từ ba môn trong tổ hợp xét + tối đa 4 điểm cộng thí sinh đạt giải nhất quốc gia). Còn với phương thức xét tuyển kết hợp học bạ với giải học sinh giỏi cấp tỉnh điểm tối đa là 32.
Trường cũng nêu rõ, sau khi tính toán điểm của thí sinh, trường sẽ thực hiện quy đổi mức tổng điểm về thang 30 để thí sinh nắm rõ. Sở dĩ trường đưa ra cách tính như vậy nhằm đảo bảo đúng với quy định của Bộ GD&ĐT trong thay đổi cách tính điểm ưu tiên, không xảy ra tình trạng điểm chuẩn vượt 30.
Học viện Ngân hàng, những ngành Ngân hàng số, Tài chính, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Luật kinh tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có điểm điểm cao nhất là 29,8.
Trường đại học Công nghiệp Hà Nội công bố điểm chuẩn từ 25,1 đến 29,23, trong đó ngành Công nghệ thông tin là cao nhất - đây cũng là ngành duy nhất của trường có mức điểm trên 29.
Trường đại học Thủy lợi, ngành Công nghệ thông tin, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng lấy 29,5 điểm, Thương mại điện tử 29,25, Luật 29,03.
Trường đại học Công nghệ Giao thông vận tải cũng đưa ra mức điểm chuẩn cao nhất với ngành Thương mại điện tử, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là 29 điểm.
Trường đại học Sư phạm TP.HCM công bố điểm học bạ cao nhất 29,73 ở ngành Sư phạm Hóa. Các ngành Sư phạm Toán, Lý, Sinh cũng lấy 29 trở lên.
Đại học Cần Thơ chốt ngành điểm chuẩn cao nhất Sư phạm Toán lấy 29,25. Xếp sau là ngành Sư phạm Hóa học với điểm chuẩn 29,1.
Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đưa ra mức điểm chuẩn xét tuyển sớm cao nhất cho ngành Công nghệ thông tin lấy trên 29.
Xét tuyển sớm là các phương thức tuyển sinh không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các trường đại học thường xét kết quả học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, ưu tiên xét tuyển... Kết quả trúng tuyển của thí sinh sẽ được công nhận chính thức sau khi đủ điều kiện tốt nghiệp THPT.Chọn ngành "hot" nhưng phải phù hợp
Hiện các thí sinh đang thực hiện việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. Đây sẽ là bước cuối cùng để quyết định đến trường học, ngành học và có thể công việc sau này của mỗi thí sinh. Nhiều thí sinh không biết nên chọn ngành học trước hay chọn trường trước, chọn theo xu thế thị trường hay theo năng lực cá nhân và nguyện vọng của gia đình?
Để giúp thí sinh tránh chọn "nhầm đường", dẫn đến những hệ lụy về sau, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc chọn đúng ngành quan trọng hơn rất nhiều, vì đây là yếu tố định hướng việc phát triển cá nhân. Nếu vào được trường top, ngành đó lại nằm ở trường top thì rất tốt nhưng rõ ràng ở những trường top, với những ngành học giàu sức hút thì mức độ cạnh tranh đặc biệt cao, các bạn giỏi cũng mong muốn được theo học.
PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn cho rằng, chọn ngành theo xu thế "hot" mà năng lực học của cá nhân không phù hợp thì học trường nào cũng thất bại. Ngành phù hợp mới quan trọng. Khi vào một ngôi trường có thương hiệu nhưng ngành học không phù hợp, người học sẽ không tìm thấy sự say mê học tập; không thấy cơ hội việc làm có gì, và cơ hội phát triển trong tương lai ra sao. Quá trình học tập như vậy sẽ rất bế tắc, chưa nói khi ra làm việc, nếu có tốt nghiệp.
Theo PGS.TS Lê Hữu Lập, đúng là có hàng trăm ngành, hàng nghìn nghề. Vậy thì chọn lựa ngành nghề ra sao khi tư vấn hướng nghiệp ở trường phổ thông chưa làm tốt. Theo cách truyền thống là phân các ngành theo khối ngành, rồi chọn vào ngành.
Khối ngành khoa học tự nhiên, Kỹ thuật CN, y sinh, Kinh tế thì hs phải học tốt các môn Toán, KHTN (Lý, Hóa, Sinh). Khối ngành Khoa học xã hội: học sinh phải học tốt các môn Ngữ Văn, khoa học xã hội. Tiếp theo là sở thích: (nếu đã có, càng tốt). Có đam mê và biết lập trình thì chọn ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính chẳng hạn. Thích lắp ráp điện tử thì học Tự động hóa, Điện tử. Có khiếu về vẽ, hội họa thì học Đa phương tiện, kiến trúc... Có khả năng diễn thuyết, viết lách thì học Báo chí, truyền thông, marketing.... Nếu có khả năng lãnh đạo thì vào các ngành quản trị kinh doanh, Luật...
"Thí sinh nên dựa vào khối ngành vẫn là cơ bản nhất. Cho nên các trường đã nghiên cứu kỹ, với ngành đó thì chọn tổ hợp môn học nào. Tất nhiên điểm tổ hợp đó, thí sinh phải có kết quả tốt mới trúng tuyển được".