Từ một bức ảnh chụp cô gái đang hái dâu đăng trên báo, người lính lái xe tăng Trần Bình Yên coi như “duyên trời định” và dành tới 5 năm đi tìm người thương. Họ đã gặp nhau và nên duyên vợ chồng theo cách không ai ngờ đến…
“Mối duyên trời định”
Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Tư, ngôi nhà nhỏ của ông Trần Bình Yên ở huyện Kim Bảng (Hà Nam) lại rộn tiếng cười khi đón những đoàn khách từ khắp mọi miền trên tổ quốc về thăm. Trong không khí những ngày cả nước kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi vô tình được nghe câu chuyện tình cảm động của ông với cô công nhân hái dâu Trần Thị Vân.
Sáng 30/4/1975, trong đội hình thọc sâu của Lữ đoàn thiết giáp 203 (Quân đoàn 2), cùng với đồng đội của mình, chàng trai trẻ Trần Bình Yên (Đại đội 5, Tiểu đoàn 2) lái chiếc xe tăng 846 tiến vào Dinh Độc Lập. Ông Trần Bình Yên chính là chiến sĩ lái xe trên chiếc xe tăng mà Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam chụp trưa ngày 30/4/1975. Đến nay, bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975” đã được trưng bày ở khắp nơi.
Gia đình cựu chiến binh Trần Bình Yên.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc- Nam sum họp một nhà, đơn vị của ông Yên được lệnh chuyển ra Huế huấn luyện và tập trung cho nhiệm vụ mới. Năm 1977, trong một lần nghỉ phép về quê, người lính lái xe tăng năm nào tình cờ đọc được một bài báo viết về nghề trồng dâu nuôi tằm ở Nông trường Ba Sao, quê ông.
Đăng kèm bài viết là bức ảnh chụp các cô gái đang hái dâu, trong đó, ông Yên chú ý tới một cô gái có khuôn mặt tròn trịa, xinh xinh đứng bên phải bức ảnh. Bị sức hút bất ngờ bởi cô gái trong ảnh, người lính trẻ vội vàng cắt ảnh và giữ lại với ý định sau này có cơ hội sẽ đi tìm…
Ông Trần Bình Yên là người lái chiếc xe tăng 846 tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 trong bức ảnh nổi tiếng của nhà báo Trần Mai Hưởng. Ảnh: Đăng Khoa
Chỉ với một bức ảnh đen trắng, đến cái tên của cô gái, ông Yên cũng không biết. Thế nhưng, có điều gì đó cứ thôi thúc ông phải đi, phải tìm như một duyên phận.
“Ngày đó, Nông trường Ba Sao ở gần nhà tôi, hàng ngày tôi vẫn thường thấy các nữ công nhân đứng làm việc trên chân ruộng xanh ngắt những vạt dâu, đôi tay thoăn thoắt hái lá, chiếc nón lá che nghiêng trên những khuôn mặt còn rất trẻ.
Nhiều lần tôi đạp xe đi dọc nông trường với hi vọng tìm được người con gái trong bức ảnh trên báo mà mình đang giữ, thế nhưng, nhìn ai cũng hao hao giống nhau. Mặc dù có quen biết một số công nhân cũ ở nông trường, nhưng dò hỏi về nữ công nhân được xuất hiện trên báo thì chẳng ai biết, vì hầu hết thời điểm tôi tìm kiếm nông trường đã tuyển những công nhân mới”, ông Yên kể.
Lần về thăm nhà năm ấy, chàng lính trẻ Trần Bình Yên không tìm thấy cô gái trong ảnh, thế nhưng trong tâm trí lúc nào cũng tin rằng sẽ có ngày hai người tìm gặp được nhau. Sau đó, đơn vị của ông Yên được lệnh thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia, lúc lên đường, trong hành trang vẫn mang theo bức ảnh cô gái cắt từ tờ báo mà ông chưa từng gặp mặt.
Trời không phụ lòng người, trong một lần tình cờ ông Yên gặp được cô gái Trần Thị Vân, một nữ công nhân đang làm việc tại Nông trường Ba Sao có gương mặt giống với nữ công nhân trong bức ảnh mà mình đang giữ.
Ngờ ngợ rồi làm quen, sau thời gian tìm hiểu ông bất ngờ hơn khi biết bà Vân chính là cô gái trong bức ảnh ông tìm kiếm bấy lâu. Năm 1982 ông Yên và bà Trần Thị Vân quyết định về chung một nhà, tuy nhiên, việc bà Vân là người phụ nữ trong ảnh mà ông đã tìm kiếm bấy lâu, ông tuyệt nhiên giấu kín…
“Ba năm trước, trong một lần gặp mặt đồng đội lái xe tăng từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi lại mang ảnh ra xem. Lúc này, tôi mới sực nhớ ra bức ảnh của vợ mình năm nào và lấy ra cho bà ấy xem có nhận ra mình ở trong bức ảnh đó hay không. Khi đó, vợ tôi rất bất ngờ và xúc động”, ông Yên chia sẻ.
