Những vụ án chấn động sau ngày giải phóng: Vụ sát hại vợ chồng nghệ sỹ Thanh Nga

Ngày 01/05/2018 11:48 AM (GMT+7)

Những ngày đầu giải phóng, Sài Gòn liên tiếp xảy ra nhiều vụ cướp của, giết người và bắt cóc tống tiền nhắm vào các gia đình khá giả, trong đó vụ bắt cóc bé Cúc Cu, sát hại vợ chồng “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga gây rúng động dư luận cả nước bởi sự tàn bạo, liều lĩnh của bọn tội phạm.

Manh động, tàn bạo

Vụ đầu tiên là bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương cuối năm 1977. Đại tá Thái Doãn Mẫn cho biết qua theo dõi quy luật đi lại của gia đình nghệ sỹ Kim Cương, Nguyễn Thanh Tân (đối tượng cầm đầu băng cướp nguy hiểm nhất Sài Gòn lúc bấy giờ) phát hiện bé Trần Trọng Gia Vinh (tên thường gọi là ToRo, 5 tuổi, con trai nghệ sĩ Kim Cương) được gia đình gửi ở nhà trẻ Vườn Hồng trên đường Trương Định (quận 3).

Tân đã cùng đàn em liều lĩnh cầm súng xông vào nhà trẻ khống chế các cô giáo và bắt bé ToRo đưa lên chiếc Honda 67 xoáy nòng tẩu thoát. Chúng tự xưng là người của một tổ chức phản động, gọi điện thoại yêu cầu gia đình nghệ sĩ Kim Cương chuẩn bị 100 lượng vàng để chuộc con.

Những vụ án chấn động sau ngày giải phóng: Vụ sát hại vợ chồng nghệ sỹ Thanh Nga - 1

Nghệ sỹ Thanh Nga bị sát hại.

“Trong cuộc họp diễn ra cuối tháng 11/1977, Ban Giám đốc Công an TPHCM chỉ đạo lập Ban chuyên án, nòng cốt là Đội trọng án, đồng thời yêu cầu lãnh đạo các phòng nghiệp vụ bằng mọi giá phải đưa bé ToRo về nhà an toàn”, đại tá Thái Doãn Mẫn nhớ lại.

Tuy nhiên, do thông tin về các cuộc trao đổi giữa gia đình bị hại với nhóm cướp được giấu kín; nhóm tội phạm dùng ám hiệu, điện thoại tự động giấu số và mật mã như hoạt động tình báo nên quá trình điều tra của Đội trọng án gặp rất nhiều khó khăn.

Các cuộc gọi tiếp theo cho gia đình bị hại, Nguyễn Thanh Tân đồng ý giảm tiền chuộc bé ToRo xuống còn 20 lượng vàng. Tân yêu cầu nghệ sĩ Kim Cương lái xe đi lòng vòng để kiểm tra có bị công an bám đuôi hay không rồi mới cho hai đàn em thân tín áp sát xe của nghệ sĩ Kim Cương giao chiếc áo của bé ToRo làm tin để nhận số vàng rồi phóng mất dạng.

Nghệ sĩ Thanh Nga là chị ruột của danh hài Bảo Quốc, sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Mẹ bà là bà bầu Nguyễn Thị Thơ (bầu Thơ), Trưởng đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nổi tiếng trước năm 1975. Sau khi xảy ra vụ bắt cóc con trai nghệ sĩ Kim Cương, nghệ sỹ Thanh Nga đã rất cảnh giác khi thuê một võ sư làm cận vệ cho gia đình.

Vài ngày sau, nghệ sĩ Kim Cương nhận điện thoại của nhóm cướp kêu vợ chồng bà đến Bưu điện thành phố để đón con. Nhiều trinh sát được điều động đến mật phục, giăng bẫy nhưng đến nơi chỉ thấy một mình bé ToRo đứng khóc. Tên tướng cướp Nguyễn Thanh Tân sổng lưới.

Gần một năm sau, thành phố Sài Gòn lại rúng động khi xảy ra một vụ trọng án khác. Nạn nhân lần này là vợ chồng “Nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga bị bọn cướp sát hại ngay trong nhà khi cố bảo vệ cậu con trai chưa tròn 5 tuổi.

Cậu bé ấy chính là danh hài Hà Linh, một nghệ sỹ khá nổi tiếng của sân khấu hài TPHCM bây giờ. Mỗi khi nhắc đến cha mẹ, đôi mắt biết nói của nghệ sỹ Hà Linh lại buồn rười rượi. Ngày xảy ra vụ thảm án, anh còn quá nhỏ…

Theo hồ sơ vụ án, cuối năm 1978, bọn cướp lên kế hoạch bắt cóc bé Phạm Duy Hà Linh (bé Cúc Cu, 5 tuổi), con nghệ sĩ Thanh Nga để đòi tiền chuộc. Đêm 26/11/1978, nghệ sĩ Thanh Nga kết thúc vai diễn “Thái hậu Dương Vân Nga” ở rạp Thủ Đô thì được chồng lái ô tô đưa về nhà.

Họ hoàn toàn không biết mình đang bị hai tên cướp cực kỳ nguy hiểm đi trên chiếc xe Honda 67 bám đuôi. Xe vừa vào gara, một tên cướp rút súng lao vào. Hắn đạp ngã người cận vệ của nghệ sĩ Thanh Nga, khống chế rồi vừa mở cửa xe bắt bé Cúc Cu. Với bản năng của người mẹ, nghệ sĩ Thanh Nga cố hết sức chống chọi, giằng co với tên cướp để bảo vệ con, bất chấp nòng súng lạnh lẽo đang chĩa vào mình. Tên cướp lạnh lùng nổ súng khiến nữ nghệ sĩ đổ gục xuống băng ghế. Chồng bà lao đến cứu vợ, con cũng lãnh trọn viên đạn thứ 2.

Hai tên cướp vội vã bỏ đi, không thực hiện hành vi bắt cóc bé Cúc Cu vì sợ bị lộ. Nghệ sĩ Thanh Nga được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong. Chồng bà chết tại hiện trường.

Đại tá Thái Doãn Mẫn cho biết trước vụ án đặc biệt nghiêm trọng, Công an TPHCM đã lập chuyên án để điều tra hòng đưa những kẻ thủ ác ra trừng trị trước pháp luật. Trước khi bị sát hại, nữ nghệ sĩ Thanh Nga nhiều lần bị đe dọa vì đóng những vai diễn “nhạy cảm” nên hướng điều tra được mở rộng.

“Thời điểm ấy có một tổ chức phản động tuyên bố đã sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga, nhưng sau khi một số đối tượng trong tổ chức bị bắt, kết quả thực nghiệm hiện trường không trùng khớp nên công an xác định không liên quan đến vụ án”, ông Mẫn kể.

Những vụ án chấn động sau ngày giải phóng: Vụ sát hại vợ chồng nghệ sỹ Thanh Nga - 2

Bắt cóc con bác sĩ Nguyễn Lã Hỷ. Ảnh: Tư liệu công an TPHCM.

Sa lưới

Rất nhiều đối tượng nghi vấn được đưa vào tầm ngắm của ban chuyên án nhưng họ đều có chứng cứ ngoại phạm. Cũng như vụ bắt cóc con nghệ sỹ Kim Cương, vụ sát hại vợ chồng nghệ sỹ Thanh Nga rơi vào bế tắc dù lực lượng SBC (săn bắt cướp) phân tán khắp nơi và quần thảo ngày đêm. Thủ phạm của vụ trọng án chưa lộ diện thì gần ba tháng sau, Sài Gòn lại rúng động với vụ bắt cóc con bác sĩ Nguyễn Lã Hỷ.

Với thủ đoạn tương tự vụ bắt cóc con nghệ sỹ Kim Cương, nhóm cướp đã đến trường Tân Nhì bắt cóc bé Nguyễn Phương, con bác sĩ Nguyễn Lã Hỷ rồi gọi điện cho gia đình nạn nhân yêu cầu đưa 100 lượng vàng chuộc con. Đại tá Thái Doãn Mẫn kể sau khi nhận được tin báo, Ban Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo toàn bộ lực lượng SBC khẩn trương truy bắt.