Hội ngộ những người lính trên chiếc xe tăng huyền thoại
Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập hồi 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Kể thêm là lần gặp mặt đồng đội 3 năm trước, ông Trần Bình Yên cho biết đấy là cuộc hội ngộ đầu tiên sau 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những người trong bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập” đã được gặp tác giả chụp là Nhà báo Trần Mai Hưởng.
Đó là khoảnh khắc trưa ngày 30/4/1975, những phóng viên trong tổ mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam hành quân cùng mũi đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 từ hướng Đông tiến vào trung tâm Sài Gòn. Xe của nhóm phóng viên đi dọc theo những đông đặc người dân đổ ra đường chào đón các chiến sĩ giải phóng. Khi nhà báo Mai Hưởng đến Dinh Độc Lập, những xe tăng đi đầu đã đến đó trước. Cánh cửa sắt của Dinh Độc Lập đã bị hất tung.
Vừa vào trong sân dinh, ông Hưởng nhảy ra khỏi xe thì thấy một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính của dinh. Một hình ảnh rất đẹp, nắng trưa rực rỡ. Xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập trên mặt đất, lá cờ nửa đỏ nửa xanh trên tháp pháo tung bay. Cùng với những người lính tăng là các chiến sĩ bộ binh của Sư đoàn 304 hiên ngang trên tháp pháo. Chiếc xe tăng đó mang số hiệu 846, do ông Trần Bình Yên lái.
Tại buổi gặp mặt thân mật, ấm cúng, mọi người đã hỏi han, chia sẻ và tâm sự với nhau về cuộc sống. Ông Nguyễn Quang Hòa, người La Khê, Hà Đông (Hà Nội) trước khi lên đường nhập ngũ là sinh viên Đại học Lâm nghiệp. Sau chiến tranh, ông công tác ở Bộ Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp một thời gian, rồi ra quân. Ông về lo công việc đồng áng với vợ, nuôi dạy bốn cô con gái nay đều đã trưởng thành, có gia đình riêng.
Hai vợ chồng ông Hòa bây giờ có một quầy hàng nhỏ trước nhà. Cuộc sống mưu sinh chẳng dễ dàng gì nhưng điều cảm nhận được ở người lính ấy trong khi trò chuyện là sự thanh thản và lạc quan. Bởi như ông nói, còn sống và gặp được anh em bè bạn là niềm vui, may mắn hơn bao nhiêu đồng đội khác đã hy sinh nằm lại trên các chiến trường.
Ông Trần Bình Yên và ông Trần Văn Quý (pháo thủ số 1) cùng ông Nguyễn Bá Tứ (pháo thủ số 2) khi rời quân ngũ như hàng triệu người lính, cũng trở về với đời thường, sống cuộc sống của những người lao động.
Với tinh thần nỗ lực không ngừng của anh bộ đội cụ Hồ, bằng sự chăm chỉ cần cù lao động từ chính đôi bàn tay, cuộc sống của hai vợ chồng cựu chiến binh Trần Bình Yên ngày càng khấm khá. Căn nhà tranh ngày nào đã được hai vợ chồng ông xây lại thành nhà mái bằng. Căn nhà tựa lưng vào núi, xung quanh là vườn na xanh tốt, lúc nào cũng rộn rã tiếng cười.
Ông Quý ở ngoại thành Hải Phòng, lại trở về với đồng ruộng. Cuộc sống sau ngày giải phóng chật vật, nhưng hai vợ chồng ông vẫn thương yêu, đùm bọc, cùng nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn. Ông Tứ người Hà Nội làm nghề lái xe khách nhưng đã nghỉ việc do sức khỏe yếu. Con gái đầu lòng của ông bị nhiễm chất độc da cam. Vợ ông làm nghề bán xôi để kiếm sống và chăm con…
Họ như muôn vàn người lính khác, làm xong nhiệm vụ của mình, trở về cuộc sống đời thường với nỗi lo mưu sinh. Trong nhiều năm không hề biết rằng chiếc xe và hình ảnh của họ có mặt trong một bức ảnh được báo chí sử dụng rộng rãi như một biểu tượng cho những ngày tháng lịch sử đó.
Khước từ mai mối quyết tìm người trong ảnh Năm 1980, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ già yếu, ông Yên xin xuất ngũ, trở về quê hương. Sau khi về quê, cựu chiến binh Trần Bình Yên được mai mối với nhiều cô gái, tuy nhiên, một phần do không hợp, mặt khác ý định tìm kiếm cô nữ công nhân hái chè trong bài báo năm nào vẫn còn nguyên vẹn. Vì thế, ông Yên quyết tâm gạt bỏ mọi lời mai mối và đi tìm “mối duyên trời định” của mình. |