Qua điện thoại, bọn cướp yêu cầu vợ bác sĩ Lã Hỷ đi xe đạp mang số vàng đến một địa điểm trên đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh) để giao vàng. Các trinh sát bí mật cải trang đón lõng và phát hiện kẻ tình nghi. Khi hắn vừa cầm số vàng nhảy lên chiếc Honda 67 của đồng bọn tẩu thoát, trinh sát lập tức nổ súng. Một viên đạn găm thẳng vào lưng tên ngồi phía sau. Bọn cướp ngoan cố chống trả ném lựu đạn về phía các trinh sát đội SBC nhưng may mắn quả lựu đạn không nổ.

Ông Mẫn chỉ đạo cho đại úy Hai Thành và các trinh sát mật phục tại các bệnh viện để đón lõng tên cướp bị thương. Quả nhiên hắn được đồng bọn đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu và bị tóm gọn. Qua khai thác tên cướp, manh mối của các vụ án trước đó dần được làm rõ.

Quan trọng hơn, lực lượng công an còn biết được nơi ở của tên cầm đầu Nguyễn Thanh Tân ở Sóc Trăng. Các trinh sát hình sự lập tức xuống nhà Tân và phát hiện bé Phương đang bị giấu ở đây. Riêng tung tích của tên cầm đầu thì như bóng chim, tăm cá.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra xác định Nguyễn Thanh Tân đang ẩn náu trong một con hẻm trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3). Nửa đêm, các trinh sát ập vào căn nhà và bắt gọn tên cầm đầu băng cướp khi hắn đang ngủ ngon lành trên gác. Khám xét căn nhà, cơ quan công an thu được gần như toàn bộ số vàng của các vụ bắt cóc tống tiền trước đó.

Làm việc với cơ quan điều tra, Tân tỏ ra ngoan cố, chỉ thừa nhận đã thực hiện hành vi bắt cóc con của nghệ sĩ Kim Cương và con bác sĩ Lã Hỷ. Sau nhiều cuộc đấu trí căng thẳng, cuối cùng, hắn cũng thừa nhận là hung thủ trực tiếp nổ súng sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga. Tuy nhiên, việc kết án kẻ thủ ác gặp khó khăn vì khẩu súng P38 gây án hắn khai đã vứt xuống cầu Bình Lợi trong quá trình trốn chạy.

Nhiều chiến sĩ được giao nhiệm vụ ngặp lặn dưới cầu Bình Lợi để tìm khẩu súng gây án. Sau hai ngày đêm mò tìm không có kết quả, ở ca lặn cuối cùng, hai anh Nguyễn Văn Bảy và Võ Quang Hà ôm dây bảo hiểm trầm mình xuống sông và vướng phải mìn do chính quyền cũ trước giải phóng gài dưới chân cầu để chống lực lượng đặc công giải phóng. Mìn nổ, cả hai chiến sỹ đều hy sinh.

Nén đau thương, các trinh sát tiếp tục tỏa đi khắp nơi để xác minh, theo dõi những đối tượng nghi vấn và cuối cùng đã tìm thấy khẩu súng được Tân cất giấu bên trong một chiếc quạt bàn. Khi em dâu của Tân đến lấy quạt để hủy tang vật quan trọng của vụ án thì bị phát hiện.

“Với những chứng cứ cụ thể, Nguyễn Thanh Tân đã cúi đầu nhận tội. Hắn thừa nhận trong cả ba vụ án, hắn đều giữ vai trò chủ mưu”, đại tá Thái Doãn Mẫn nhớ lại.

Theo thống kê của Công an TPHCM, từ năm 1975 đến năm 1978, cứ 40 phút, TPHCM lại xảy ra một vụ cướp và trong hơn 3 năm chúng đã cướp đi sinh mạng của 170 người, làm 200 người bị thương. Tài sản bị thiệt hại gồm 1.200 lượng vàng, 15 xe ôtô, 70 viên kim cương, 370 xe gắn máy... 

Ly kỳ chuyện tìm vợ của người lái xe tăng vào Dinh Độc Lập trưa 30/4
Từ một bức ảnh chụp cô gái đang hái dâu đăng trên báo, người lính lái xe tăng Trần Bình Yên coi như "duyên trời định" và dành tới 5 năm đi tìm người...
Theo HUY THỊNH
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h